Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3063/KH-UBND ngày 27/8/2021 triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xu hướng tất yếu của chuyển đổi số để phát triển bền vững; trong đó đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành Thư viện, nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu bạn đọc, phát huy giá trị tài liệu, tài nguyên thông tin trong thời kỳ mới.
Bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, ngành Thư viện tỉnh kịp thời triển khai nhiều giải pháp xây dựng và phát triển các nguồn tài nguyên thông tin số; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến như: tra cứu thông tin, tìm kiếm sách, mượn/trả tài liệu online; huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tạo thuận lợi cho chuyển đổi số.
Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống thư viện, tủ sách tại cơ sở. Ảnh: HT
Đến nay, hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh có 1 thư viện cấp tỉnh, 7/10 thư viện huyện, 51/102 thư viện xã. Ngoài ra, còn có 1 thư viện của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, 10 thư viện tủ sách của các đồn biên phòng, 1 thư viện Phân hiệu Đại học Đà Nẵng, 1 thư viện Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh và hệ thống thư viện của các trường học.
Hệ thống thư viện của tỉnh (chỉ tính riêng Thư viện tỉnh và thư viện cấp huyện) hiện có trên 271.500 bản sách; gần 12.500 cuốn báo, tạp chí đóng tập; scan được 324 cuốn sách địa chí Kon Tum. Ngoài ra được đầu tư phòng phục vụ Internet; trang bị máy chủ, máy truy cập cá nhân, máy scaner để số hóa tài liệu, phần mềm Ilib 6.5 để ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ thư viện, xây dựng fanpage trên nền tảng mạng xã hội; trang web riêng (https://thuvienkontum.vn/) được nâng cấp phần mềm, đường truyền internet, trung bình mỗi năm thu hút gần 1 triệu lượt truy cập.
Thư viện tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản trị thư viện điện tử tích hợp vào một số hoạt động như: Bổ sung- biên mục, Quản lý kho, Quản lý người sử dụng, Quản lý lưu thông, mục lục điện tử; cung cấp một số dịch vụ trực tuyến như: Truy cập Opac, Giới thiệu tài liệu; Hướng dẫn tra cứu tài liệu; Hướng dẫn thủ tục làm thẻ bạn đọc trên website.
Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiệu quả trong phục vụ bạn đọc, người dùng tra cứu, truy cập tài liệu ngày càng tăng.
Cụ thể, trong năm 2023, hệ thống thư viện các cấp trên địa bàn tỉnh phục vụ tổng số 142.708 lượt bạn đọc (tăng 66% so với năm 2022); tổng số lượt tài liệu đạt 224.322 lượt (tăng 65% so với năm 2022).
Tăng cường tập huấn về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện. Ảnh: H.T
Ông Vũ Việt Thắng- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi cho biết: Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, hệ thống thư viện trường học, chúng tôi tích cực cử cán bộ, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ, an toàn thông tin đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các lớp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thư viện, thông tin, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư; 100% các đơn vị, cơ sở được trang bị máy tính, thiết bị lưu trữ, truy cập tài liệu số nhằm phục vụ hiệu quả việc đọc, tra cứu, giảng dạy của giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Kim Phương- Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh, quá trình chuyển đổi số tại hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu, nguồn nhân lực; hệ thống máy móc, trang thiết bị cũ, cấu hình thấp, chưa đồng bộ; phần mềm quản lý thư viện hiện hành chỉ đáp ứng được việc ứng dụng công nghệ thông tin vào một số hoạt động nghiệp vụ, chưa đáp ứng được việc xử lý kỹ thuật tài liệu số.
Tại Kế hoạch số 3063/KH-UBND triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh ta đặt ra một số mục tiêu trọng tâm cần đạt được đến năm 2025 như: Có 80% tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do thư viện tỉnh sưu tầm, thu thập, quản lý được số hóa; 90% thư viện huyện, thành phố hoạt động hiệu quả, 50% thư viện công cộng cấp huyện có trang thông tin điện tử, trang bị phần mềm quản lý thư viện điện tử; 70% thư viện cơ sở giáo dục được trang bị phần mềm quản lý thư viện, có trang thông tin điện tử; 50% thư viện các lực lượng vũ trang nhân dân có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến.
Để đạt được các mục tiêu trên, trước mắt, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục huy động nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ hệ thống các thư viện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao năng lực hoạt động, từng bước hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho hệ thống các thư viện công cộng, thư viện trường học, thư viện thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường đào tạo đảm bảo về số lượng và chất lượng cán bộ, viên chức trong các thư viện cơ sở, thực hiện đào tạo lại đối với nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Hoàng Thanh