Đăk Ruồng: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào DTTS
Chỉ chưa đầy 1 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (viết tắt là Cuộc vận động), nhưng nhận thức của đồng bào DTTS xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy được nâng lên đáng kể, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Được sự giới thiệu của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Ruồng, chúng tôi đến thăm mô hình điểm về “Vệ sinh môi trường và cải tạo vườn, ao, chuồng” của hộ gia đình bà Y Đeo trú tại thôn 8 (làng Kon Nhên). Tâm sự với chúng tôi, bà Y Đeo cho biết: Qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể của xã, gia đình tôi đã nhận thức đầy đủ các nội dung Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ đó, gia đình tôi đã chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên vườn; đồng thời, cải tạo đất trồng rau xanh với diện tích trên 100m2, cây ăn quả trên 1.500m2, nuôi 90 con gà vịt, 2 con heo đen địa phương, nuôi trên 1.000 con cá giống trong ao và xây dựng khép kín hàng rào xung quanh vườn nhà.
Vườn rau xanh của gia đình bà Y Đeo ở thôn 8, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy.
Đảng ủy xã còn chỉ đạo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động xã tiến hành tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào DTTS trên địa bàn xã để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con trong phát triển kinh tế gia đình. Qua khảo sát thực tế tại cở sở, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động xã chọn thôn 8 (làng Kon Nhên) để tổ chức, triển khai mô hình điểm “Vệ sinh môi trường, trồng cây xanh hai bên đường làng, ngõ xóm” và chọn mô hình cá nhân là hộ bà Y Đeo làm điểm về “cải tạo vườn, ao, chuồng”.
Trong quá trình triển khai mô hình “Vệ sinh môi trường và cải tạo vườn, ao, chuồng”, Đảng ủy xã phân công Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của xã trực tiếp hướng dẫn, theo dõi; đôn đốc Chi bộ, Ban quản lý thôn 8 tổ chức thực hiện. Trong đó, Hội Phụ nữ xã phụ trách mô hình “tuyến đường tự quản số 3”, kết hợp với mô hình “trồng rau sạch” và mô hình “3 sạch” tại hộ bà Y Đeo; Hội Cựu chiến binh xã phụ trách “tuyến đường tự quản số 2” và triển khai mô hình “trồng cây ăn trái và làm giàn bầu, bí” tại hộ bà Y Đeo; Đoàn thanh niên xã phụ trách triển khai mô hình “vườn hoa kiểu mẫu xung quanh khuôn viên nhà rông” và “chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ” của hộ bà Y Đeo; Chi bộ Trường Trung học cơ sở xã phụ trách triển khai mô hình “tuyến đường tự quản số 1”…
Qua thực hiện Cuộc vận động, hiện nay, tại thôn 9 có hộ ông A Điêu trồng và chăm sóc cây mắc ca; thôn 10 có hộ ông A Châm làm vườn kết hợp chăn nuôi; nhân dân thôn 11 thực hiện mô hình “xây dựng tường rào cổng ngõ khang trang”…
Nhờ đó, trong năm 2021, xã có 100% số thôn có đồng bào DTTS triển khai thực hiện Cuộc vận động; 100% số hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến và biết các nội dung của Cuộc vận động; 100% số thôn có đồng bào DTTS đã lồng ghép Cuộc vận động này với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao”... Theo đó, phần lớn số hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững và biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nông Trung Thao khẳng định: Việc tổ chức triển khai thực hiên Cuộc vận động trên địa bàn xã trong thời gian qua nhịp nhàng, chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Công tác tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện Cuộc vận động kịp thời, sâu rộng, được đông đảo người dân biết và tích cực tham gia. Các mô hình điểm đã được các ban, ngành, đoàn thể của xã triển khai thực hiện đồng bộ. Tư tưởng của đa số hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã đều có tinh thần phấn đấu trong phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Hà Nguyên - Báo Kon Tum