A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải tạo đất vườn tạp để phát triển kinh tế gia đình

Những năm qua, huyện Kon Rẫy đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân tận dụng, khai thác tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp. Những diên tích đất trống xung quanh nhà, bờ bao, sân vườn để đưa vào trồng cây ăn trái, hoa màu, nuôi cá đồng, chăn nuôi heo, gà, vịt nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo theo hướng bền vững.

Cải tạo vườn tạp

Vườn rau khoảng 30m2 được rào bằng thép gai của gia đình bà Y Té đã bỏ hoang vài tháng nay, cỏ mọc um tùm, rậm rạp nhưng sau khi được cán bộ phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động gia đình chị đã tình nguyện đăng ký thực hiện điểm mô hình cải tạo vườn tạp bằng các luống rau xanh phục vụ gia đình.

Bà Y Té – thôn 4 xã Đăk Kôi chia sẻ: Từ khi tôi trồng vườn rau nay, hàng ngày gia đình tôi ăn không hết tôi còn bán cho các gia đình xung quanh thôn và bán cho các quán nấu ăn tại xã. Từ đó, mỗi ngày thu nhập từ bán rau cũng được trên dưới 150 ngàn đồng.

        Trong thời gian qua, xã Đăk Kôi đã triển khai nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo nhằm từng bước thay đổi tư duy, cách làm kinh tế của người dân trên địa bàn. Trong đó, nội dung cải tạo vườn tạp được cấp ủy, chính quyền và Mặt trận đoàn thể quan tâm chỉ đạo thường xuyện. Việc làm này được bà con đồng tình thực hiện có hiệu quả.

        Bà Y Thanh - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn xã Đăk Kôi có khoảng 80 - 90% hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Đăk Kôi cũng đã thực hiện cải vườn tạp để trồng rau sạch cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập. Nhờ vậy chị em có điều kiện tích cực tham gia vào hội và tích cực tham gia các hoạt động ở thôn làng.

          Thời gian qua, người dân ở huyện Kon Rẫy đã chú trọng đẩy mạnh cải tạo vườn tạp nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có. Chưa được người dân coi trọng. Trên một mảnh vườn, người dân thường trồng lẫn lộn nhiều loại cây theo kiểu nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, không cung cấp cho thị trường, vì vậy hiệu quả kinh tế chưa cao.

 Trước thực trạng đó, UBND huyện Kon Rẫy đang xây dựng Kế hoạch và Đề án triển khai thực hiện cải tạo vườn tạp trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện năm 2024 với 03 tiêu chí vườn hộ gia đình có không gian xanh - sạch- đẹp, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn mới. Góp phần nâng cao giá trị dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn, tiết kiệm chi phí mua thực phẩm hàng ngày. Theo Kế hoạch dự kiến có khoảng 3.000 hộ gia đình dân tộc thiểu số được hỗ trợ để trồng khoảng 600 ha các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Sầu riêng, Bơ, Mít, Mắc ca.

Ông Trần Hồng Hưng – thôn trưởng thôn 5 thị trấn Đăk RVe chia sẻ: Trong thôn 5 có 157 hộ dân tộc thiểu số đã được khảo sát, trong đó có 1/3 hộ có vườn tạp. Đa phần vườn tạp của bà con cải tạo chưa tốt. Vừa rồi chúng tôi đi khảo sát và tuyên truyền bà con cải tạo vườn tạp để nhà nước có hỗ trợ giống cây, bà con rất phấn khởi và tích cực đồng tình hưởng ứng.

Ông Nguyễn Tấn Vũ – Chủ tịch UBND thị trấn Đăk RVe cho biết thêm: Thực hiện Kế hoạch và Đề án của UBND huyện cải tạo vườn tạp, UBND thị trấn đã rà soát từng hộ gia đình. Theo đó có 700 hộ sẽ cải tạo khoảng diện tích 35ha. Bên cạnh đó thị trấn Đăk RVe tích cực đẩy mạnh chỉnh trang, cải tạo vườn tạp làm hàng rào, cổng ngõ, trồng cây ăn quả... trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào trồng nhằm khai thác, phát triển kinh tế vườn là hướng đi đang được các cấp, các ngành và các địa phương huyện Kon Rẫy chú trọng thực hiện. Điều này, vừa giúp nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần tạo diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại hơn, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới.


Tác giả: Lâm Hiền (Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật