A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng ủy xã Đăk Pne: Hoàn thành công tác biên soạn Sách lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn (1975-2020)

Quang cảnh lễ công bố và phát hành

Với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương và Kế hoạch 73-KH/TU ngày 17/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng”; Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy đã ban hành Công văn số 477-CV/HU ngày 27/7/2021 về tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương ở cấp huyện, xã trên địa bàn huyện Kon Rẫy. Theo đó, nội dung biên soạn Lịch sử đảng bộ của các xã, thị trấn đã được cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, đưa vào nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hằng năm. Năm 2023, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX đã ra Nghị quyết Số 05-NQ/HU giao nhiệm vụ Đảng ủy xã Đăk pne lãnh đạo triển khai và hoàn thành công tác biên soạn đảng bộ địa phương.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện, trên cơ sở bám sát Hướng dẫn số 90-HD/HVCTQG, ngày 15/3/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về quy trình thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội, đơn vị ở Trung ương và địa phương và các văn bản hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy,  Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đăk Pne đã xây dựng Kế hoạch số 17-KH/ĐU ngày 14/10/2021 tổ chức triển khai đảm bảo đúng quy trình, từ việc thành lập ban chỉ đạo, tổ biên tập, biên soạn, hợp đồng chủ biên, thành lập hội đồng thẩm định, tổ chức các hội nghị, hội thảo gặp gỡ những nhân chứng lịch sử - là những cán bộ lãnh đạo Chi bộ và Đảng bộ xã Đăk Pne qua các thời kỳ lịch sử; đối chiếu, so sánh các tư liệu cho đến các thủ tục xuất bản các tập sách .

Trong lịch sử, xã Đăk Pne là địa bàn cư trú lâu đời của người Bah Nar - Jơ Lâng, nằm ở phía Đông của tỉnh Kon Tum. Ngày 01 tháng 02 năm 1985, Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 26-HĐBT về việc phân vạch địa giới xã và thị trấn của một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Theo Quyết định này, xã Đăk Pne được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Kon Pne và Chi bộ xã Đăk Pne lâm thời ra đời từ đây. Để đánh giấu mốc thời gian quan trọng này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa XVIII đã họp thống nhất lấy ngày 01 tháng 02 là Ngày truyền thống Đảng bộ xã.

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Từ một chi bộ mới thành lập với 08 đảng viên, đến nay đã phát triển thành một Đảng bộ có 10 chi bộ với tổng số 120 đảng viên, trong đó có 4 chi bộ thôn, 4 chi bộ trường, trạm, 01 chi bộ Quân sự, 01 chi bộ công an. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên và nhân dân đã đóng góp sức lực và công lao để xây dựng Đảng bộ xã ngày càng vững mạnh. Nội dung cuốn sách không chỉ tái hiện có hệ thống về chặng đường lịch sử hơn 40 năm đầy khó khăn, gian khổ, nhưng cũng hết sức vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân mà còn khái quát rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Thông qua việc ôn lại những truyền thống lịch sử cuốn sách giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là thế hệ trẻ suy ngẫm, nhìn lại quá khứ với sự trân trọng và niềm kiêu hãnh để làm tốt hơn trong giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lao động của nhân dân ta; đồng thời quảng bá, giới thiệu về những đặc trưng của vùng đất và con người Đăk Pne.

Mặc dù việc sưu tầm tư liệu gặp nhiều khó khăn, do trước đây việc di chuyển vị trí trụ sở cơ quan xã, thiên tai, bão lũ, nên nhiều tư liệu, số liệu trong nhiều năm qua, các quyết định, văn bản, tài liệu cần tra cứu bị thất lạc; các nhân chứng lịch sử còn rất ít, chủ yếu tuổi cao, sức khỏe và trí nhớ giảm sút, khó khăn trong việc thu thập thông tin, sự kiện lịch sử. Song nhờ sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, sự hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, sự giúp đỡ hết sức của các cơ quan, ban ngành huyện; các đồng chí nguyên lãnh đạo xã qua các thời kỳ; sự cố gắng của Ban Chỉ đạo, Ban biên soạn sách; Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã tiến hành nhiều lần hội thảo tư liệu với rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp quý báu. Hội đồng thẩm định sách lịch sử Đảng của huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã thẩm định tính khoa học, tính Đảng của công trình Sách và đồng ý cho xuất bản; đến hôm nay sản phẩm đã ra đời là sự kết tinh công sức của Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định sách lịch sử Đảng huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ xã và tập thể cán bộ và nhân dân toàn xã.

Sau hơn 01 năm triển khai, công trình Sách lịch sử Đảng bộ xã Đăk Pne, giai đoạn (1975-2020) hoàn thành có độ dày 232 trang, khổ giấy in 14,5 x 20,5 cm, trong đó có 205 trang chính và trang phụ lục, nội dung chia làm 4 Chương và phần Kết luận, cụ thể:

+ Chương I: ĐĂK PNE – VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI: Đã đánh giá khái quát, tổng thể, các dữ liệu về điều kiện tự nhiên; vị trí địa lý; Dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội và tổ chức hành chính. Đặc biệt, đã làm rõ, nổi bật những yếu tố về vị trí địa lý, khí hậu, điều kiện tự nhiên, những giá trị văn hóa - xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo… có tác động đến quá trình lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ của Đảng bộ xã trong xây dựng và phát triển địa phương.

+ Chương II: CHI BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ ĐĂK PNE TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975-1985): Làm rõ giai đoạn lịch sử năm 1975-1985. Trong đó, tập trung lãnh đạo Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, bước đầu xây dựng quê hương (1975 – 1980); Xã Đăk Pne tiếp tục lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, ổn định chính trị, thực hiện công cuộc xây dựng nông nghiệp nông thôn (1980-1985).

+ Chương III: XÃ ĐĂK PNE CỦNG CỐ TỔ CHỨC, TIẾP TỤC LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI (1985-2000): Làm rõ giai đoạn lịch sử năm 1985-2000. Trong đó, Xã Đăk Pne chia tách xã, củng cố tổ chức, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội (1985-1990). Chi bộ xã Đăk Pne tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, định canh, định cư, ổn định cuộc sống cho nhân dân (giai đoạn 1991-1995). Chi bộ xã Đăk Pne thực hiện công cuộc CNH-HĐH, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn (1996-2000).

+ Chương IV: ĐẢNG BỘ XÃ ĐĂK PNE ĐƯỢC THÀNH LẬP, THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI VÀ QUỐC PHÒNG AN NINH, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ (GIAI ĐOẠN 2000-2020). Làm rõ giai đoạn lịch sử năm 2000-2020. Trong đó, Đảng bộ xã Đăk Pne được thành lập, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện định canh, định cư, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo (2000-2005). Đảng bộ xã Đăk Pne tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo tính ổn định và bền vững; từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn (2005-2010).  Đảng bộ xã Đăk Pne tiếp tục chú trọng xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế văn hóa xã hội an ninh quốc phòng và hệ thống chính trị (2010-2015). Đảng bộ xã Đăk Pne xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, từng phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị (2015 - 2020). Đảng bộ xã Đăk Pne xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã nhiệm kỳ 2020-2025.

+ Phần Kết luận: Đã tóm tắt toàn bộ quá trình lãnh chỉ đạo của Đảng bộ xã Đăk Pne từ khi hình thành cho đến nay. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh chỉ đạo của Đảng bộ xã qua từng thời kỳ lịch sử, làm hành trang cho các thế hệ kế tiếp nghiên cứu, học tập và phát huy cũng như khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Trao tặng sách cho các đại biểu 

Tại Lễ công bố và phát hành sách Lịch sử Đảng bộ xã Đăk Pne giai đoạn (1975-2020), Ban Chấp hành Đảng bộ xã đề nghị HĐND, UBND, UBMTTQVN, các ngành đoàn thể xã; các chi bộ trực thuộc và đảng viên trong toàn xã tuyên truyền sâu rộng công trình sách cho toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân xã Đăk Pne trong và ngoài địa phương; xem đây là nguồn tài liệu quan trọng để đưa vào hoạt động chính trị, đưa vào chương trình giảng dạy lịch sử địa phương nhằm biểu thị sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cách mạng đi trước, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống yêu quê hương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.


Tác giả: Trần Đình Trung - Ban tuyên giáo Huyện ủy

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật