A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Trong thời gian qua, nhiều cuộc vân động, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tiến hành. Tuy nhiên, kết quả thực sự nổi bật và có sự thay đổi tích cực kể từ tháng 4/2021 khi cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Quan cảnh sơ kết cuộc vận động

Sau 3 năm thực hiện Cuộc vận đông, đến nay đa số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm; bỏ dần những hủ tục không còn phù hợp với đời sống hiện nay, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước; tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có được kết quả như vậy, cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở, BCĐ cuộc vận động và toàn hệ thống chính trị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thiết thực sát với tình hình thực tế tại địa phương, cơ sở để triển khai thực hiện..

Đồng chí Đinh Thị Mỹ Hảo – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: tập trung tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Gắn với việc thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia và các cuộc vận động, phong trào thi đua khác do các cấp, ngành phát động như chương trình: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, xóa đói giảm nghèo bền vững.                                      

Trong 03 năm qua, đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép hội họp, sinh hoạt 500 buổi, thu hút hơn 29.000 lượt người tham dự. Bên cạnh đó công tác đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được triển khai đồng bộ. Đã có 176 tin, 53 bài và 25 chuyên mục phát trên sóng Truyền thanh, đăng trên Trang thông tin điện tử và hàng chục lượt xe tuyên truyền lưu động, hằng trăm câu khẩu hiệu để tuyên tuyền. Ngoài ra Mặt trận và các tổ chức thành viên Mặt trận triển khai nhiều tin, bài tuyên truyền gắn với hoạt động của ngành trên các phương tiện truyền thông, trang cộng đồng Facebook, zalo của ngành mình.

Anh A Teo ở thôn 1, xã Đăk Pne cuối năm năm 2023 thu gần 200 triệu đồng nhờ kết quả thực hiện chủ trương thay đổi các loại cây hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, 01 ha cà phê cho thu hoạch; hơn 0,2 ha bời lời anh thay thế trồng lại mắc ca, sầu riêng và dứa thơm với phương châm lấy ngắn nuôi dài; 2 ha mỳ cao sản; 0,2 ha lúa nước cấy 2 vụ đủ lương thực cho cả năm. Anh Teo chia sẻ: Sau khi được cán bộ hướng dẫn, tôi đã làm theo, tôi thay đổi các loại cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình.

Bà Y Thanh - Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đăk Kôi cho biết: Các chi hội đã triển khai cho các hội viên, nên 90% chị em đã áp dụng trồng các giống lúa cho năng suất sản lượng cao thay thế các loại giống địa phương kém hiệu quả. 80% chị em đã biết chi tiêu hợp lý và tham gia hoạt động tổng dọn vệ sinh môi trường….vv.

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình điểm xây dựng từ những năm trước, hiện nay huyện xây dựng mới mô hình “Tăng gia sản xuất” tại xã Đăk Ruồng, mô hình như: “Xanh-sạch-đẹp” tại xã Tân Lập, “Trồng thơm không gai” tại xã Đăk Pne, “Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước, không tin, không nghe lời kẻ xấu” tại xã Đăk Ruồng, “Khu dân cư xanh - sạch - đẹp” tại xã Đăk Tơ Lung, “Tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong việc hỏi, việc cưới” tại xã Đăk Kôi, “Thôn, làng đảm bảo, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội” tại xã Đăk Tờ Re; “Giảm uống rượu bia, tăng cường lao động” tại thị trấn Đăk Rve. 

Đặc biệt Cuộc vận động gắn với Chỉ thị số 13  của Tỉnh ủy về “tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”. Nhờ vậy đến nay, trên địa bàn huyện đã xóa được các hủ tục, phong tục như: Tập tục lạc hậu trong ốm đau, trong đám cưới, đám ma, nếp sống, nếp nghĩ, sinh hoạt không văn minh, thầy mo thầy cúng và chăn nuôi gia súc, gia cầm làm chuồng trại gần nhà.

Quá trình triển khai Cuộc vận động, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Điển hình như các mô hình có thu nhập 200 triệu đồng/ năm như mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của ông A Phai – Đăk Tơ Lung; mô hình trồng cây ca phê xem mắc ca của anh A Châm, xã Đăk Ruồng; Mô hình nuôi heo đen và trồng tiêu cà phê của hộ gia gia đình bà Hồ Thị Xuân ở thị trấn Đăk RVe; Bên cạnh đó, có các mô hình tập thể: mô hình đường hoa xanh sạch đẹp ở thôn thôn Kon Ji Pen xã Đăk Tờ Re; “Nuôi gà thả vườn” của Hội LHPN thị trấn; “Vận động Nhân dân làm chổi đót” xã Đăk Tơ Lung; “Cải tạo vườn tạp” xã Đăk Kôi; “Sinh hoạt văn hóa Du lịch cộng đồng” xã Tân Lập; “Trồng nấm bào ngư xám”,“Tiết kiệm nuôi heo đất - san sẻ yêu thương”, “Hướng dẫn Nhân dân trồng, chăm sóc lúa nước”; Mô hình vệ sinh môi trường, Mô hình “Khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường”…vv.

Qua 3 năm triển khai đã giúp cho 1.616 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, 595 hộ dân tộc thiểu số thoát cận nghèo; Có 1.570 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Có 1.014 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 597 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; 389 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện chỉ còn 747 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, chiếm tỷ lệ 15,03% số hộ dân tộc thiểu số toàn huyện; 760 hộ dân tộc thiểu số cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,03% số hộ dân tộc thiểu số  toàn huyện. Có 05 thôn, làng đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí thôn, làng xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó đã góp phần vào nâng cao thu nhập trên địa bàn huyện đạt trên 38 triệu đồng/ người/ năm.

Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại một số ít phong tục, hủ tục không còn phù hợp vẫn còn tồn tại, chưa được xóa bỏ triệt để như: Hủ tục “Cúng ốm đau và khẩn cầu thần linh”; Phong tục “Thả rông gia súc, gia cầm” ;“Sinh đẻ tại nhà” ;“Ngủ đầm”. Một bộ phận nhỏ đồng bào DTTS còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế.


Tác giả: Lâm Hiền - Hữu Huy ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật