A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy: Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 06), công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Kon Rẫy có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra.

Toàn huyện Kon Rẫy hiện có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 76.728,64ha. Trong đó, đất có rừng 60.420,21ha (gồm rừng sản xuất 43.640,68ha, rừng phòng hộ 16.779,53ha); đất chưa có rừng (bao gồm 1.261,73ha đã trồng chưa thành rừng) là 16.308,42ha.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 06, huyện Kon Rẫy kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đưa việc lãnh đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng vào chương trình hoạt động của cấp uỷ đảng các cấp, xem đây là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá cuối năm.

Huyện Kon Rẫy tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, xã và tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư.

Huyện Kon Rẫy luôn đạt và vượt chỉ tiêu trồng mới rừng hàng năm. Ảnh: HT

 

Tính đến cuối năm 2023, độ che phủ rừng của huyện Kon Rẫy đạt 66,11%, dự kiến đến năm 2025 độ che phủ rừng đạt 66,99% (vượt kế hoạch được giao); trồng rừng tập trung đạt 1.272,26 ha/1.500ha (đạt 84,82% kế hoạch); khoanh nuôi tái sinh rừng (từ năm 2021-2023) thực hiện được 1.548ha; giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng 1.541,6ha cho 19 cộng đồng dân cư tại các xã Đăk Kôi, Đăk Tơ Lung Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, Đăk Pne (vượt chỉ tiêu đề ra).

Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg, ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, huyện Kon Rẫy chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng và cây xanh để góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Từ năm 2021 đến nay các ngành chức năng huyện Kon Rẫy tổ chức được 267 cuộc tuyên truyền trực tiếp thu hút khoảng 7.007 lượt người nghe; đã ký 4.095 bản cam kết hộ gia đình tuân thủ các quy định không vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các vụ vi phạm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua các năm.

Trong năm 2024, huyện Kon Rẫy được tỉnh giao trồng mới 240ha rừng. Để đảm bảo trồng rừng theo đúng kế hoạch, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn chuẩn bị đất, giống để trồng rừng ngay khi mùa mưa đến, trong đó phân bổ cho UBND cấp xã trồng mới 190ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy 20ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy 30ha. Dự kiến cuối năm 2024, trồng mới được 252,64ha, vượt kế hoạch được giao.

Mùa trồng rừng năm 2024, xã Đăk Kôi được huyện giao trồng 25ha rừng sản xuất, trong đó chủ yếu là cây thông. Ngay khi được giao kế hoạch, UBND xã Đăk Kôi triển khai rà soát, thống kê nhu cầu trồng rừng của người dân, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ và lợi ích của việc trồng rừng. Qua đó, có 20 hộ đăng ký trồng diện tích rừng được giao, đảm bảo kế hoạch.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát diện tích rừng đã trồng đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: H.T

 

Ông Đào Thanh Sang- Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi cho biết: Qua khảo sát, chúng tôi lên phương án trồng rừng tại thôn 10 và thôn 2. Từ tháng 2/2024, xã Đăk Kôi tổ chức đo đạc diện tích, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho những hộ đã đăng ký. Khi được cấp cây giống, phân bón, vật tư, địa phương tích cực đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi người dân trồng, đến nay trồng được 100% kế hoạch được giao. Ngoài trồng rừng, từ năm 2021- 2023, xã thực hiện khoanh nuôi tái sinh được 22,5ha rừng; trên địa bàn xã có 1 cộng đồng được giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 219ha.

Thời gian tới, huyện Kon Rẫy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mỗi người dân trên địa bàn về công tác bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các mô hình liên kết, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng hiện đại, đặc biệt là phát triển dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái. Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây nông nghiệp hằng năm trên đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả đa mục tiêu như mắc ca, giổi lấy hạt. Lấy thu nhập của người dân từ kinh tế lâm nghiệp làm cơ sở đánh giá kết quả phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.   

Hoàng Thanh


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật