A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức sống mới trên vùng căn cứ địa cách mạng

Vào ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã anh hùng Đăk Kôi trong chuyến công tác với lãnh đạo các cấp. Đăk Kôi là địa phương nằm sâu về phía đông Bắc của tỉnh Kon Tum, cách Quốc lộ 24 khoảng 25 km về phía Bắc. Được xem là một trong những căn cứ địa vững chắc của tỉnh Kon Tum trong kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ cứu nước. Người dân Đăk Kôi chủ yếu dân tộc Xơ Đăng, trong đó người Xơ ĐRá chiếm 90%. Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, Đăk Kôi hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống ngày càng văn minh và tiến bộ để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người khi đến với Đăk Kôi với những địa danh lịch sử và các điểm du lịch đang dần được khai thác.

Tự hào về lịch sử

Di tích lịch sử cách mạng H16 là bí danh của huyện Kon Rẫy trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bia di tích lịch sử Cách mạng Khu căn cứ H16 được xây dựng dưới gốc cây xoài rừng cổ thụ tại thôn 4, làng Kon RLong. Theo tài liệu Lịch sử Đảng bộ huyện Kon Plông thời kỳ chưa chia tách huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông mới, tháng 8/1954, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự đảng, tỉnh Kon Tum được chia làm 6 khu nông thôn, mỗi khu tương đương một huyện và 1 thị xã. Cuối năm 1956 đầu năm 1957, tình hình địch - ta thay đổi. Để thuận lợi cho sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, Ban Cán sự đảng tỉnh Kon Tum chủ trương cắt một phần khu 3 giáp với khu 6 để thành lập khu 8; cắt một phần nam khu 2, thành lập khu 9. Sau đó, tỉnh nhập khu 1 với khu 6 thành H16, khu 2 với khu 9 thành H29.

Sau khi thành lập, nơi đây đã được xây dựng thành vùng căn cứ vững chắc để thực hiện phương châm “Giành dân và giữ dân, xây dựng vùng giải phóng”. Lịch sử Đảng bộ thị xã Kon Tum ghi nhận một trong số trận đánh nổi bật của H16 vào tháng 2/1973. “Trên đường số 5 giáp thị xã Kon Tum, lực lượng vũ trang H16 cùng đại đội 14 và trinh sát sư đoàn 10 đánh trả các cuộc lấn chiếm của địch”.

Ông U Hơn - Nguyên Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi tự hào “Ngày ấy gian khổ lắm, thiếu thốn mọi thứ, nhưng nhà nào cũng có người hăng hái đi bộ đội, vào du kích. Bộ đội với du kích địa phương thường phối hợp rất chặt chẽ với nhau. Lúc đánh địch thì xung phong, không sợ chết. Không chiến đấu thì tập trung làm rẫy trồng lúa, trồng bắp, trồng mì để lấy lương thực. Cuộc sống cơ cực với đạn bom cày xới, nhưng người dân vẫn một lòng thủy chung son sắt với cách mạng. Sau ngày giải phóng Miền Nam, người dân chung sức xây dựng quê hương”.

Ông U Hơn Nguyên Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi nói chuyện truyền thống tại di tích H16 với đoàn viên thanh niên.

Di tích Phân xưởng luyện gang - Quân giới khu V (gọi tắt là C13) nằm về phí tây của xã Đăk Kôi, gần làng KonRLong ngay sát suối đá. Đây là một vùng trũng, nằm lõm dưới khe suối, có mặt bằng rộng chừng 30m ngang và dài chừng 10m. Bao quanh khu vực này là những vách núi rừng đứng, nhiều cây lô ồ và le.

 

                          Mô hình phân xưởng luyện gang

Theo lý lịch C13 được thực hiện theo Chỉ thị của Bộ Chính trị (1-1961) và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương (2- 1961), khu ủy khu 5 chủ trương “đẩy mạnh tiến công địch về chính trị và quân sự phá kìm kẹp ở đồng bằng”. Ngày 27 tháng 7 năm 1961, Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5. Cơ quan quân khu có 3 phòng: Tham mưu, Chính trị, Hậu cận. Ban quân giới trực thuộc Phòng Hậu cần cũng được thành lập.  Đồng chí Trần Kiên khi đó làm Chủ nhiệm Hậu cần đã đề nghị với Khu ủy khu 5 cho thành lập Xưởng sản xuất vũ khí ở Kon Tum. Nghiên cứu luyện gang tại căn cứ H16 để sản xuất lựu đạn, mìn đánh địch. Tháng 2 năm 1962, Quân khu đã thành lập “phân xưởng luyện gang lấy phiên hiệu là C13 trực thuộc Ban Quân giới Phòng Hậu cần Quân khu”.

Ông ABRễ- công nhân của Phân xưởng luyện gang đang sinh sống tại thôn 4- xã Đăk Kôi cho biết “xưa kia gia đình ông có riêng một lò rèn, nên ông là một thanh niên rèn rất giỏi, do đó nên được cán bộ cách mạng đưa vào làm công nhân Phân xưởng luyện gang”. 

Thác Kôi Tó điểm đến tương lai của du lịch Kon Rẫy

Mảnh đất và con người nơi đây đã ghi dấu biết bao chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với căn cứ Huyện ủy H16, di tích phân xưởng luyện gang – Quân giới khu V. Cùng với Đảng bộ và nhân dân H16 nói chung, năm 1994, xã Đăk Kôi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và anh hùng U Rê. Ngày nay, Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Huyện ủy H16 nằm giữa Trung tâm xã Đăk Kôi như một lời vang vọng từ quá khứ hào hùng, nhắc nhở cho thế hệ con cháu về một thời oanh liệt trên chính mảnh đất quê hương mình.

Các đồng chí lãnh đạo khảo sát tại thác Kôi Tó

 Toàn cảnh thác Kôi Tó

Ngoài điểm các điểm đến về di tích lịch sử, Đăk Kôi còn được tạo hóa ban cho nhiều thắng cảnh thiên nhiên như: Thác Kôi Tó, Thác nước và suối nước nóng thôn 1. Từ trung tâm UBND xã du khách chỉ cần di chuyển thêm 5 km là đến đến thác Kôi Tó ngay cạnh làng Kon Trăng Nó. Vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ đã ưu ái giành cho mảnh đất anh hùng này. Với độ cao hơn 700m so với mực nước biển, xung quanh được bao bọc bởi màu xanh mát của những cánh rừng nguyên sinh. Đây là một điểm du lịch cuối tuần hay vào các ngày lễ, thác Kôi Tó lại đón rất nhiều lượt khách đến trải nghiệm và khám phá thiên nhiên nơi đây. 

Những thay đổi ở vùng quê cách mạng

Bà Y Vang thôn 9, xã Đăk Kôi là du kích xã, chứng kiến nhiều sự kiện chiến tranh và sự đổi thay trên vùng đất chiến khu xưa, trong bà luôn dâng lên niềm tự hào là người lính cụ Hồ. Dù hôm nay, dân làng vẫn còn những khó khăn, nhưng đồi sống khác xưa rất nhiều. Bà con đã có ý thức xây dựng nông thôn mới, biết chăm lo cho sự nghiệp giáo dục cho con cháu, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, các mê tin di đoan được xóa bỏ, đau ốm biết trạm y để khám và điều trị bệnh.

Đoàn đường vào trụ sở UBND xã Đăk Kôi

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi cho biết “hiện nay, mảnh đất cách mạng anh hùng Đăk Kôi đã thay da đổi thịt. Đến cuối năm 2022, xã Đăk Kôi giảm được 122 hộ nghèo, còn 285 hộ nghèo/836 hộ toàn xã, chiếm tỷ lệ 34,09%; thu nhập bình quân đầu người tính đến tháng 8/2023 đạt 36 triệu đồng/năm; xã đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới”. 

Ông Trương Hồng Doanh- Bí thư Đảng ủy xã Đăk Kôi cho biết thêm “Phát huy những chiến công lừng lẫy của quân và dân anh Hùng xã Đăk Kôi. Trong những năm qua Đảng ủy xã đã lãnh đạo chính quyền và Nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu, kinh tế- xã hội đã đề ra, đưa các chủ trường và giải pháp đúng đắn, hợp lòng dân, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống. Hệ thống chính trị ngày càng được cũng cố và kiện toàn. Công tác xây dựng Đảng- xây dựng chính quyền, Mặt trận – đoàn thể luôn được chú trong. Từ đầu năm 2023 đến nay kết nạp 6 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 187 đảng viên sinh hoạt tại 15 chi bộ.

Có thể thấy, Đảng bộ và dân nhân xã Đăk Kôi đã biết phát huy truyền thống của quê hương và những tiềm lợi thế của địa phương, để đưa xã đặc biệt khó khăn của huyện Kon Rẫy từng ngày thay da đổi thịt góp phần xây dựng huyện Kon Rẫy ngày càng phát triển bền vững./.


Tác giả: Lâm Hiền ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật