A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng viên giúp người dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Kon Rẫy xác định một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên phụ trách chi bộ, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ và người có uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng.

Quang cảnh thôn Trăng Nó Kon Blo, xã Đăk Kôi

Huyện Kon Rẫy có gần 67% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các xã vùng sâu trong huyện lao động sản xuất, cuộc sống của người dân còn nhiều hạn chế, khó khăn. Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” huyện Kon Rẫy triển khai thực hiện hiệu quả đã mang lại nhiều niềm vui cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của huyện.

Thôn Trăng Nó Kon Blo, xã Đăk Kôi có 120 hộ, tất cả người dân đều là dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Để giúp người dân trong thôn thay nếp nghĩ, đổi cách làm vươn lên trong lao động sản xuất, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, Chi bộ thôn Trăng Nó Kon Blo xác định 21 đảng viên phải đi đầu nêu gương.

Từ những mô hình phát triển kinh tế gia đình đạt kết quả tốt của đảng viên, như: sử dụng giống lúa mới, chăm sóc đúng kỹ thuật cho năng suất cao; thay thế cây sắn bằng cây cà phê, cao su… người dân trong thôn, nhất là 35 hộ thuộc diện nghèo học tập làm theo. 

Chị Y Xanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Kôi, đảng viên sinh hoạt tại thôn Trăng Nó Kon Blo cho biết, nhờ được các đảng viên cầm tay chỉ việc, tận tình hướng dẫn, những hộ thuộc diện nghèo khó nhất làng, như A Dĩa, A Thế, A Long… giờ đã tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Chị Y Xanh cho biết, các đảng viên thường xuyên xuống địa bàn để tuyên truyền việc phát triển kinh tế cũng như các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Chị hướng dẫn bà con thay đổi nhận thức cũng như ý thức trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với cuộc vận động àm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đăk Kôi là xã vùng sâu của huyện Kon Rẫy với tổng dân số gần 3.400 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tới 94%. Ông Trương Hồng Doanh, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Kôi cho biết, đến cuối năm 2022 xã còn tới 285 hộ nghèo chiếm tỷ lệ trên 34% hộ dân. Trước thực tế trên Đảng ủy xã quyết tâm đẩy mạnh Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Xác định vai trò nêu gương của đảng viên, Đảng ủy xã Đăk Kôi phân công nhiệm vụ cho 15 chi bộ và cụ thể tới 187 đảng viên của xã, trong đó đặc biệt chú trọng tới vai trò đầu tàu gương mẫu của những đảng viên người dân tộc thiểu số.

Ông Trương Hồng Doanh cho biết, tỷ lệ đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng bộ xã hiện chiếm rất là cao, với 156 đảng viên chiếm 83,42%. Các đảng viên ở đây luôn phát huy được tính tiền phong gương mẫu, triển khai cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong những năm qua, các đảng viên của các chi bộ nông thôn, đặc biệt là đảng viên người dân tộc thiểu số đã tổ chức tuyên truyền vận động bà con hưởng ứng tham gia tốt nhiều phong trào.

Lan tỏa Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” huyện Kon Rẫy đã cụ thể hóa nội dung cuộc vận động và có nhiều giải pháp triển khai thực hiện.

Cấp ủy viên về sinh hoạt tại Chi bộ thôn  Kon Jin Pen xã Đăk Tờ Re

Tại 43 thôn dân tộc thiểu số các đảng viên tập trung vận động, hướng dẫn hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo sử dụng hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay để phát triển kinh tế; chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất; thông tin về các loại giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp; vận động hộ dân tộc thiểu số cải tạo vườn tạp; tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dược liệu, phát triển nông nghiệp sạch…

Bà Đinh Thị Mỹ Hảo - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo, khẳng định cuộc vận động đã mang lại hiệu quả rõ nét trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương: “Người dân đã có nhiều thay đổi trong cách làm, trong áp dụng khoa học trong sản xuất cũng như chăn nuôi làm cho đời sống người dân ở vùng nông thôn ngày càng có đổi mới đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất, lồng nghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra những chuyển biến rất rõ nét và hiệu quả trên thực tế đấy là đời sống và cách nghĩ của người đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rất rõ nét. Toàn huyện đã xây dựng, nhân rộng 90 mô hình, với tổng kinh phí thực hiện các mô hình khoảng gần 4 tỷ đồng, trong đó, hộ dân đóng góp trên 400 triệu đồng. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện đã xây dựng mô hình mẫu của huyện mô hình Nhà vườn kiểu mẫu của hộ đồng bào DTTS tại thôn 4 - xã Đăk Tơ Lung”.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã từng bước tác động đến nhận thức của người dân, mang lại hiệu quả thiết thực. Có trên 30% hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 100% hộ gia đình đồng bào DTTS đã được tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động. gần 50% hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; 9,31% hộ ĐBDTTS nghèo, cận nghèo tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua gần 3 năm triển khai các ngành, địa phương đã giúp cho trên 900 hộ DTTS vươn lên thoát nghèo.


Tác giả: Lâm Hiền ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật