A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân Kon Rẫy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo sự lan tỏa tích cực.

Quang cảnh ông Dũng đang chăm sóc vườn dưa lưới

Năm 2022, ông Phan Tấn Dũng ở thôn 1, xã Tân Lập đã phối hợp 3 hộ gia đình tại địa phương trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng với diện tích 1.000 m2 đất. Bên trong thiết kế lối đi thông thoáng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt tự động và hệ thống đo nhiệt, đo độ ẩm tổng đầu tư khoảng gần 500 triệu đồng. Giống dưa được chọn trồng khoảng 70 ngày, trồng 3 vụ/năm. Mỗi cây nuôi 1 trái, cân nặng khi xuất bán từ 1 – 2,5 kg/trái, giá thị trường khoảng trên 60 - 80.000 đồng/kg. Qua 2 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ông Dũng đang thu hoạch rau má

Ông Dũng khẳng định: Trồng dưa lưới trong nhà màng tuy vốn đầu tư cao nhưng lợi nhuận cũng cao gấp nhiều lần so với cách trồng truyền thống. Tôi có thể chủ động trong sản xuất mà không phải lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu; tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc nghiêm ngặt, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng thì cây dưa lưới sẽ phát triển rất tốt.

Trên diện tích này, ông Dũng kết hợp trồng một số loại rau sạch cung cấp cho thị trường như rau má, dưa leo bi Nhật, quả dâu Tây đã đem lại hiệu quả cao. Mỗi tháng thu nhập từ các loại rau này từ 6-7 triệu đồng/ tháng. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tôi mong muốn ở huyện Kon Rẫy tổ chức nhiều mô hình được nhiều mô hình như vậy để người dân cùng học hỏi, làm rau rạch tăng thu nhập cho người dân nông và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng – ông chia sẻ thêm.

Ông Vỹ ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm 

Gia đình ông Vũ Văn Vỹ hơn 10 ha đất, trồng cà phê xen sầu riêng, mít thái và các loại cây ăn quả khác. Sau khi tham gia các lớp tập huấn về việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2022 ông Vỹ quyết định lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm với tổng kinh phí trên 10 triệu đồng. Với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, chỉ cần bật máy bơm là tự động tưới, phân bón cũng được đưa qua hệ thống giúp giảm chi phí nhân công. Cũng nhờ có nguồn tưới tiêu và phân bón hợp lý cùng kỹ thuật chăm sóc, các loại cây trong nương rẫy ông Vỹ năm nay, tổng thu nhập trên 800 triệu đồng, trừ chi phí ông thu lãi được gần 500 triệu đồng.

Ông Vỹ chia sẻ: Trước đây, tôi tưới bằng ống theo phương pháp tưới dí, mất khá nhiều thời gian và hao phí nước. Bây giờ làm hệ thống tưới bép như thế này nhàn lắm có thể một mình quản hết từng này rẫy không phải thuê mướn nhân công. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh hại.

Hiện này, trên địa bàn huyện Kon Rẫy có khoảng trên 65% người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại có kinh tế cao. 40% người dân đưa công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp để giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm. 19 hợp tác, tổ hợp tác xã ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập.

Ông Đinh Hồng Thắng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang được UBND huyện quan tâm và xác định nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nông sản, giá trị trên một đơn vị sản xuất. Thời gian tới, bên cạnh việc phát huy nội lực, thực hiện các chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, huyện tăng cường nguồn lực, phát triển và tiêu thụ bền vững các sản phẩm của người dân làm ra.


Tác giả: Lâm Hiền - Thành Trung ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật