A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy: Kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Ngày 25 tháng 8 năm 2021, Đoàn kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” do đồng chí Đinh Thị Mỹ Hảo – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của huyện Kon Rẫy làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động tại hai xã Đăk Ruồng và xã Đăk Kôi.

Đồng chí Đinh Thị Mỹ Hảo – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo

Cuộc vận động của huyện Kon Rẫy làm việc tại xã Đăk Kôi.

Đoàn công tác của huyện đã tiến hành kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc ban hành văn bản cụ thể để triển khai thực hiện Cuộc vận động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đối với 02 xã. Đồng thời, đã tiến hành kiểm tra việc triển khai xây dựng mô hình thực hiện Cuộc vận động tại các thôn trên địa bàn hai xã.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy (như Kế hoạch số 26-KH/HU, ngày 22/4/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”), các văn bản liên quan của Ban Chỉ đạo huyện, Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện… và dựa trên tình hình thực tiễn về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội... của từng xã; cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo hai xã Đăk Ruồng và Đăk Kôi về cơ bản đã chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn từng xã.

Về xây dựng mô hình thực hiện Cuộc vận động, hai xã Đăk Ruồng và xã Đăk Kôi bước đầu đã triển khai xây dựng mô hình để thực hiện và nhân rộng trên địa bàn.

Xã Đăk Ruồng đã và đang triển khai 02 mô hình điểm, gồm “Mô hình vườn, ao, chuồng” của gia đình Bà Đeo (thôn 8, xã Đăk Ruồng) và  “Mô hình vệ sinh môi trường” (thôn 8, xã Đăk Ruồng).

Xã Đăk Kôi xây dựng 02 mô hình điểm gồm “Mô hình tổ liên kết trồng lúa sạch” (thôn Kon Rlong) và “Mô hình vệ sinh môi trường” (thôn Tu Ngó – Kon Bông và thôn Ngọc Răng – Nhân Líu).

Mô hình Vườn – Ao – Chuồng của gia đình Bà Đeo, Thôn 8, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy.

Nhìn chung, các mô hình thực hiện Cuộc vận động được triển khai xây dựng khá bài bản từ việc lựa chọn các hộ gia đình tham gia, cách thức, các bước triển khai thực hiện… Mặt trận và các đoàn thể xã, cán bộ chuyên trách khối UBND cấp xã đã vào cuộc hướng dẫn bà con Nhân dân tổ chức triển khai thực hiện mô hình; được bà con Nhân dân tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc xây dựng mô hình điểm còn gặp khó khăn về kinh phí thực hiện; kinh phí thực hiện mô hình chủ yếu do các hộ gia đình được lựa chọn thực hiện mô hình chủ động.

Về việc thực hiện Cuộc vận động trên lĩnh vực Văn hóa, các xã đã thường xuyên vận động triển khai, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các nội dung quan trọng là xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, nếp sống văn minh ở cơ sở. Triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy tính đặc sắc, phong phú của vốn di sản văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức và lòng tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; hạn chế, giảm thiểu tình trạng rượu chè bê tha làm ảnh hưởng đến sức khỏe và lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Đồng chí Y Xôi – UVBTV, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đăk Kôi cho biết thêm: Một số hủ tục lạc hậu trước đây của bà con Nhân dân trên địa bàn xã như việc ma chay, cưới hỏi dài ngày gây tốn kém, hiện tượng mê tín, dị đoan… đã được tổ chức, tuyên truyền vận động bà con Nhân dân xóa bỏ. Qua công tác tuyên truyền vận động, bà con Nhân dân trên địa bàn xã Đăk Kôi đã áp dụng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, đồng chí Đinh Thị Mỹ Hảo – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của huyện Kon Rẫy chỉ đạo một số phương hướng, nhiệm vụ để triển khai trong thời gian tới đối với xã Đăk Ruồng và Đăk Kôi, cụ thể như sau:

Một là, Đảng ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp xã cần tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện, UBND huyện và đặc điểm tình hình thực tiễn của từng xã để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Tổ chức phân công thành viên Ban Chỉ đạo xã phụ trách từng nội dung, từng địa bàn các thôn để triển khai thực hiện các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ của Cuộc vận động. Thường xuyên rà soát các nhiệm vụ và kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động trên thực tế.

Hai là, tập trung công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, tiếp tục thực hiện Cuộc vận động trên lĩnh vực Văn hóa, thường xuyên vận động triển khai, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các nội dung quan trọng là xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, nếp sống văn minh ở cơ sở. Triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của các dân tộc thiểu số trên địa bàn; giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy tính đặc sắc, phong phú của vốn di sản văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức và lòng tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; hạn chế, giảm thiểu tình trạng rượu chè bê tha làm ảnh hưởng đến sức khỏe và lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Bốn là, tập trung tuyên truyền, lồng ghép triển khai Cuộc vận động với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác của các cấp các ngành phát động, nhất là Phong trào “Kon Rẫy chung tay xây dựng Nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Năm là, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; các cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong cộng đồng… ở cơ sở, khu dân cư; các điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất; thực sự là lực lượng xung kích, đi đầu trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động.

Sáu là, yêu cầu hai xã có văn bản mời các cơ quan đỡ đầu theo tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU vào cuộc để giúp xã trong triển khai Cuộc vận động.

Bảy là, lựa chọn mô hình để thực hiện Cuộc vận động đảm bảo dễ hiểu, dễ làm, dễ tổ chức thực hiện. Rà soát các mô hình đã và đang triển khai có hiệu quả để nhân rộng; kết thúc các mô hình không có hiệu quả. Có tổ chức đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện các mô hình để rút kinh nghiệm.

Tám là, có sự động viên, khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với các cá nhân, tập thể có thành tích, cách làm hiệu quả trong triển khai Cuộc vận động.

Trong những ngày tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện Kon Rẫy sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động tại các xã, thị trấn còn lại.

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” ở hai xã Đăk Ruồng và xã Đăk Kôi bước đầu đã được triển khai thực hiện trong thực tiễn. Cuộc vận động là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa sâu sắc, nhiệm vụ này có thành công hay không, đòi hỏi cần có sự quan tâm, chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là huy động được sự tham gia tích cực từ phía bà con Nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã. Với những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn, tạo được sự tin tưởng, đồng sức, đồng lòng của người dân thì Cuộc vận động sẽ thành công, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân sẽ ngày càng được nâng lên, không còn nghèo nàn, lạc hậu, góp phần làm phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng tại địa phương./.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật