A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần hiểu đúng về vụ việc xảy ra tại xã đăk nông huyện ngọc hồi

Trong vài ngày qua, trên một số trang mạng xã hội (MXH) đăng tải video kèm thông tin chính quyền xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) sách nhiễu, xúc phạm tự do tôn giáo khi Linh mục Lê Tiên - Chánh xứ Nhà thờ Đăk Giấc đang chủ trì làm “lễ mùa chay” cho khoảng 30 giáo dân tại địa bàn xã Đăk Nông. Nhìn nhận ở góc độ khách quan, có thể nhận thấy  cách xử lý, hành động của một số thành viên đoàn công tác trong video clip chưa thực sự khéo léo, gây nên sự phản cảm, nhất là trong cộng đồng thiên chúa giáo. Tuy nhiên, việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật, lan tỏa thông tin với nhiều nội dung sai sự thật bản chất vụ việc trên một số trang mạng xã hội nhằm kích động, gây phản ứng gay gắt trong dư luận tín đồ Thiên chúa giáo nói riêng và quần chúng nhân dân nói chung cũng cần được lên án.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họ

Đăk Nông là xã miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc của huyện Ngọc Hồi; phía Bắc giáp xã Đăk Dục; phía nam giáp thị trấn Plei Kần và xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi); phía Đông giáp xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) và xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô); phía tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào với đường biên giới quốc gia dài hơn 10 km, có vị trí chiến lược về quốc phòng- an ninh. Đây là nơi sinh sống của 14 thành phần dân tộc anh em, trong đó dân tộc Giẻ- Triêng chiếm 90% dân số toàn xã. Vì là xã biên giới, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật khác, mọi công dân khi có hoạt động đi lại tại khu vực biên giới đồng thời phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trong những năm qua, chính quyền địa phương trên địa bàn xã Đăk Nông luôn thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không theo tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn xã luôn được đảm bảo với 03 tôn giáo chính: Công giáo, Tin lành và Phật giáo.

Hiện nay, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức hoạt động và quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Lẽ tất nhiên, các hoạt động xã hội nói chung và các hoạt động liên quan tôn giáo cũng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, tự do phải trong khuôn khổ pháp luật. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiểu là tự do theo hay không theo một lực lượng siêu nhiên, có thể tự do khước từ hoặc loại bỏ niềm tin đã có. Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là vô giới hạn, bởi trong xã hội loài người, khi một cá nhân vượt quá quyền của mình sẽ ảnh hưởng đến quyền của cá nhân khác.

Trên thực tế, quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng cũng có những giới hạn nhất định bởi pháp luật và sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác, … Điều đó đã được chỉ rõ tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”. Rõ ràng, từ lý luận đến thực tiễn, dù là cộng đồng quốc tế hay tại Việt Nam, yêu cầu khách quan của mọi quốc gia là hoạt động tôn giáo phải đi liền với quản lý nhà nước bởi hoạt động này không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành, mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Tại các nước phát triển, tôn giáo luôn phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước.

Theo tìm hiểu, thời gian qua, vào các ngày thứ tư hàng tuần, tại nhà ông Vũ Văn Huân (trú tại thôn Dục Nội, xã Đăk Nông), ông Trần Khắc Châu (thôn Nông Nội, xã Đăk Nông) - Trùm trưởng Giáo họ Phaolô thường tổ chức sinh hoạt tôn giáo cho khoảng 30 giáo dân khi chưa xin phép chính quyền địa phương. Mặc dù đã được chính quyền thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các giáo dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, không sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự khi chưa được chính quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Xét về mong muốn có điểm sinh hoạt tôn giáo tại địa bàn xã Đăk Nông của giáo họ Phaolô, chính quyền địa phương đã nhiều lần hướng dẫn các quy định, thủ tục để có cơ sở đề xuất, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức Lễ Phục sinh, ngày 22/3, tại nhà ông Vũ Văn Huân, Linh mục Lê Tiên - Chánh xứ Nhà thờ Đăk Giấc đã đến chủ trì làm “lễ mùa chay” cho khoảng 30 giáo dân khi chưa xin phép chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật. Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, khoảng 17h00 ngày 22/3, UBND xã Đăk Nông đã cử đoàn công tác đến làm việc tại địa điểm tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép này; thời điểm này, Linh mục Lê Tiên đang chủ trì lễ cho bà con giáo dân. Đoàn công tác đã đề nghị Linh mục Lê Tiên chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, dừng việc sinh hoạt tôn giáo vì đây là sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật.

Cùng ngày, sau khi làm việc với đoàn công tác, Linh mục Lê Tiên đã đồng ý với nội dung kiểm tra và kí vào biên bản về việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật cho bà con giáo dân.

Việc đoàn công tác đến kiểm tra khi việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật là việc làm đúng. Tuy nhiên, trong xử lý, một số thành viên đã có những hành động bột phát, phản cảm, nhất là trong nhìn nhận của cộng đồng thiên chúa giáo là việc mà các cơ quan chức năng tỉnh, huyện đã thường xuyên quán triệt phải lưu tâm. Được biết, chiều ngày 24/3, UBND huyện Ngọc Hồi đã họp đánh giá vụ việc và sẽ nhanh chóng xem xét có hình thức kỷ luật thích đáng theo quy định của pháp luật đối với cán bộ đoàn công tác vi phạm.

Bảo Toàn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật