A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy: Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số

Chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhưng là sự phát triển đột phá, bởi nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Chính vì vậy, UBND huyện Kon Rẫy ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.

Đến nay, Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh triển khai đến 100% các đơn vị phòng, ban và UBND cấp xã của huyện, với 321 tài khoản hộp thư điện tử được cấp cho các tổ chức, cá nhân, nhằm phục vụ trao đổi thông tin công việc và gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, 100% tổ chức, cá nhân là cán bộ lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện được cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) đảm bảo theo đúng quy định.

Việc xử lý văn bản điện tử trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành Ioffice trong hoạt động của các đơn vị, địa phương của huyện tiếp tục được duy trì thực hiện thường xuyên, nên đến nay, cơ bản thay thế cho phương thức xử lý văn bản giấy trước đây, góp phần tiết kiệm chi phí hành chính, lại chính xác, nhanh chóng hơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện tiếp nhận xử lý 7.994 văn bản đến và ban hành 2.199 văn bản đi các loại hoàn toàn điện tử.

Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện có TTHC đều thành thạo và thực hiện cập nhật xử lý các bước trong giải quyết TTHC trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Tính  đến ngày 12/6/2023, toàn huyện tiếp nhận 2.215 hồ sơ TTHC và giải quyết 2.180 hồ sơ  TTHC, còn 35 hồ sơ trong hạn đang giải quyết. Hồ sơ phát sinh trực tuyến đạt  73,95% và giải quyết đúng hạn đạt 99,59%.

Ngành Điện lực huyện Kon Rẫy hướng dẫn người dân cài đặt APP. Ảnh: T.V.P

Đồng thời, 100% các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện và UBND cấp xã thực hiện báo cáo định kỳ trên Hệ thống Báo cáo của Văn phòng Chính phủ và của tỉnh đảm bảo theo quy định. Qua đó, thời gian tổng hợp, gửi số liệu báo cáo của các đơn vị, địa phương được nhanh chóng, chính xác hơn và trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của CBCCVC ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ huyện đến cơ sở triển khai phần mềm Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. 

Việc sử dụng phần mềm Kế toán hành chính sự nghiệp MISA.Mimosa.NET và phần mềm quản lý tài sản trong công tác kế toán nội bộ cơ quan đảm bảo kết nối trực tiếp Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước để thực hiện giao dịch điện tử. Đồng thời, triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC và cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành thông tin về kinh tế-xã hội nhanh chóng, hiệu quả. 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT. Hệ thống phần mềm Hồ sơ sức khỏe cá nhân được áp dụng đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện.

Trang Thông tin điện tử huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là kênh thông tin chính thống của UBND huyện trên Internet, qua đó tập hợp, truyền tải và trao đổi thông tin trên các lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền; là phương tiện để các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện cung cấp thông tin, hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho người dân. Đồng thời, là địa chỉ tin cậy để người dân tìm kiếm những thông tin dễ dàng, thuận lợi. Phần mềm quản lý văn bản VNPT Ioffice đã giảm thiểu về thời gian, chi phí trong cải cách hành chính và thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, dữ liệu. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, tổ chức các lớp tập huấn cho CBCCVC nhằm sử dụng hiệu quả và linh hoạt phần mềm quản lý văn bản.

Để việc ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số huyện đề nghị, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn chuyên sâu về chuyển đổi số, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ phụ trách CNTT để triển khai chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới’; các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền rộng rãi các nền tảng CNTT được triển khai để người dân biết, hưởng ứng và tích cực sử dụng; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tăng cường việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân và hỗ trợ máy tính, điểm truy cập Internet công cộng, Hệ thống mạng Wi-fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư để người dân tiếp cận dịch vụ số. Có như vậy, việc ứng dụng CNTT trong chuyển đổi số trên địa bàn huyện mới thực hiện nhanh chóng và rộng rãi.

Trần Văn Phúc


Nguồn:baokontum.com.vn Sao chép liên kết

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật