A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Y Thơi, người giữ nghề làm Men rượi từ lá cây

Nghe và được thưởng thức rượi cần, sản phẩm OCoop 3 sao, của Y Thơi xã Đăk Tờ Lung, nhưng thật tình bản thân cũng chưa hiểu nhiều về công đoạn từ khi lấy cây rừng về làm Men rượi (Men lá) cho đến khi ủ thành ghè rượi phục vụ đến người tiêu dùng. Nhân dịp có anh bạn làm ở Báo Kon Tum lên công tác, tôi và anh đã có mặt tại làng Kon Keng, xã Đăk Tơ Lung để gặp chủ nhân của rượi ghè nổi tiếng vùng này để tìm hiểu về quy trình chế biến Men lá của người Xơ Đăng.

Chị Y Thơi với sản phẩm men lá tự chế biến.

    Đón chúng tôi với nụ cười thân thiện và mến khách, người phụ nữ Xơ Đăng - Tờ Đrá chia sẻ luôn về nghề làm Men lá: “Ông cha của chúng tôi, từ lâu biết cách làm men từ những cây rừng. Do đó, hương vị rượi cần người Xơ Đăng đậm đà và mang hương vị thơm, ngon khác với các loại rượi cần khác". Khuôn mặt và ánh mắt đầy tự hào chị kể: “Để làm Men lá, phải là người có kinh nghiệm lâu năm, biết rừng nào có cây để làm men để đi tìm; tìm được rồi phải biết cách lấy và chế biến mới ra men rượu được. Không phải ai cũng làm được!”.

Nói và làm, Chị đứng dậy và dẫn chúng tôi vượt qua quãng đường khoảng 5km để vào rừng tìm nguyên liệu làm men. Đầu tiên chúng tôi gặp là cây Rẹ Blo một loại cây rừng, thân leo, có là xanh tươi và thường mọc dưới tán cây rừng già. Chị bảo người Xơ Đăng gọi là cây Rẹ Blo. Nhanh tay, Chị lấy dụng cụ mang sẵn để đào và gọt lấy rễ và lá của cây. Mùi hương tỏa ra từ rễ cây phảng phất thơm nồng. "Đây là một trong những nguyên liệu quan trọng để kết hợp với vỏ cây Heam để làm ra men và hương vị đặc trưng của rượi cần người dân tộc Xơ Đăng” tay gạt mồ hôi trên trán Chị nói.  

Cây Rẹ Blo một nguyên liệu quan trọng làm Men Lá

Sau khi đã lấy đủ nguyên liệu cần thiết, chúng tôi trở về nhà để bắt đầu quá trình chế biến Men lá truyền thống. Việc chế biến bắt đầu từ giã nhuyễn gạo rẫy và rễ cây Rẹ Blo cho đến khi trộn đề với nước từ cây Heam. Mỗi công đoạn, Chị đều làm tỷ mỷ, cẩn trọng và khoa học. Sau khi hình thành các cục men. Công đoạn quan trọng nhất là lấy men “gốc” để bôi đều lên các nắm men vừa làm. Men gốc sẽ tạo lên hương vị đặc trưng cho men lá truyền thống. “Trong làng này chỉ có mình tôi mới có men "gốc". Trường hợp mất men "gốc", tôi phải đi xin ở làng khác. Vì vậy, giữ được nguồn men "gốc" là điều vô cùng quan trọng". Sau khi chế biến xong men sẽ được ủ trong vòng 48 giờ rồi ra phơi ngoài nắng cho khô là dùng được.

Trong suốt quá trình tìm hiểu, tôi đã hiểu rõ hơn về quá trình làm men lá truyền thống của người Xơ Đăng - Tơ Đrá. Điều đặc biệt ở đây không chỉ là hương vị độc đáo mà men lá trong ghè rượu cần mang lại, mà còn là sự tinh hoa và nghệ thuật chế biến đặc biệt của người Xơ Đăng. Rượu cần đã từ lâu không chỉ gắn bó, thân thuộc mang đậm nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên mà còn là những trải nghiệm độc đáo và thú vị không thể quyên đối với du khách gần xa./.


Tác giả: Vũ Hưng (Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật