A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kho bạc nhà nước Kon Rẫy: Kết quả 02 năm thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, một số khuyến nghị đối với đơn vị giao dịch

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) Kho bạc Nhà nước (KBNN) là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN hướng đến KBNN điện tử, tạo nền tảng hình thành và hoàn thiện Kho bạc số theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Sau 02 năm triển khai thực hiện, DVCTT tại KBNN Kon Rẫy đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KBNN trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi, mang lại những lợi ích thiết thực cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân (gọi chung là đơn vị) trong các hoạt động giao dịch với KBNN; nâng cao sự hài lòng của đơn vị đối với dịch vụ của KBNN.

Quang cảnh khu vực giao dịch

Cùng với toàn hệ thống, KBNN Kon Rẫy đã triển khai thành công DVCTT từ tháng 5 năm 2020. Ngay trong tháng đầu triển khai diện rộng KBNN Kon Rẫy đã có 69/69 đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn tham gia, đạt 100%  đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia. Sau thời gian triển khai, DVCTT từng bước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp các tiện ích, cung cấp đầy đủ 11/11thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN cấp độ 4 (2 thủ tục thuộc lĩnh vực thu và hoàn trả thu NSNN; 6 thủ tục thuộc lĩnh vực kiểm soát chi NSNN và 3 thủ tục thuộc lĩnh vực mở và sử dụng tài khoản). Việc tích hợp giao diện dữ liệu từ hệ thống DVCTT sang các chương trình ứng dụng như TABMIS, TTSP, TCS, ĐTKB giúp Giao dịch viên không phải nhập liệu đầu vào, có thời gian, không gian tập trung cho công tác kiểm soát hồ sơ; các thao tác nghiệp vụ, thời gian xử lý nghiệp vụ được rút ngắn đáng kể.

Tính từ khi triển khai 5/2020 đến 5/2022, KBNN Kon Rẫy đã tiếp nhận và giải quyết hơn 29 ngàn mã hồ sơ, với trên 70 ngàn bộ hồ sơ chứng từ. 100% hồ sơ chứng từ được giải quyết trước hạn và đúng hạn, trong đó trên 98% hồ sơ được giải quyết ngay trong ngày, không có chứng từ quá hạn.

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có thể thực hiện giao dịch với KBNN mọi thời điểm trong ngày, trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ; giảm chi phí giao dịch, thời gian chờ đợi, DVCTT còn giúp tăng cường tính bảo mật, phòng ngừa rủi ro giả mạo chữ ký, con dấu của đơn vị; giúp đơn vị giao dịch cũng như KBNN có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi NSNN, nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch trong hoạt động giao dịch; giúp hạn chế sai sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị giao dịch khi yêu cầu nhập thông tin chính xác. Trường hợp có sai sót, đơn vị được KBNN thông báo qua hệ thống với đầy đủ lý do và hướng dẫn chi tiết giúp đơn vị chủ động, kịp thời bổ sung, điều chỉnh. KBNN thường xuyên cập nhật thông báo, tài liệu về những tiện ích được nâng cấp, những hướng dẫn xử lý vướng mắc, khắc phục những lỗi hệ thống cũng như lỗi từ phía người sử dụng để đơn vị chủ động khai thác, xử lý.

Ngoài ra, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như 02 năm qua thì việc giao dịch qua DVCTT giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu những nguy cơ lây lan dịch bệnh góp phần hoàn thành "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, cùng những lợi ích mang lại cho các đơn vị giao dịch trên địa bàn thời gian qua, thì tình hình thực tế giao dịch qua DVCTT cũng còn tồn tại một số vấn đề cần sự phối hợp tốt hơn của các đơn vị với KBNN.

Nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn trong giao dịch qua hệ thống DVCTT, khuyến nghị các đơn vị cần lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, các đơn vị cần quan tâm, chú trọng tính an toàn, bảo mật trong giao dịch điện tử, tuân thủ nguyên tắc, điều kiện chuyển đổi hồ sơ từ chứng từ giấy sang hồ sơ, chứng từ điện tử và ngược lại; tuân thủ qui định, nguyên tắc bảo mật về quản lý chứng thư số, chữ ký số tránh sơ hở, mất cảnh giác trong việc quản lý; tuyệt đối không giao chữ ký số, chứng thư số, tài khoản, mật khẩu truy cập hệ thống DVCTT của mình cho người khác quản lý, sử dụng dẫn đến nguy cơ rủi ro cao đối với tiền, tài sản của đơn vị.

Thứ hai, các đơn vị hạn chế gửi hồ sơ tập trung vào thời điểm đầu và cuối tháng, tránh làm tăng đột biến khối lượng giao dịch qua DVCTT; thực hiện việc kiểm soát hồ sơ, kiểm soát khoản chi tại đơn vị đảm bảo đầy đủ, chính xác theo qui định trước khi gửi qua DVCTT, hạn chế mức thấp nhất hồ sơ bị trả lại. Trường hợp có sai sót, đơn vị cần kiểm tra, chỉnh sửa đầy đủ các nội dung sai sót, tránh trường hợp hồ sơ bị trả lại, trả lại nhiều lần làm tăng khối lượng giao dịch gây khó khăn cho hoạt động của KBNN.

Thứ ba, tuân thủ các hướng dẫn của KBNN về qui trình, thủ tục trong giao dịch qua hệ thống DVCTT. Thường xuyên cập nhật thông tin, tài liệu hướng dẫn của KBNN về những nâng cấp, bổ sung; xử lý những vướng mắc, những lỗi trên DVCTT để làm chủ được việc sử dụng hệ thống.

Ngoài ra, để phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn tiền, tài sản của đơn vị, các đơn vị cần thực hiện cài đặt và duy trì sử dụng chương trình cảnh báo rủi ro của KBNN trên thiết bị di động để giám sát các khoản chi NSNN, theo dõi số dư tài khoản của đơn vị mình, kịp thời phát hiện và thông báo cho KBNN Kon Rẫy các khoản chi bất thường.


Tác giả: Đinh Văn Ký (KBNN Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật