Nghệ nhân A Jring Đeng – Làng văn hóa Kon Brăp Du – Xã Tân Lập – Huyện Kon Rẫy – Tỉnh Kon Tum bên đàn Ting ning
Cũng giống như các dân tộc khác ở vùng đất đỏ Tây nguyên, người Bahnar là dân tộc say mê âm nhạc, có khả năng đặc biệt cả về thẩm âm lẫn trình diễn các loại nhạc cụ. Nhạc cụ của người Bahnar và các dân tộc Tây nguyên vào loại đa dạng, phong phú nhất trong các dân tộc ở Việt Nam. Có khoảng gần hai mươi nhạc cụ Bahnar, chia làm nhiều loại khác nhau, bao gồm bốn loại chính là nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi, nhạc cụ màng rung và nhạc cụ tự thân vang. Mỗi loại nhạc cụ lại được sử dụng bởi những đối tượng khác nhau, trong những dịp khác nhau và nhằm những mục đích không giống nhau.
Nói về đàn Ting ning - Cây đàn tình, cây đàn yêu thương của người con Bahnar giữa vùng đại ngàn Tây nguyên. Đàn có từ bao giờ cũng không ai còn nhớ rõ nữa, chỉ biết rằng người già trong làng vẫn thường hay kể cho con cháu mình nghe về câu chuyện tình gắn với cây đàn. Chuyện kể rằng([1]): Từ rất lâu rồi, trong buôn làng có đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau để sống chung một bếp lửa. Bởi người con trai đó là chú, còn cô gái là cháu ruột. Cha mẹ và người thân ngăn cản, không cho họ nên vợ nên chồng vì quan hệ máu mủ quá gần gũi. Nhưng họ vẫn lén lút gặp nhau. Rồi một hôm, khi cả nhà đi vắng, đôi trai gái đã bàn với nhau tìm đến cái chết để được bên nhau. Họ rủ nhau vào rừng, nhưng đến nơi vì lời qua tiếng lại ai chết trước, ai chết sau… Cuối cùng, cô gái với tình yêu mãnh liệt dành cho chú của mình đã xin chết trước. Chứng kiến người mình yêu tự vẫn, chàng trai hoảng sợ, chạy về kêu cứu mọi người. Khi mọi người đến, cô gái không còn sống nữa, chàng trai buồn bã quên ăn quên ngủ, chỉ nghĩ về người yêu của mình. Vào một buổi chiều chàng khăn gói đi ngủ đêm bên bờ suối trong rừng… Trăng đã lên cao, mắt chàng cay cay mà không tài nào ngủ được, thoảng nghe từ dưới suối có âm thanh rất lạ. Chàng men theo con suối tìm đến nơi có âm thanh phát ra và nhìn thấy “kơ bong” (loại cây ống mọc) va vào nhau lúc mạnh lúc yếu, phát ra hai âm thanh có cao độ khác nhau. Lúc va vào thân cây tiếng kêu to “ting”…, khi va vào mắt cây tiếng kêu nhỏ hơn “ning”...
Trở về nhà chàng lấy cây lồ ô và “kơxi Rơbo” (rễ cây rừng đập dập phơi khô làm dây đàn). Có cây đàn, mỗi khi nhớ nàng trong lòng chàng cảm thấy thanh thản hơn nhiều. Đêm nào cũng vậy chàng ngồi dựa mình ở thành cửa nhà Rông gảy đàn. Vào một hôm trăng sáng, trong lúc đang cảm hứng say mê với cây đàn của mình, chàng nhìn thấy nàng xuất hiện từ phía cổng làng vẫy gọi mình. Quá mừng rỡ chàng vội treo cây đàn lên mà không để ý cây lao phía dưới, vội nhảy xuống bị lao đâm vào bụng... Trước khi nhắm mắt, trên môi chàng vẫn nở nụ cười mừng rỡ hạnh phúc khi nhìn thấy người mình yêu!… Vậy là cuối cùng họ cũng được trở về bên nhau như lời hẹn ước!... Cũng từ đó người ta đặt tên cho cây đàn mà chàng trai gảy là đàn Ting ning để nhớ về mối tình của đôi trai gái…
Và cũng kể từ đây cây đàn được các chàng trai Bahnar dùng để bày tỏ tình cảm của mình với người yêu, đã trở thành sợi tơ hồng, kết tóc se duyên, gắn kết biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng.
Theo nghệ nhân A Jring Đeng – Làng văn hóa Kon Brăp Du – Xã Tân Lập – Huyện Kon Rẫy – Tỉnh Kon Tum, cũng giống như đàn T’rưng hay đàn Chapi và một số loại đàn khác… đàn Ting ning được làm từ ống cây lồ ô. Người ta lên rừng chọn cây lồ ô gần rụng hết lá, lấy phần giữa thân cây mang về phơi trên gác bếp từ một đến hai tháng rồi mới mang ra làm đàn.
Ting ning có hai bộ phận chính: thân đàn là một ống lồ ô và một quả bầu khô, tròn, rỗng, cắt đáy gắn với ở dưới một đầu thân đàn. Thân đàn và quả bầu rỗng tạo nên âm thanh cộng hưởng phát ra khi chơi đàn. Đàn có từ mười đến mười tám dây kim loại (được lấy từ lõi của dây phanh xe đạp, nhờ vậy mà âm thanh nghe sáng hơn, vang hơn), một đầu chốt vào đầu quả bầu khô, một đầu buộc vào các suốt gỗ gắn trên thân đàn. Đàn không có phím, mỗi dây có một âm thanh riêng. Khi chơi người ta dùng ngón tay bật vào các dây khác nhau, tạo âm thanh khác nhau. Ting ning là đàn dùng cho đàn ông, đặc biệt cho thanh niên chưa vợ sử dụng trong khi đi chơi, khi ngủ nhà Rông, trên nương rẫy, nhất là khi tâm tình với bạn gái.
Nhắc đến cây đàn, nghệ nhân A Jring Đeng cầm đàn gảy một bài, âm thanh trong sáng phát ra từ cây đàn mộc mạc như lời kể của ông, dưới làn da nâu, đôi mắt ông như sáng lên kể về cái thời còn trai trẻ: Khi làng có chuyện vui, rượu đã ngà ngà say, chúng tôi mang đàn ra gảy để trò chuyện với các cô gái, cứ như vậy cho đến tận đêm khuya…
Đàn Ting ning giờ đây không chỉ dành cho các chàng thanh niên bày tỏ tình cảm với bạn gái, mà khi có gia đình rồi cây đàn vẫn tiếp tục chuyển tải tình cảm của người chồng với người vợ để cùng chia sẻ bầu bạn với nhau. Bản nhạc được tấu lên bởi đàn Ting ning như lời yêu thương trong sáng, như đôi mắt của chàng trai, róc rách ngọt ngào, tươi mát như suối nguồn... Và Ting ning đã đã là “cây đàn tình, cây đàn yêu thương” của người con Bahnar giữa vùng đại ngàn Tây Nguyên./.
([1]) Chuyện kể được tổng hợp từ nhiều nguồn.