Quang cảnh Hội nghị
Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Tuy- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Hà- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Kon Tum; Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịnh UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh các huyện, thành phố; thường trực HĐND các huyện, thành phố; đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện Kon Rẫy và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Kon Rẫy.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2024 của HĐND, các cơ quan của HĐND, các tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện nhìn chung đã thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chấp hành và triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh tại các hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện, thành phố.
Nhiều vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND được kịp thời được xem xét, thông qua, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành có cơ sở triển khai, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Hoạt động giám sát, khảo sát tiếp tục được tăng cường; hoạt động chất vấn, giải trình được chú trọng cả về số lượng và chất lượng nội dung, được tổ chức công khai, trúng những vấn đề bức xúc, được đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân đánh giá cao; công tác theo dõi việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Trong 6 tháng đầu năm HĐND đã tổ chức kỳ họp thường lệ giữa năm và 18 kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, trong đó: cấp tỉnh 02 chuyên đề, cấp huyện: 16 chuyên đề. HĐND 02 cấp đã ban hành 231 nghị quyết (HĐND tỉnh 56 nghị quyết, trong đó có 13 nghị quyết quy phạm pháp luật; HĐND cấp huyện 175 nghị quyết, trong đó có 02 nghị quyết quy phạm pháp luật) để đánh giá kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; cụ thể hóa các quy định của Trung ương. Đồng thời xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với pháp luật và thực tiễn; thông qua các nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND; quyết định nhiều nội dung liên quan đến đầu tư công và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... để tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thường lệ HĐND đã có 40 nội dung thuộc trách nhiệm của các thành viên UBND; phiên chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh và một số huyện đã diễn ra sôi nổi, với nhiều nội dung, tập trung vào các vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm như: Việc đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; về tiến độ thực hiện thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2024; về công tác hỗ trợ đánh giá, công nhận lại quá trình khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và kết quả, những hạn chế trong triển khai trồng rừng thuộc Tiểu Dự án 1 - Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; về triển khai thực hiện lập các đồ án quy hoạch; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư; tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại, cơ sở chăn nuôi; về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã… HĐND tỉnh và các huyện Kon Plông, Sa Thầy, thành phố Kon Tum đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn
Hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề được tích cực thực hiện 124 chuyên đề. Trong đó, cấp tỉnh 11 chuyên đề; cấp huyện 113 chuyên đề tập trung chủ yếu vào một số nội dung như: Công tác quản lý, bảo vệ môi trường; tình hình quản lý, sử dụng, thực hiện đầu tư các công trình, dự án, giải ngân vốn đầu tư công; việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, ưu đãi vay vốn, trợ giúp xã hội...; việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, việc thực hiện các chương trình, đề án do tỉnh, huyện ban hành... Riêng Thường trực HĐND và ban của HĐND các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Rẫy đã tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và việc thực hiện lời hứa tại các phiên chất vấn, giải trình.
Trong 6 tháng đầu năm đã có 648 ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó cấp tỉnh: 48 ý kiến, cấp huyện: 366 ý kiến, cấp xã: 234 ý kiến được các tổ đại biểu tổng hợp, phân loại, gửi về Thường trực HĐND để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Thường trực HĐND và các cơ quan của HĐND đã tiếp nhận 15 đơn, thư. Qua xem xét, Thường trực HĐND đã chuyển 07/12 đơn, chuyển trả và hướng dẫn 01 đơn, lưu 07 đơn không đủ điều kiện xử lý. Đến nay đã có 02 đơn đã được trả lời, giải quyết 02 đơn đang trong thời gian giải quyết, 03 đơn do Thường trực HĐND huyện Ngọc Hồi chuyển UBND huyện chưa nêu rõ kết quả giải quyết trong báo cáo
Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động của Hội đồng nhân dân hai cấp vẫn còn một số hạn chế như: việc chậm gửi tài liệu kỳ họp Hội đồng nhân dân chưa được khắc phục; nội dung chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân ở một số địa phương còn ít và chưa sát thực tế; một số tổ đại biểu Hội đồng nhân dân chưa hoàn thành kế hoạch giám sát 6 tháng đầu năm; việc theo dõi, đôn đốc và giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát ở nhiều nơi chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.
Phát biểu tham luận Thường trực HĐND huyện Kon Rẫy
Tại Hội nghị, Thường trực HĐND huyện Kon Rẫy, Đăk Hà và Sa Thầy đã tham luận chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và việc theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, các cơ quan của HĐND, Tổ đại biểu HĐND”.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thường trực HĐND huyện Kon Rầy tổ chức, triển khai giám sát 01 chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có 03 lượt người đến kiến nghị và đã được bộ phận tiếp công dân hướng dẫn, giải thích đáp ứng yêu cầu của người dân; UBND huyện tiếp nhận 04 đơn kiến nghị; hiện nay, 04 đơn đã giải quyết xong, đảm bảo theo quy định. Việc xử lý đơn, thư đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN huyện tổ chức tốt 02 đợt tiếp xúc cử tri, đa số các ý kiến, kiến nghị cử tri đã được các đơn vị chuyên môn, UBND các cấp trả lời trực tiếp tại hội nghị TXCT và được sự đồng thuận của cử tri. Trong 6 tháng đầu năm, các trang báo chí đã đăng các bài phản ánh “Đường ĐH22, nối từ thị trấn Đăk RVe đến xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) được khởi công từ tháng 9/2022 trong niềm vui mừng, phấn khởi của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đăk Pne. Thế nhưng, với sự chậm trễ của nhà thầu thi công, đến nay đường ĐH22 vẫn chưa hoàn thành dù đã hết thời hạn hợp đồng. Điều này làm cho người dân lo lắng khi mùa mưa sắp”. Phóng viên Báo Kon Tum liên tục nhận được phản ánh của người dân về đoàn xe chở vật liệu hoạt động rầm rộ, gây mất ATGT và bất an cho người dân trên tuyến Tỉnh lộ 677 đoạn từ xã Đăk Tơ Lung đến trung tâm qua huyện Kon Rẫy. Qua đó, giúp các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan xem xét, kiểm tra, giải quyết, góp phần chấn chỉnh thái độ phục vụ người dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt của Nhân dân….vv.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu thông tin về kết quả hoạt động của HĐND các huyện, thành phố; chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức các kỳ họp; công tác tiếp xúc cử tri; việc theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, đại biểu HĐND các cấp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị HĐND phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị HĐND, tổ đại biểu HĐND và UBND các cấp tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ để xem xét, trình HĐND cụ thể hóa kịp thời các quy định của Trung ương, chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện một số nội dung: nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân và tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và đã được pháp luật quy định, hướng dẫn rất cụ thể; báo cáo tham luận của các địa phương và ý kiến thảo luận của các đại biểu tại hội nghị đã đề cập khá nhiều về nội dung này. “Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh thêm với các đồng chí về hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân và kỳ họp Hội đồng nhân dân. Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Qua giám sát, các hạn chế, yếu kém mà chủ thể giám sát nêu ra phải có nội dung rõ ràng, địa chỉ cụ thể; các kiến nghị phải xác đáng, có tính khả thi, đúng thẩm quyền của địa phương, đơn vị được giám sát và phải góp phần giúp cho công tác điều hành, quản lý nhà nước ở lĩnh vực được giám sát ngày càng hiệu quả hơn”.
Đồng chí nhắc nhở Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân một số địa phương không thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, Kế hoạch và các chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về tổ chức hội nghị giao ban; đề nghị các đồng chí nghiêm túc rút kinh nghiệm, để các Hội nghị giao ban lần sau được thực hiện tốt hơn.
Nhân dịp này đồng chí đánh giá tình hình phát triển kinh tế chung của tỉnh và nhấn mạnh việc đầu tư phát triển vườn cây ăn quả ở một số huyện như: Kon Rẫy, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum; phát triển vườn ca phê xứ lạnh tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và huyện Kon PLong; đồng thời đẩy mạnh công tác cải tạo vườn tạp để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững./.