A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Kon Rẫy

Chiều 25/7, đồng chí Phạm Đình Thanh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh giám  sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại UBND huyện Kon Rẫy.

Quang cảnh Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum làm việc tại huyện Kon Rẫy

Qua 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỷ lệ hộ nghèo từ 24,86% năm 2021 xuống còn 16,88% cuối năm 2022, đạt 121 % so với mục tiêu đề ra. Trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 11,28%/6,6% (từ 36,28% năm 2021 xuống còn 25% cuối năm 2022), đạt 170,9 % so với mục tiêu đề ra. Xã Đăk Ruồng đạt nông thôn mới nâng cao, xã Tân Lập đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thôn 9, xã Đăk Ruồng đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 06 thôn đạt chuẩn thôn (làng) nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đạt chuẩn tăng thêm 02 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (Đăk Pne 01 tiêu chí và xã Đăk Kôi 01 tiêu chí).

Tổng các nguồn vốn để thực hiện các chương trình MTQG khoảng 362,097 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 259,083 tỷ đồng; vốn địa phương là 81,317 tỷ đồng; vốn tín dụng 9,425 tỷ đồng; vốn lồng ghép và vốn huy động từ các nguồn khác là 12,272 tỷ đồng.

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2022 đã giải ngân 16,950 tỷ đồng, đạt 57,64% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023 giải ngân khoảng 20 tỷ đồng, đạt 49,21% so với kế hoạch.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm 2022 đã giải ngân 780 triệu đồng, đạt 23,24% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023 giải ngân khoảng 3 tỷ đồng, đạt 38,2% so với kế hoạch.

          Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, năm 2022 đã giải ngân 14,142 tỷ đồng, đạt 79,89% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023 giải ngân khoảng 10 tỷ đồng, đạt 37,25

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện còn những khó khăn về vốn đối ứng để thực hiện các chương trình do huyện nghèo, nguồn thu còn hạn chế; một số quy định, hướng dẫn về định mức, chính sách hỗ trợ chậm được ban hành dẫn đến đơn vị, địa phương gặp khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực hiện như: cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành quyết định phê duyệt đơn giá dịch vụ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 20 nghề áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; chưa có hướng dẫn cụ thể về các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc danh sách phê duyệt năm 2022 được hỗ trợ nhà ở...

Mặt khác, Trung ương giao kế hoạch vốn năm 2022 chậm so với thời hạn lập dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm dẫn đến khó khăn cho địa phương trong cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện chương trình và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao; tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện chương trình đạt thấp; công tác xã hội hóa huy động nguồn lực còn hạn chế.

Nguyên nhân chính là do công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn có lúc thiếu chặt chẽ, không kịp thời trong việc triển khai thực hiện; số lượng doanh nghiệp ít, phạm vi nhỏ, hiệu quả hoạt động còn thấp; đời sống người dân còn khó khăn.

Qua đó, UBND huyện Kon Rẫy kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất và Tiểu dự án 2 của Dự án 10 về hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND xã thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa được cấp có thẩm quyền ban hành nên các dự án chưa được triển khai thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thông tin một số vấn đề về 3 chương trình MTQG này để UBND và các phòng, ban có liên quan của huyện biết, thực hiện. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị đề xuất của huyện để nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan xem xét.

Đồng chí đề nghị UBND tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” Phát động các phong trào thi đua nhằm huy động cả hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở cùng tham gia thực hiện. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, dự án sử dụng các nguồn vốn thuộc các chương trình MTQG, đảm bảo thực hiện có hiệu quả thiết thực và giải ngân hết các nguồn vốn được giao. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã tăng cường, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, doanh nghiệp; huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, chủ động tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của địa phương được giao thực hiện nhiệm vụ thuộc các Chương trình MTQG. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong công tác tham mưu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc các Chương trình MTQG trên địa bàn.


Tác giả: Lâm Hiền - Hữu Huy ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật