A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vang lại tiếng chiêng...

Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19,UBND tỉnh đã có kế hoạch tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

    

Già làng A Jring Đeng và các cháu ở Kon Brăp Ju

Chiều muộn ở Kon Brăp Ju thật bình yên.Nhà ở gần, nên chỉ vài bước chân, già  làng A Jring Đeng đã có thể đứng trước dáng vẻ uy nghi, bề thế của nếp nhà rông thân thuộc. Ông nghe như có tiếng chiêng ngân lên trong lòng…

Thấm thoát đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày Et Đông (Tết con dúi) được tổ chức trong niềm hân hoan, vui sướng của dân làng. Theo truyền thống, vào đầu tháng 10 dương lịch hàng năm, lễ hội truyền thống độc đáo và có quy mô lớn nhất này của đồng bào Ba Na nhánh Jơlâng lại được dân làng chung tay tổ chức; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cả làng mạnh khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn. Càng mang ý nghĩa hơn, khi năm 2020, làng được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tái hiện Et Đông theo nguyên gốc, để lập hồ sơ đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trình cấp thẩm quyền xét chọn.

Cũng như các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc của người Jơlâng ( một nhánh của dân tộc Ba Na) vùng Bắc Tây Nguyên,Tết Con dúi đầm ấm, tưng bừng không thể thiếu tiếng chiêng ngân vang và nhịp xoang quyến luyến. Năm 2020, mặc dù trong bối cảnh Covid-19 mấy đợt trở đi trở lại trên địa bàn cả nước, song đáng mừng là tranh thủ khoảng thời gian dịch bệnh tạm lắng xuống, làng nhỏ bên dòng Đăk PNe hiền hòa vẫn may mắn được tổ chức các sự kiện văn hóa mang nhiều ý nghĩa. Không riêng Tết Con dúi ấn tượng, mà vào dịp đón năm học mới 2020-2021,nơi đây cũng được quan tâm mở lớp dạy cồng chiêng cho các cháu thiếu nhi trong độ tuổi từ 10-14.Chỉ gói gọn trong hai tuần, song các nghệ nhân tận  tâm đã chỉ bảo cho bọn trẻ những kiến thức cơ bản và hướng dẫn các cháu tập quen những bài chiêng phổ biến của dân tộc.

 Tuy vậy, bước sang năm 2021, và nhất là gần 5 tháng kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát trên địa bàn cả nước đến nay thì mọi việc đã không còn bình thường, yên ổn. Tập trung cao độ cho công tác chủ động phòng,chống dịch bệnh, mọi hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người đều tạm ngừng. Điểm du lịch cộng đồng Kon BRăp Ju không khách phương xa ghé tới. Gia đình một nghệ nhân có bộ cồng chiêng quý được giữ kỹ trong kho lúa đã lâu, thỉnh thoảng lại được mang ra lau chùi, ngắm nghía...  

 Nhớ tiếng cồng chiêng âm vang, nhớ điệu xoang nhịp nhàng,vấn vít, nên già A Jring Đeng và bà con càng mong dịch bệnh chóng qua, cuộc sống trở lại bình thường như từng gắn bó.

Dạy cồng chiêng cho con em đồng bào địa phương 

“Sẽ đến ngày, vang lại tiếng chiêng. Già làng càng vui mừng và tin tưởng  hơn, khi được biết thông tin về kế hoạch tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số trong tỉnh sắp tới. Theo Kế hoạch số 2193 của UBND tỉnh, Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum sẽ được tổ chức ở 3 cấp: xã (phường, thị trấn), huyện (thành phố) và cấp tỉnh. Trong năm 2022, Hội thi cấp xã phường,thị trấn dự kiến được tổ chức trong quý 1, quý 2. Hội thi cấp huyện  được tổ chức vào quý 3 và hội thi cấp tỉnh dự kiến diễn ra trong tháng 11. Đáng chú ý, sau năm 2022, vào những năm tiếp theo, định kỳ hai năm một lần, hội thi lại được tổ chức.

Hội thi Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum sẽ xác thực thêm một sự kiện văn hóa truyền thống ý nghĩa, một sản phẩm du lịch đặc trưng trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh.Trong đó, sự kế thừa và phát huy những nét đẹp văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc anh em được thể hiện đậm nét qua các nội dung tại hội thi. Không chỉ tôn vinh giá trị của cồng chiêng bằng điểm nhấn diễn tấu các bài chiêng truyền thống gắn với nối rộng vòng xoang, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc truyền thống kết hợp hòa âm cồng chiêng, mà còn là dịp trình diễn các làn điệu dân ca, tái hiện các trích đoạn nghi lễ, lễ hội dân gian đặc sắc, tiêu biểu. Không những thế, một nội dung không thể thiếu liên quan đến nét đẹp văn hóa phi vật thể nhân loại đã được tôn vinh là thể hiện kỹ thuật, kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng của các nghệ nhân.

Có thể nhận thấy, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cùng với quyết tâm đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, nỗ lực phục hồi sau hiểm họa này đã được hướng tới với niềm hy vọng, tin tưởng đáng khích lệ.Trong đó, nối lại các hoạt động văn hóa nói chung,văn hóa truyền thống nói riêng luôn nằm trong mối quan tâm được chủ động chuẩn bị.  

Từ trước đến nay,các hoạt động văn hóa dân gian được quan tâm tổ chức, gắn với các hoạt động mang tính cộng đồng và các sự kiện văn hóa- xã hội do các cấp tiến hành.Với kế hoạch định kỳ hai năm một lần tổ chức Hội thi Cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum càng khẳng định quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nỗ lực tạo sân chơi lành mạnh, ý nghĩa cho đồng bào các dân tộc trong quá trình phát triển.

Già A Jring Đeng và bà con làng Kon Brăp Ju nóng lòng mong chờ những ngày hội ấy sớm trở lại… 

 

                                                           


Tác giả: Bài, ảnh: Thanh Như

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật