A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Già A Gíp nặng lòng với văn hóa truyền thống

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, năm nay già A Gíp đã 104 tuổi, thôn 1, xã Đăk Pne huyện Kon Rẫy vẫn nặng lòng với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có nghề rèn truyền thống.

Hình ảnh cụ già ngồi bên bếp lửa

Từ nhiều năm qua, hình ảnh cụ già lưng đã còng ngồi bên bếp lửa, miệt mài  nặn những thanh sắt trở thành các dụng cụ phục vụ sản xuất như rựa, dao và cuốc đã không còn xa lạ với bà con nơi đây. Dù trời nắng hay mưa, mỗi khi rảnh ông đều dành thời gian rèn các loại dụng cụ. Những vật dụng ông làm ra đều rất chắc chắn, bền và đẹp theo thời gian, phù hợp với người dân nơi đây. Ông A Gíp tâm sự: “Ngày trước già nhận rèn dao, rựa cho cho bà con trong thôn nhiều lắm, bây giờ mình già rồi, làm vẫn được nhưng mà sức khỏe không nổi, chỉ làm ít dụng cụ cần thiết cho gia đình thôi”.

Nơi ông ở chỉ cách trung tâm xã Đăk Pne chừng 4 km, nhưng con đường đến nhà ông phải đi qua một con suối và lên một đoạn dốc khá quanh co. Dẫn chúng tôi đến thăm nơi ông ở, ông, anh A Teo thôn trưởng thôn 1 Đăk Pủi kể cho chúng tôi nghe câu chuyên về ông với niềm tự hào hiện lên trên khuôn mặt, ông nói “Từ khi tôi về và sinh sống ở đây cho đến giờ, ngày nào tôi cũng nhìn thấy ông A Gíp bên bếp lửa rèn dao, rựa và nhiều dụng cụ cần thiết khác, ông ấy rất yêu rèn và ngày nào ông cũng rèn”.

Già A Gíp có 8 người con, nhưng có đến 4 người con theo nghề của ông. Ông A Gya là con trai cả, là người con được ông truyền nghề rèn đầu tiên. Đến nay, nghề rèn cũng theo ông A Gya trên 30 năm, thành thạo rèn ra nhiều vật dụng, theo từng kiểu mẫu, các vật dụng phần lớn phục vụ đời sống, sản xuất cho chính gia đình ông cũng như nhận rèn dụng cụ cho nhiều gia đình khác trong thôn. Ông A Gya tâm sự:  “Ngày xưa bố tôi làm, bây giờ bố tôi truyền nghề cho tôi rèn. Tôi rèn đến bây giờ cũng được hơn 30 năm, tôi đã làm thợ rèn và học nghề rèn từ bố tôi”.

Không chỉ nặng lòng với nghề rèn, bản thân già A Gíp còn am hiểu và đam mê các loại nhạc cụ truyền thống như chỉnh âm và truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ; nhận làm trống thường dùng để đánh trong các lễ hội của thôn, làng. Ông A Teo thôn trưởng cho biết thêm: “Đối với các loại nhạc cụ truyền thống, ông cũng thường xuyên truyền dạy cho con cháu của mình về cách đánh, phối âm giữa tiếng chiêng, tiếng cồng với nhau sao cho phù hợp, con cháu của ông cũng cố gắng học tập và giữ gìn bản sắc dân tộc mình mỗi khi được ông truyền dạy, hầu như con cháu trong gia đình đều biết đánh cồng chiêng”. Bà Y Qua, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pne cho biết thêm: “Đến thời điểm hiện tại thì ông cũng đã truyền đạt cho con cháu và các con cháu cũng đã tiếp thu và thực hiện công tác giữ gìn bản sắc văn hóa trên địa bàn xã. Trong thời gian tới xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cán bộ chuyên môn và thôn trưởng sẽ phối hợp trong việc xây dựng các kế hoạch để gìn giữ bản sắc trên địa bàn xã nói chung và các nghệ nhân ở các thôn nói riêng”.

Già A Gíp là một gương điển hình trong công tác gìn giữ nghề rèn truyền thống và truyền dạy cồng chiêng xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy; mỗi khi nhắc đến già A Gíp trong lòng mỗi người dân nơi đây ai nấy đều cảm phục, cảm phục bởi lòng yêu nghề truyền thống, cảm phục bởi sự miệt mài cần mẫn ở cái tuổi xưa nay hiếm. Với những niềm đam mê và gìn giữ nghề rèn và văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những năm qua ông được các cấp, các  ngành ghi nhận vì đã có công gìn giữ văn hóa truyền thng tại địa phương./.


Tác giả: Y Nhàn - Hữu Huy ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật