Để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và khai thác sử dụng một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong một số lĩnh vực kế toán, giáo dục, nông nghiệp, tư pháp, đầu tư, nội vụ, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, các trường học đã ứng dụng phần mềm số hóa văn bằng chứng chỉ, các phần mềm dạy học trực tuyến (Teams, Zoom, Google Meet...); các ứng dụng kiểm tra đánh giá học sinh trực tuyến; phần mềm Quản lý nhà trường SMAS và Hệ thống quản lý thông tin nhà trường VNEDU.
Cán bộ, công chức người lao động ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả trong công việc. Ảnh: P.N
Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đăk Tô cho biết: Việc ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến đã giúp cho ngành Giáo dục của huyện thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học khi dịch Covid -19 có nhiều diễn biến phức tạp. Nhận thấy lợi ích, hiệu quả của việc ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, sau dịch Covid -19, các trường học vẫn tiếp tục ứng dụng các phần mềm này vào dạy học, giúp cho giáo viên, học sinh làm quen với công nghệ, giảm dần khoảng cách giữa các vùng miền, tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Hay như ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ứng dụng nhiều phần mềm theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra rừng, công tác quản lý vùng nguyên liệu. Cụ thể như ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã ứng dụng phần mềm Locus map thay thế cho bản đồ giấy truyền thống đã giúp cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nắm được cụ thể ranh giới khu rừng đặc dụng, hướng dẫn người dân tránh xâm hại, kịp thời báo cáo với lãnh đạo tình hình và qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 37.553,68 ha rừng và đất lâm nghiệp được giao.
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm vào các lĩnh vực, các cấp, các ngành quan tâm đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc. Hệ thống quản lý và điều hành của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Đến nay, 100% đơn vị, địa phương triển khai ứng dụng chữ ký số vào Hệ thống quản lý và điều hành của tỉnh; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 98,25%; tổng số văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của toàn tỉnh là 2.437.580 văn bản. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của UBND tỉnh phục vụ đắc lực cho cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh và truyền về các huyện, thành phố, các hội nghị trực tuyến trong tỉnh. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đảng, đoàn thể và các cán bộ, công chức, viên chức với 6.968 tài khoản để trao đổi thông tin điện tử trên môi trường mạng. Hệ thống thông tin nguồn (https://kontum-ttn.lcsa.vn) đã triển khai kết nối 17 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông - viễn thông của các xã và 3 bảng tin điện tử công cộng.
Công nhân HTX rau hoa và du lịch Măng Đen thường xuyên dùng điện thoại kiểm tra, xử lý và thực hiện theo hướng dẫn của người quản lý tiến hành chăm sóc vườn cây. Ảnh: PN
Để hoàn thiện tốt hơn một trong những khâu quan trọng của việc xây dựng chính quyền số và phục vụ cho người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tỉnh ta đã quan tâm tái cấu trúc hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Theo đó, tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/ 6/2022 của Chính phủ. Đến nay, đã cung cấp 887 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 429 dịch vụ công trực tuyến một phần; 404 thủ tục hành chính không xác định là dịch vụ công trực tuyến; tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình có phát sinh hồ sơ 326 dịch vụ. Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ giải đáp tự động phục vụ người dân và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; triển khai ứng dụng Zalo để tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (tra cứu mã hồ sơ, quét mã QR qua Zalo...), cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum chia sẻ, chị có giấy phép lái xe đến thời hạn đổi. Không phải đến trực tiếp như trước đây, chị làm các thủ tục cấp đổi bằng hình thức trực tuyến toàn trình. Việc hoàn thành các giấy tờ liên quan, lệ phí đều được thực hiện trên môi trường mạng, chị cảm thấy thuận lợi và tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại hơn.
Trong 3 trụ cột chính (trụ cột Chính phủ số, trụ cột kinh tế số, trụ cột xã hội số) để tạo nên điểm số, thứ hạng cho chuyển đổi số cấp tỉnh thì qua các năm, trụ cột Chính phủ số của tỉnh đạt điểm số ở mức cao nhất và có sự chuyển biến nhanh. Năm 2020 đạt 0,29 điểm, năm 2021 đạt 0,34 điểm, đến năm 2022 đạt 0,63 điểm. Từ kết quả đó, đã góp phần tích cực vào việc nâng điểm số, thứ hạng mức độ chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian qua và đưa Kon Tum xếp thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên về chuyển đổi số cấp tỉnh.
Phúc Nguyên