A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giòn, ngon chuối sấy Bà già Đeo

Bà già Đeo là tên gọi sản phẩm chuối sấy giòn của hộ kinh doanh Ngô Thị Ly ở thôn 4 (làng Kon Măng Tu), xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy. Sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn, chất lượng chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh năm 2020.

Chuối sấy Bà già Đeo- Sản phẩm OCOP cấp tỉnh của huyện Kon Rẫy

Trở về từ Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần thứ 2 của tỉnh, chị Ngô Thị Tường Ly đại diện hộ kinh doanh sản phẩm Chuối sấy giòn Bà già Đeo lại tiếp tục bận rộn bao công việc.Với người mẹ hai con đã từ lâu không hề biết đến khái niệm nghỉ ngơi cho dù là thứ Bảy, Chủ nhật, thì những ngày cuối năm lại càng bộn bề thời gian. Các đơn hàng đã được “chốt” không cho phép cơ sở còn khiêm tốn của chị chậm trễ “xuất hàng”.

“ Sau bao lần hư hỏng, thất bại, mới tạo ra sản phẩm này, nay lại được công nhận OCOP nữa, vui mừng lắm chứ! Nhưng mà, phấn khởi một, áp lực hai, ba, càng phải cố gắng giữ thương hiệu của sản phẩm mà gia đình đã tạo ra…”, chị Ly tươi cười tâm sự.

Từng là nhân viên hợp đồng của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện  Kon Rẫy, đến năm 2016 Chị được biên chế và nhận công tác tại UBND xã Đăk Tơ Lung. Xa nhà, mỗi ngày đi-về mỗi lượt hơn 10 cây số không ít vất vả, song cũng từ thực tế gắn bó với cơ sở, chị nhận thấy một điều là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trồng nhiều chuối và sinh trưởng rất tốt. Tuy vậy, ngoài việc sử dụng trong gia đình thì hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Mỗi buồng chuối bán tại chỗ chỉ được 20.000 đến 30.000 đồng. Đó còn chưa kể, nếu không chín trúng kỳ ngày rằm, mồng một hàng tháng hay vào dịp Tết Nguyên đán, hẳn không phải lúc nào muốn bán cũng sẵn người mua. Giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến người dân ở vùng quê có không ít tiềm năng về cây ăn quả nhưng vẫn chật vật về thu nhập, vẫn nghèo.     

Trăn trở với thực tế ở địa phương khiến Ngô Thị Ly nảy ra suy nghĩ cần  làm gì đó có thể tận dụng, khai thác thế mạnh điều kiện tự nhiên để vừa  chăm lo kinh tế gia đình, vừa thúc đẩy tăng thu nhập cho đồng bào địa phương và góp phần tham gia vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Rất may, nỗ lực triển khai OCOP trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tạo động lực thôi thúc gia đình chị mạnh dạn  tìm hướng đi phù hợp.

Công đoạn xử lý nguyên liệu chuối xanh

Từng tìm hiểu và thu thập kinh nghiệm trong việc chế biến sản phẩm từ quả chuối chín, song trong lần đầu “khởi nghiệp”, cô gái bản tính mạnh mẽ, quyết đoán không chọn đầu tư theo cách này, mà chọn ý tưởng khá mạo hiểm là chế biến sản phẩm chuối sấy giòn từ nguyên liệu chuối “già” (tức là chuối gần chín).

Bắt đầu từ “con số O” nên đối mặt với vô vàn khó khăn là điều không tránh khỏi. Lấy nguyên liệu là những quả chuối mốc (chuối sứ), chuối già hương ( chuối lùn) đã già và bằng những chiếc nồi, chiếc chảo sẵn có, kết hợp với sử dụng bếp củi, vợ chồng Ngô Thị Ly đã tự mày mò qua từng công đoạn làm tay. Vượt qua nhiều thử thách, phải đến hơn hai tháng kể từ khi bắt tay vào “thử việc”, mới cho ra được “mẻ” sản phẩm gần như mong muốn.

Để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, chị không ngừng tìm tòi, học hỏi, rút kinh nghiệm ở từng khâu cho dù là nhỏ và đơn giản nhất. Đáng chú ý, là thay vì chiên chuối bằng chảo lớn, chị đã mạnh dạn đặt hàng một cơ sở sản xuất sản phẩm inox ở TP Kon Tum “ chế” ra chiếc nồi chiên “ chuyên dụng”.Quan trọng nhất và mang tính quyết định trong “ quy trình” tạo ra chuối sấy giòn là công đoạn sấy sản phẩm sau khi đã “xử lý thô”. Tuy vậy, trong giai đoạn thử nghiệm chế biến, đây là khâu khó khăn nhất. Chưa có dụng cụ chuyên dùng nên trong một thời gian dài, Chị phải nhờ các lò bánh mì để sấy sản phẩm. Ban đầu là gia công nhờ lò bánh mì tận TP Kon Tum, sau chuyển về huyện Kon Rẫy; tuy chi phí cao song vẫn không thuận lợi và mất nhiều thời gian, công sức. Nan giải nhất là những lúc sản phẩm rất cần được sấy kịp thời nhưng chủ lò bánh mì không sắp xếp để “ xử lý” được.

Để chủ động trong tất cả mọi công đoạn của quy trình sản xuất, tháng 11/2020, chủ hộ chế biến sản phẩm Chuối sấy giòn Bà già Đeo đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống sấy chuyên dụng. Nhờ đó, sản phẩm được sấy đồng bộ, đảm bảo chất lượng, màu sắc, độ giòn. Mỗi mẻ sấy chuối gồm 12 khay, với nhiệt độ phù hợp, có thể vận hành liên tục nên rất thuận lợi cho quá trình sản xuất. Đưa vào hoạt động lò sấy đã giúp gia tăng năng suất, sản lượng sản phẩm chuối sấy giòn từ bình quân chỉ khoảng 1 tạ/ tháng trước đây, tăng lên trên dưới 1 tấn sản phẩm trong tháng đầu tiên sử dụng lò. Sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đấy.Các đơn hàng đã đặt phải chờ “ gối đầu” đến lượt xuất-nhận. Đáng chú ý, nguyên liệu chuối mốc, chuối lùn giống địa phương đã được hộ sản xuất thay thế bằng chuối già Nam Mỹ và chuối tiêu hồng chất lượng cao, sản phẩm tốt, không chỉ  phục vụ tiêu thụ nội địa  mà còn hướng tới xuất khẩu.     

          Nhờ chịu khó mày mò, học hỏi, kiên trì và quyết tâm cao, sau hơn một năm  thử nghiệm, chị Ngô Thị Ly đã hoàn chỉnh công thức chế biến và làm chủ quy trình chuối chế biến chuối sấy giòn thương hiệu Bà già Đeo. Quy trình hoàn thiện từ bóc vỏ chuối, thái lát, khử mủ đến chiên chín, trộn gia vị (đường, muối, mè, gừng, dầu ăn) đến sấy giòn. Chuối sấy giòn có màu vàng nhạt, giòn rụm, thơm ngon được đóng vào bì giấy và hũ nhựa, được sử dụng mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hoàn tất sản phẩm.

Cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình của chị Ly có nền tảng vững chắc để duy trì hoạt động ổn định và hứa hẹn hướng phát triển phù hợp, nhờ chủ động mở rộng liên kết hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trong và ngoài địa bàn tỉnh.

Để chủ động đáp ứng yêu cầu “ đầu vào” nguyên liệu, hiện nay, ngoài diện tích chuối già Nam Mỹ mà gia đình cùng bà con trong xã Đăk Tơ Lung đã và đang tiếp tục mở rộng diện tích, cơ sở thắt chặt mối quan hệ hợp tác với HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại, ứng dụng công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (Huyện Đăk Hà) cũng như phát triển hoạt động của HTX Đăk TơLung xanh mà gia đình là thành viên. Bên cạnh đó, “đầu ra” của sản phẩm cũng được đảm bảo nhờ liên kết với các cửa hàng, chuỗi bán lẻ của các thương hiệu  tiềm năng tại TP Kon Tum, TP Đà Nẵng, Hà Nội, tỉnh Đăk Lăk. Còn mới mẻ đối với sự ra đời của sản phẩm chuối sấy giòn Bà già Đeo, song nỗ lực được ghi nhận thương hiệu OCOP cấp tỉnh đã đem đến niềm tin, động lực phát triển cho hộ sản xuất.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật