A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng chính sách xã hội 20 năm đồng hành cùng người nghèo

Những năm gần đây, nhờ có những chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, bộ mặt nông thôn huyện Kon Rẫy đã có sự đổi mới, đặc biệt trong phát triển kinh tế,xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đời sống của một bộ phận Nhân dân không ngừng được tăng lên. Có được kết quả đó không thể không nhắc đến các chương trình tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội huyện đã đồng hành cùng các hộ nghèo, cận nghèo trong phát triển kinh tế. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, từng bước tìm được hướng đi để phát triển kinh tế, vươn lên xóa được đói, giảm được nghèo.

Giải ngân vốn cho hộ viên nghèo

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được thành lập và hoạt động từ đầu năm 2003 (theo Quyết định số 415/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam). Từ khi thành lập cho đến nay, bộ máy của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Rẫy chỉ có 10 cán bộ (8 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ2 cán bộ bảo vệ), 100% cán bộ chuyên môn có trình độ Đại học. Phòng giao dịch thường xuyên quan tâm công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên tại đơn vị, để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện nay. Qua gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Phòng Giao dịch đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng nhiệm vụ được giao, tốt về đạo đức nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát với dân, luôn tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.           

          Là một tổ trưởng tổ vay vốn tại thôn 1 xã Đăk Kôi, chị Y Hạnh luôn là người có tinh thần trách nhiệm với bà con lối xóm trong việc vay vốn của Ngân hành chính sách để xóa cái đói, giảm cái nghèo ở địa phương, đồng thời chị cũng là cầu nối với bà con việc bình xét vay vốn, thu lãi, thu nợ, thu tiết kiệm và phổ biến các chính sách khác. Chị là người một tấm gương thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn của ngân hàng chính sách. Từ khi có cuộc sống khá giả hơn, chị đi tuyên truyền vận động chị em trong thôn mạnh dạn vay vốn vào chăn nuôi và trồng trọt để cùng nhau thoát nghèo.

Chị Y Hạnh thôn 1 xã Đăk Kôi- Huyện Kon Rẫy:

 “Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 30 triệu, tôi mua được 02 con bò về nuôi, nó đẻ ra rồi giờ đàn bò lên được 6 con, bán bò để nuôi con ăn học, trang trải trong cuộc sống gia đình, mình đã thoát nghèo. Tôi cũng đã động viên cho chị em vay vốn mua bò, hay mua heo để chăn nuôi và chuyển đổi đổi một số cây trồng có giá trị kinh tế cao; hiện nay tổ vay vốn của tôi có 17 hộ vay, trong đó có 9 hộ thoát nghèo”.

Sau khi được vay nguồn vốn chính sách ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, chị Y Kua, thôn 1, xã Đăk Kôi đã đầu tư mua bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình, sau nhiều năm chăm sóc, đến nay gia đình chị đã có một đàn bò 6 con khỏe mạnh. Khi cuộc sống tốt hơn, chị có điều kiện cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn, có điều kiện trang trãi cuộc sống. Hiện nay, các con  có công ăn việc làm ổn định, gia đình luôn đầm ấm và hành phúc.

Chị Y Kua, thôn 1, xã Đăk Kôi- huyện Kon Rẫy: (chị rất vui khi được chị Hạnh động viên, giúp đỡ để vay vốn, gia đình được vay 15 triệu đồng đầu tư nuôi bò, nhờ vậy nên cuộc sống giờ ổn định, năm 2018 gia đình tôi đã thoát nghèo).

Toàn huyện, có 04 đơn vị ủy thác là Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân huyện, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp lực lượng, tăng số lượng hội viên; củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, góp phần củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở. Các hội đoàn thể phối hợp với các trưởng thôn trong việc tham gia chứng kiến việc bình xét đối tượng cho vay và giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay, phối hợp cùng với Hội đoàn thể và Ban quản lý Tổ TK&VV xử lý các tồn tại, vướng mắc tại cơ sở,... góp phần rất lớn vào hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

Bà Phan Thị Mỳ - Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Tờ Re - huyện Kon Rẫy: (Trong thời gian qua LHPN xã Đăk Tờ Re, nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách cũng được ngân hàng quan tâm tạo điều kiện cho vay. Trong thời gian qua, tổng dư nợ đối với hội phụ nữ cũng lên tới 15 tỷ đồng, các nguồn vốn vay được chia thành 5 tổ, các tổ có tổng số hội viên vay lên tới 265 hội viên, các nguồn vốn vay nhằm mục đích đầu tư phát triển kinh tế.

Ông Trần Hồng Hưng, Thôn 5, thị trấn Đăk Rve- Huyện Kon Rẫy: Thời gian qua, tôi có vay 50 triệu đồng của ngân hàng chính sách vốn sản xuất kinh doanh, qua nguồn vốn đó gia đình tôi về trồng cà phê và chăn nuôi, vay từ năm 2017, qua mấy năm sản xuất kinh doanh, đến bây giờ, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập từ cà phê.

Trong 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ) trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Toàn huyện có 112 Tổ TK&VV, hoạt động đều khắp ở 49 thôn trên địa bàn huyện. Qua 20 năm tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 36,38% xuống còn 24,86%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 13,91%; giải quyết việc làm cho 2.918 lao động; xây dựng gần 12.124 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ vốn vay giúp gia đình nghèo, cận nghèo và khó khăn về tài chính có tiền trang trãi chi phí học tập cho 825 em học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; 381 căn nhà ở cho hộ nghèo được sửa chữa, xây mới 23 căn nhà nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách. Đây là động lực để người dân đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tìm được hướng đi cải thiện đời sống.

Ông Nguyễn Bá Phương, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kon Rẫy cho biết: (Sau 20 năm hoạt động tín dụng chính của ngân hàng chính sách xã hội huyện Kon Rẫy, từng bước nâng cao và phát triển trên tất cả các mặt hoạt động, thể hiện qua doanh số cho vay, qua 20 năm đạt từ 840 tỷ đồng với trên 3400 lượt hộ được vay vốn. Đến nay tổng dư nợ của  chương trình tín dụng chính sách đạt trên 342 tỷ đồng, tăng gấp 60 lần so với  ngày đầu thành lập. Nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp, 200 triệu đồng, chiếm 0,6% tổng dư nợ. Hiện nay, mạng lưới hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội thể hiện thông qua các điểm giao dịch xã, thị trấn với 122 tổ tiết kiệm và vay vốn trải dài 49 thôn, làng trên toàn huyện và đã chuyển tải được một số lượng lớn vốn cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính  sách để đáp ứng với nhu cầu sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn).

Có thể nói, chính sách tín dụng ưu đãi được Nhà nước ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Ông Nguyễn Bá Phương, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kon Rẫy cho biết :(Để tiếp tục thực hiện tốt các chương trình kế hoạch  cũng như nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ngân hàng chính sách xã hội huyện đưa ra giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tham mưu cho Ban thường vụ Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT ngân hàng chính sách xã hội huyện triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40- CT/BBT Trung ương Đảng; Kết luận số 06-KL/BBT Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng về tín dụng chính sách xã hội, cụ thể là: thực hiện tốt Quyết định 1630 của Thủ tướng chính phủ, trong đó quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, nhằm mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vốn tín dụng, chính sách xã hội trong thời gian tới. Đảm bảo về công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tăng cường kiểm tra giám sát tín dụng chính sách ở cơ sở, từ đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót tồn tại trong quá trình hoạt động, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm tra giám sát của các thành viên, ban đại diện NHCSXH, tổ chức lồng ghép và sử dụng vốn vay của NHCS, cùng với những nguồn vốn vay thuộc các chương trình của địa phương để giúp cho người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, tăng năng xuất lao động, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân ngày một tốt hơn. Phối hợp với các đơn vị chính trị nhận ủy thác, các cấp để tăng cường hơn nữa việc kiểm tra giám sát các nguồn vốn vay thuộc các tổ chức hội của mình quản lý và nâng cao tín dụng tại địa bàn và xử lý các vấn đề còn tồn tại tại chương trình cho vay của mình. Trách nhiệm của Hội đoàn thể trong chương trình cho vay, đặc biệt kiểm tra vốn vay sau khi giải ngân, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hộ có điều kiện trả nợ nhưng mà chây ì, hoặc là những hộ vay vốn sử dụng vốn vay sai mục đích. Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương của Đảng và  nhà nước trên địa bàn một cách sâu rộng và toàn diện, để cho họ mạnh dạn biết vay vốn để đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập).

 20 năm chưa phải là dài, nhưng hiệu quả từ hoạt động này đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, nhiều học sinh, sinh viên có điều kiện học tập, có nghề nghiệp, góp phần ổn định nâng cao đời sống xã hội của người dân. Đây là điểm tựa vững chắc cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là động lực giúp cho nền kinh tế – xã hội ở Kon Rẫy ngày càng phát triển.


Tác giả: Y Nhàn-Thành Trung(Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật