Đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động đi cơ sở kiểm tra mô hình
Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ban Dân vận Huyện ủy Kon Rẫy đã bám sát thực tế, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ban hành Đề án thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 đảm bảo sát hợp với tình hình đặc thù của huyện và gắn với thực tế đồng bào DTTS ở từng thôn, làng.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. “Chúng tôi tham mưu xác định cụ thể các hủ tục, phong tục không còn phù hợp và lộ trình thực hiện xóa bỏ để từ đó chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện”- bà Đinh Thị Anh – Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kon Rẫy cho biết.
Qua việc rà soát, trên địa bàn huyện Kon Rẫy hiện còn 4 hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Để giúp người dân đồng bào DTTS vượt qua những hủ tục, phong tục lạc hậu, huyện tập trung tuyên truyền, vận động đến từng thôn, làng và các hộ gia đình.
Ông Lã Đức Hạnh – Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập cho biết: qua nắm bắt, nhận thấy việc ngủ đầm của một số hộ đồng bào DTTS đã ảnh hưởng đến việc học hành của các con. Đồng thời, thường xuyên ngủ ở đầm dẫn đến việc không nắm bắt được thông tin tuyên truyền, các chủ trương, chính sách. Trước thực trạng đó, trên cơ sở các hướng dẫn, xã đã tích cực vận động, tuyên truyền.
Từ 8 hộ thường xuyên ngủ đầm, qua tuyên truyền, đến nay 8 hộ thường xuyên trở về nhà ở làng. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục nắm bắt, thường xuyên vận động để xóa hẳn việc ngủ đầm của người dân” – ông Hạnh cho biết thêm.
Tương tự, tại xã Đăk Tơ Lung, ông Đinh Địa – Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, xã đã thực hiện công tác dân vận, vận động, tuyên truyền người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên trong cuộc sống.
Dựa trên tình hình thực tế tại địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế: nuôi hươu sao, làm chổi đót, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chỉnh trang khu dân cư... Thông qua đó, nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập, tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào tại địa phương.
Anh A Phai ở thôn 7, làng Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung ngay khi có ý tưởng về việc nuôi hươu lấy nhung, Đảng ủy xã đã lắng nghe, đồng hành, động viên và hỗ trợ để anh triển khai, thực hiện ý tưởng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thực hiện mô hình, ngoài việc động viên anh tìm hiểu kỹ về quá trình chăn nuôi, đầu ra cho sản phẩm, xã cũng hỗ trợ một phần kinh phí để anh Phai làm chuồng trại. Đặc biệt, chúng tôi hay ghé xuống nắm tình hình để kịp thời cùng anh tháo gỡ khó khăn” – anh Đinh Địa cho hay.
Việc triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” cũng được triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng triển khai thực hiện được 90 mô hình (trong đó năm 2021, 2022 xây dựng 56 mô hình, năm 2023 xây dựng và nhân rộng được 34 mô hình), với tổng kinh phí khoảng gần 4 tỷ đồng.
Hướng về cơ sở, cùng với Ban Dân vận Huyện ủy, các xã, thị trấn tiếp tục nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; nhất là các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự, vùng có đạo, vùng đồng bào DTTS và khu vực có tranh chấp về đất sản xuất, từ đó tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn./.