Đón tiếp chúng tôi trong một buổi chiều tà, bên hiên nhà, ông bà đang bầu bạn bên chiếc đàn T’rưng cùng đứa cháu ngoại. Hình ảnh đầu tiên ấn tượng với chúng tôi tại phòng khách là các nhạc cụ dân tộc và cả những vật dụng gia đình bằng tre nứa được làm bằng đôi bàn tay tài hoa của ông. Nào là đàn T’rưng, đàn Ting ning, trống, gùi, rổ, rá...
Nghệ nhân A Phương và vợ tập đàn T’rưng cho cháu ngoại
Sinh ra và lớn lên tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông). Cha của ông A Phương cũng là nghệ nhân dân gian, nên khi mới chỉ có 10 tuổi, ông đã có thể tự cảm âm, cảm nhịp theo các giai điệu của nhiều nhạc cụ truyền thống khác nhau của dân tộc mình. Đam mê âm nhạc nên ông thường xuyên đi theo và xem cha cùng các nghệ nhân khác biểu diễn khắp các lễ hội lớn, nhỏ của thôn, xã, huyện và tỉnh.
Đến tuổi “dựng vợ, gả chồng”, ông tình cờ gặp vợ mình là bà Y Ga tại một buổi biểu diễn cồng chiêng, múa xoang của tỉnh, khi cả hai cùng là nghệ nhân tham gia tại sự kiện. Ông bị cô giáo tiểu học hát hay, múa dẻo hút hồn, còn bà lại mê mẩn với đôi bàn tay tài hoa của ông. Cả hai đã nên vợ, nên chồng sau đó không lâu. Theo phong tục, ông theo bà về ở rể tại thôn Kon Slak 2, xã Đăk Ruồng. Rồi yêu người, mến đất, ông đã chọn quê vợ là quê hương thứ hai của mình.
Nói về việc nặng lòng với bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của chồng mình, bà hạnh phúc chia sẻ: Ông khéo tay, cần mẫn và tâm huyết khi chế tác các nhạc cụ dân tộc hay khi biểu diễn, truyền dạy các loại nhạc cụ dân tộc cho các cháu nhỏ. Những chiếc đàn được làm bằng tre, nứa được ông lên rừng kiếm cây, tự đo, tự cắt, tự phơi, tự cảm âm khi chế tác, mày mò cả ngày. Như chiếc trống này, mới được ông mua da bò về làm. Thân trống là một cây gỗ nguyên khối, ông đục rỗng ruột, choàng tấm da bò này lên. Kỳ công lắm, cả tháng trời mới xong. Ngày trước còn khỏe, ông chế tác nhiều, cung cấp cho làng gần, làng xa khi có nhu cầu.
Nghệ nhân Y Gar từng là giáo viên dạy song ngữ Ba Na -Tiếng Việt nhiều năm. Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục cống hiến cho nhiều phong trào giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Với vai trò đó, hơn ai hết, bà Y Gar hiểu rõ vai trò quan trọng của việc lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nên đã ra sức sưu tầm, giữ gìn và tuyên truyền vận động bà con làm theo.
Nghệ nhân ưu tú A Phương chia sẻ, với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, từ nhiều năm nay, tôi dành thời gian truyền dạy cách chơi đàn T’rưng và một số nhạc cụ truyền thống khác cho nhiều lớp học trò. Đến nay, cũng không nhớ là đã dạy được cho bao nhiêu người nữa. Ai muốn học thì tới tôi dạy, tôi chỉ.
Nghệ nhân ưu tú A Phương chỉnh âm đàn T'rưng
Ông luôn phát huy vai trò gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, nhất là tuyên truyền, vận động người dân trong thôn, bản giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nếp sống văn hóa mới, trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế và các quy định của pháp luật; vận động bà con trong thôn đoàn kết, xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn.
Với những đóng góp trong bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, năm 2022, nghệ nhân A Phương đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ông cũng được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Gần đây nhất, tại Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV (2024-2029), ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III (2019-2024).
Chị Y Nga – Trưởng thôn Kon Sờ Lạc 2 cho biết: “Bà Y Gar là Trưởng ban công tác mặt trận thôn gương mẫu, tận tụy, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Bà còn là một nghệ nhân đa tài, am hiểu nhiều nét văn hóa của dân tộc như ẩm thực, ca hát, dệt thổ cẩm. Với sự nhiệt tình của bà, dân làng càng thêm trân trọng và cố gắng gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Hiện tại, bà Y Gar đang ấp ủ nhiều dự định về phục dựng, truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Bà cũng mong có nhiều học trò là lớp trẻ có sự tâm huyết, đam mê để bà có thể truyền nghề. Ngoài ra, sự khích lệ và động viên của các ngành, các cấp cũng là động lực to lớn cho bà trên con đường bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian.
Ông Lê Văn Thái – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết, nghệ nhân ưu tú A Phương là người có uy tín trong cộng đồng. Ông rất tích cực trong các phong trào của địa phương, nhiệt huyết trong việc “truyền lửa” và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh; là người chồng, người cha, người ông gương mẫu trong gia đình.
Ở tuổi 67, nhiệt huyết, đam mê với nhạc cụ dân tộc và văn hóa truyền thống trong người con của đồng bào Xơ Đăng vẫn còn mãnh liệt lắm. Ngoài các nhạc cụ bằng tre nứa, nghệ nhân ưu tú A Phương đang ấp ủ kế hoạch chế tác ra một bộ cồng chiêng trong thời gian không xa.