A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo sinh kế cho nông dân sau đào tạo nghề

Mô hình làm chổi đót

Địa hình tự nhiên phức tạp, chủ yếu là đồi núi, khe suối đan xen, cùng với điều kiện kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp khiến cho nhiều người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy khó có được việc làm và thu nhập ổn định. Chính vì vậy, huyện Kon Rẫy xem công tác đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ là giải pháp để phát triển các ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.  

         Là hộ nghèo, anh A Hok ở thôn 7, xã Đăk Tơ Lung đã đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề làm chổi đót. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, thấy được tiềm năng phát triển và nguồn thu nhập nghề này mang lại nên anh đã tham gia vào mô hình Tổ hợp tác nghề làm chổi đót tại thôn. Anh phấn khởi cho hay: “Sau khi tham gia mô hình tôi thấy rất vui vì đã làm được chổi, một phần giúp cho gia đình tôi thêm thu nhập, khi rảnh rỗi thì làm chổi đót, lúc mưa hay không làm gì khác thì tranh thủ làm một buổi để tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo”.

         Đào tạo nghề gắn với phát triển ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, khi có mô hình tổ hợp tác, người dân trong thôn đã tích cực tham gia.

         Chị Y Thơi – Nhóm trưởng mô hình Tổ hợp tác nghề làm chổi đót, thôn 7, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy chia sẻ: “Theo quy định của tổ thì thống nhất thứ 7 hàng tuần, sắp xếp công việc gia đình tập trung làm, số lượng trung bình một ngày 86 cây. Ngoài ra có đơn đặt hàng thì chúng tôi không chỉ ngày thứ 7 hàng tuần mà sẽ làm ngày bất thường và làm ban đêm. Chị em ai cũng đoàn kết và hăng say làm”.

         Nhằm hỗ trợ tổ hợp tác đi vào hoạt động có hiệu quả, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Rẫy hỗ trợ 50 triệu đồng bước đầu cho bà con xây dựng mô hình mua nguyên liệu làm chổi đót. Ông Phạm Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Rẫy cho biết thêm: “Trong quá trình triển khai, Trung tâm thường xuyên cử anh em vào hướng dẫn cho học viên hoàn thiện hơn cái chổi làm ra. Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND huyện mở các lớp ở các thôn còn lại xã Đăk Tờ Lung và các xã khác trên địa bàn, bà con có thu nhập khi trong thời gian nông nhàn khi mưa bão bà con không làm gì cả”.

         Ông Đặng Quốc Dũng – Cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kon Rẫy khẳng định: “Để hoàn thành cái chổi, phải trải qua 4 bước, bước thứ nhất tuốt đót; bước 2 buộc lọn, bước thứ 3 cuốn lưới chổi và bước thứ 4 vào cán hoàn thành cái chổi;Về so sánh hiện tại bây giờ chất lượng sản phẩm ngoài thị trường với sản phẩm của bà con làm ra, hình thành cán nhựa bà con hình thành lưới chổi chắc chắn hơn, thứ 2 là tỉ mỉ và cầu kỳ hơn so với các sản phẩm đang bán ngoài thị trường”.

         Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa giúp người dân tạo việc làm tại chỗ, vừa góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Mô hình tổ hợp tác làm nghề chổi đót tại thôn 7, xã Đăk Tơ Lung bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, từng bước đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo của địa phương.


Tác giả: Lâm Hiền – Thành Trung (Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật