A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân thời công nghệ số

Thăm khu vực sản xuất, canh tác của một số hội viên nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà, tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự nhanh nhạy của họ trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT), công nghệ số vào sản xuất.

Khác hẳn với cảnh chân lấm, tay bùn như trước đây, giờ đây nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà đã thay đổi tư duy, đẩy mạnh việc áp dụng KHKT, công nghệ số vào sản xuất. Qua đó, các hộ phát triển nhanh về kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng bằng trí tuệ và sức lao động của mình.

Tại thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọk, tôi bất ngờ trước dàn máy bay không người lái của ông Nguyễn Duy Thiếm. Ông là một trong những nông dân tiên phong trên địa bàn huyện áp dụng công nghệ phun tưới thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống máy bay không người lái.

Nông dân thị trấn Đăk Hà áp dụng KHKT phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá Koi. Ảnh: T.T

Theo ông Thiếm, công nghệ này tích hợp nhiều chức năng hiện đại, có thể điều chỉnh chế độ phun tự động cho nhiều loại cây trồng. Với nhiều ưu thế vượt trội so với phương thức phun tưới truyền thống, trung bình trên 1ha cây trồng, ông chỉ mất thời gian phun thuốc khoảng 30 phút, cắt giảm được chi phí nhân công phun thủ công. Bên cạnh đó, ông giảm được 30% thuốc và 90% nước sử dụng.

Chỉ tay về phía vườn của mình, ông Nguyễn Duy Thiếm niềm nở giới thiệu: “Máy bay đã được lập trình sẵn, nên chỉ lựa chọn được những điểm mình chọn để phun thuốc, tránh tình trạng phun dàn trải. Điều này giúp mình tiết kiệm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều. Đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường, vì lượng thuốc bảo vệ thực vật được phun ít hơn nhiều so với tiến hành thủ công. Chưa kể, qua việc phun thuốc bằng máy, góp phần bảo vệ sức khỏe của người lao động”.

Không riêng gì ông Thiếm, thời gian qua, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện chủ động tìm tòi, nghiên cứu để đầu tư ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ số vào sản xuất. Việc làm này đã trở thành phong trào có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả tích cực cho hội viên, nông dân.

Những cây sầu riêng trồng tập trung được nông dân áp dụng KHKT chăm sóc tươi tốt. Ảnh: T.T

Nhờ phát huy lợi thế về đất đai và kinh nghiệm, người nông dân đã chủ động tiếp cận, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ để đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Qua đó, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đất, góp phần đa dạng các mặt hàng nông sản theo hướng hàng hóa giá trị kinh tế cao, bền vững.

Đến với xã Đăk Hring, tôi có dịp gặp gỡ ông ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Tân Lập A. Hiện đang vào mùa sầu riêng, ông Thanh vui vẻ đưa tôi đi thăm vườn. Vừa đi, ông Thanh thân mật trò chuyện: “Năm 2017, tôi bắt đầu thử nghiệm trồng sầu riêng Thái với số lượng khoảng 50 cây. Sau một năm trồng, nhận thấy cây sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, năm 2018, tôi quyết định cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang sầu riêng. Đến nay, tôi đã có gần 2.000 cây sầu riêng trên diện tích hơn 13ha với các giống khác nhau như: Ri 6, Musang King, sầu riêng Thái…”.

Quyết tâm làm giàu từ cây ăn trái, ông Thanh không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng sầu riêng hiệu quả ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ đó, ông rút ra kinh nghiệm về áp dụng trên vườn sầu riêng của mình. Trong quá trình chăm sóc vườn sầu riêng, ông Thanh luôn ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất canh tác. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật canh tác hiệu quả, năm 2022 vườn sầu riêng của ông Thanh đã cho thu hoạch quả. Bình quân mỗi năm, ông Thanh thu hàng tỉ đồng từ vườn sầu riêng của mình.

Là một người nông dân, ông Thanh hiểu rất rõ những khó khăn mà nông dân phải đương đầu. Trong đó, việc tìm đầu ra cho nông sản luôn là thách thức khó nhất. Sau nhiều đêm trăn trở và theo dõi thị trường, ông Thanh tìm hướng đi cho việc tiêu thụ nông sản thông qua việc thực hiện các thủ tục, đăng ký mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, diện tích sầu riêng của ông được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu quả sang Trung Quốc.

Đến gần một cây sầu riêng đang trĩu quả, ông Thanh lấy ví dụ từ thực tế để tôi dễ hình dung: “Quá trình chăm sóc vườn cây có mã số, quả đạt đủ tiêu chuẩn mới xuất khẩu, bởi Trung Quốc yêu cầu tương đối nghiêm ngặt. Quy trình chăm sóc phải có sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật. Đặc biệt, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây phải là của những đơn vị đạt đủ tiêu chuẩn, có chứng chỉ cung cấp thuốc và phân bón ra thị trường. Qua nhiều khâu như vậy, tôi mới có thể xuất khẩu sầu riêng được sang Trung Quốc được”.

Ở một phương diện khác, với phương châm hướng về cơ sở, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện vận động nông dân đẩy mạnh việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm và thực hiện các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, những mô hình kinh tế áp dụng KHKT, công nghệ số có đầu ra ổn định trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nông dân ứng dụng KHKT trong chăn nuôi phát triển kinh tế. Ảnh: T.T

Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trên địa bàn huyện Đăk Hà tạo nhiều chuyển biến quan trọng. Qua đó, khích lệ, động viên nông dân tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ, kiến thức để chủ động trong sản xuất kinh doanh, theo hướng bền vững. Đến nay, toàn huyện có trên 2.300 hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Trao đổi với chúng tôi, bà Y Hiền -  Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Hà tự hào: Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn nâng cao vai trò của mình, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt các chủ trương về phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững. Các cấp Hội đẩy mạnh việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp để hướng đến việc thành lập các hợp tác xã; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân, chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện. Qua đó, phát huy vai trò của hội viên nông dân trong việc chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Qua việc gặp gỡ, trò chuyện với những nông dân như ông Thiếm, ông Thanh…, tôi ngày càng hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trong của việc thay đổi tư duy, đẩy mạnh áp dụng KHKT, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Tất Thành


Nguồn:baokontum.com.vn Sao chép liên kết

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật