A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giám sát công tác bảo tồn, phục hồi giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống

Từ ngày 14-16/6/2023, Đoàn giám sát Ban dân tộc HĐND huyện đã tổ chức giám sát việc bảo tồn, phục hồi giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ năm 2021- 2022 trên địa bàn huyện.

Đoàn giám sát HĐND huyện làm việc tại xã Đăk Kôi

Tham gia làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Thị Hồng Thu – HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo các phòng, ban ngành có liên quan của huyện.

Hiện nay, toàn huyện Kon Rẫy có 36 nhà Rông tại 39 thôn làng DTTS. Hầu hết các nhà Rông trên địa bàn huyện được xây dựng theo bản sắc văn hóa nhà Rông đặc trưng của dân tộc và của từng làng. Các nhà Rông làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có, tại chỗ như gỗ, tranh, tre, nứa, lá... để xây dựng nhà Rông đảm bảo kiến trúc truyền thống của dân tộc. Việc quản lý, khai thác, sử dụng nhà Rông và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại nhà Rông trên địa bàn huyện hầu hết được thực hiện theo nguyên tắc tự quản, phù hợp với phong tục tập quán, hương ước, quy ước của từng làng, không trái với pháp luật. Bên cạnh đó, với vai trò là một thiết chế văn hóa theo các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và theo hương ước, quy ước của làng, việc sử dụng nhà Rông trên địa bàn huyện nhìn chung luôn đảm bảo phù hợp với yếu tố truyền thống dân tộc mình, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa mới, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời đảm bảo các quy định của chính quyền các cấp về thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, làng. Nhà Rông là nơi tổ chức lễ hội cổ truyền của địa phương, các hoạt động tín ngưỡng dân gian, các hoạt động hội họp, sinh hoạt, tiếp khách đến làm việc...; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị - xã hội theo quy định.

Thời gian qua, huyện đã thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà Rông với nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí gần 300 triệu đồng; các địa phương như xã Đăk Tờ Re, Đăk PNe. Đăk Tơ Lung và xã Đăk Kôi… đã linh hoạt thực hiện hỗ trợ bà con với định mức xây mới 70 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Huyện đã vận động các già làng, các nghệ nhân cao tuổi tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống tại nhà Rông như: dạy các nghề truyền thống (đan lát, tạc tượng, làm gốm, làm rượu cần...), hát kể trường ca, dạy đánh cồng, chiêng, múa xoang, đàn, hát dân ca… nhằm lưu truyền cho thế hệ sau, đồng thời nâng cao lòng tự tôn của dân tộc. Qua quá trình xây dựng, tại các xã, thị trấn đều có đội văn nghệ văn nghệ cấp mình; trong các làng đồng bào DTTS đều có đội nghệ nhân của làng (cồng chiêng, múa xoang). Toàn huyện có 16 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực được Nhà nước công nhận nghệ nhân ưu tú; Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa gắn liền với nhà Rông các dân tộc huyện Kon Rẫy. 

Mặt khác, huyện cũng đã đẩy mạnh vận động đồng bào khôi phục, duy trì những lễ, hội cộng đồng; những sinh hoạt văn hóa truyền thống có giá trị, mang tính nhân văn tại nhà Rông, như: Lễ hội đâm trâu, Lễ hội ăn lúa mới, Lễ hội ăn con dúi (lễ Et Đông), Lễ hội bắn trâu bằng ná, Lễ cúng máng nước.

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn có một số nhà Rông trong quá trình xây dựng có sử dụng vật liệu bê tông cốt thép hoặc có sự pha trộn giữa các yếu tố truyền thống và hiện đạ; Công tác xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực khác để xây dựng nhà Rông còn khó khăn; một số nhà Rông đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng thiếu kinh phí để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện Kon Rẫy, Đoàn giám sát HĐND huyện yêu cầu các cơ quan đơn vị có liên tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về bảo tồn văn hóa, nhà Rông truyền thống.Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hoá nhà Rông truyền thống các DTTS gắn với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Triển khai công tác xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng, sửa chữa nhà Rông. Tăng cường trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng, sửa chữa nhà Rông. Gắn việc vận động xây dựng, quản lý hoạt động nhà Rông truyền thống với công tác vận động Khu dân cư văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện. Tiếp tuc thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò, uy tín của già làng, người đứng đầu tại các thôn, làng, nhất là trong nghi lễ tổ chức các hoạt động truyền thống tại nhà Rông nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc của thiết chế văn hóa này. Phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ công tác bảo tồn nhà Rông truyền thống các DTTS tại chỗ (tre, nứa, cỏ tranh, dây mây...) gắn liền với công tác bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững đáp ứng nhu cầu cho việc sửa chữa nhà Rông khi bị xuống cấp, hư hỏng.

Đoàn giám sát HĐND huyện làm việc tại xã Đăk Tơ Lung

Trước đó đoàn Giám sát đã đi kiểm tra thực tế và làm việc tại xã Đăk Tờ Lung; Đăk Tờ Re và Đăk Kôi về công tác bảo tồn, phục hồi giá trị văn hóa nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số.

 


Tác giả: Lâm Hiền – Hữu Huy (Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật