A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cựu chiến binh làm giàu từ những mô hình mới

Về với cuộc sống đời thường, những người chiến sỹ năm xưa vẫn luôn phát huy bản chất truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, vượt khó đi lên trong phát triển kinh tế gia đình và trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Những mô hình mới như mô hình nuôi rắn ráo trâu; mô hình nuôi hươu lấy nhung hay mô hình vườn cây ăn trái của hội viên hội cựu chiến binh huyện Kon Rẫy mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Cựu chiến binh làm giàu từ những mô hình

Được rèn luyện từ trong quân ngũ cộng với lòng quyết tâm cho dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy cũng phấn đấu vượt qua. Hàng ngày, Ông Lê Văn Vân thôn 2, xã Tân Lập luôn tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, những mô hình mới để phát triển kinh tế; từ đó ông đã xây dựng mô hình nuôi rắn ráo trâu cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, gia đình ông Vân đang nuôi trên 200 con rắn, trong đó có 150 con bố mẹ từ 2 đến 3 năm tuổi, xây dựng chuồng trại với diện tích 50m2, ngay trong vườn cao su của gia đình. Dãy chuồng được gia đình bố trí ngăn nắp, thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ. Mỗi ô chuồng được thiết kế đảm bảo không gian cho rắn sinh trưởng và phát triển. Ngoài thiết kế chuồng trại đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật, nguồn thức ăn cho rắn cũng được gia đình ông chủ động đảm bảo bằng phương pháp nuôi ếch làm thức ăn cho rắn. Phấn khởi trước hiệu quả mô hình mang lại, hiện gia đình dự định mở rộng quy mô cũng như giúp đỡ các hộ gia đình có nhu cầu học hỏi hướng làm giàu từ nuôi rắn ráo trâu.

Ông Lê Văn Vân - ở thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy chia sẻ “là bộ đội cụ Hồ, về đời thường, có lần tình cờ về quê, thấy các hộ  phát triển kinh tế nuôi các loại rắn, đặc biệt tôi chỉ nuôi có một loại rắn ráo trâu, thấy lợi nhuận kinh tế rất được, thứ hai thời gian chăm sóc ít thời gian, những loại rắn nhỏ cho ăn 3 ngày một lần, rắn lớn một tuần đến 10 ngày một lần”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bút tại thôn 2, xã Tân Lập thử nghiệm mô hình chăn nuôi hươu sao. Ông Bút chia sẻ: Khi đang lướt internet xem các video về nông nghiệp, tôi tình cờ phát hiện ra một mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, không phải bỏ ra nhiều công sức, đó là mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình nuôi hươu sao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đang sống và điều kiện của gia đình. Đầu năm 2020, ông Bút mạnh dạn đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 5 con hươu đực, 7 con hươu cái đưa về nuôi tại gia đình. Sau 3 năm chăm sóc, gia đình ông Bút đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nhung và hươu giống. “Điều đáng mừng là giá nhung hươu đang ổn định và làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bởi nhu cầu mua nhung hươu trên địa bàn là rất cao, người dân thường đến đặt trước 1-2 tháng trước thu hoạch. Người ta đặt thì tôi cắt bán nên không lo về đầu ra” - ông Bút thông tin.

Tương tự mô hình ông bút, cựu chiến binh A Phai – thôn 7, xã Đăk Tờ Lung là những hộ người dân tộc thiểu số đầu tiên ở Kon Rẫy đã xây dựng mô hình chăn nuôi hươu sao lấy nhung, đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nhung và hươu giống.

Không chỉ thành công với mô hình nuôi rắn ráo trâu và mô hình nuôi hươu lấy nhung mà mô hình vườn cây ăn quả với gần 10 ha của gia đình cựu chiến binh Lê Văn Thanh, ở thôn 2 xã Tân Lập được đầu tư khá bài bản, bình quân mỗi năm trừ chi phí thu về trên 300 triệu đồng.

Ông Lê Văn Thanh – Thôn 2, Tân Lập, huyện Kon Rẫy chia sẻ “Thời tiết ở Tây Nguyên làm vườn tạp gồm cây sâu riêng, thanh long, chanh, bơ, trồng xem để mạng thu nhập quanh năm,gia đình tôi. Hiện nay, gia đình bà có tổng diện tích đất vườn gần 10 ha, trong đó có 1.200 cây cà phê, 50 trụ tiêu, 200 cây sầu riêng, 180 cây chanh, 100 cây mít thái cùng một số loại cây ăn quả khác”.

Bên cạnh đó, ông Thanh còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm và đào ao thả cá để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt và chăn nuôi hợp lý, ông Thanh đã vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Rẫy còn ghi nhận nhiều mô hình hay trong phát triển kinh tế của những người cựu chiến binh năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đem về cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ những mô hình nay, sẽ là đòn bẩy quan trọng để mọi người cùng học tập và làm theo.

Ông Hoàng Văn Do – Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Kon Rẫy cho biết thêm “ Hội cựu chiến binh huyện tích cực, vận động, tập hợp giáo dục hội viên, giữ gìn, phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương, Hội đã vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, sớm đưa các loại cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều hội viên lập trang trại, thâm canh tăng vụ, đào ao thả cá, phát triển chăn nuôi đại gia súc có hiệu quả kinh tế cao, số hộ khá, giàu đạt 70%, mức sống của hội viên và gia đình không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân của hội viên đạt 25 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, Hội CCB huyện sẽ tổ chức cho các hội viên tham quan và học hỏi kinh nghiệm các mô hình nuôi hươu sao đạt hiệu quả cao; đồng thời vận động các hội viên CCB trong xã nhân rộng mô hình chăn nuôi này”.     

Bước khởi đầu các mô hình đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi ở Kon Rẫy, đem đến cơ hội tăng thu nhập cho các cựu chiến binh, góp phần xóa nghèo bền vững tại địa phương.


Tác giả: Lâm Hiền - Thành Trung ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật