A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc

Nghệ nhân ưu tú A Phương (65 tuổi) ở thôn 12 (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) không chỉ đánh đàn t’rưng hay mà còn biết chơi và chế tác được nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình, ông luôn nỗ lực truyền dạy âm nhạc cho thế hệ trẻ trong làng.

Buổi sáng cuối tuần đẹp trời, chúng tôi có dịp đến thăm nhà nghệ nhân ưu tú A Phương. Đưa chúng tôi tham quan căn phòng khách ấm cúng, nơi bày biện đủ loại đàn, vật dụng bằng tre nứa như đàn t’rưng, ting ning, kơni, cung, nỏ, nghệ nhân ưu tú A Phương giới thiệu toàn bộ nhạc cụ này đều do ông tự làm. Ông say sưa kể về cấu tạo của các nhạc cụ cũng như cái duyên đưa ông đến với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Trong đó, đặc biệt là đàn t’rưng, đã gắn bó và trở thành niềm đam mê nhất với ông.

Nghệ nhân ưu tú A Phương là người Xơ Đăng, sinh ra và lớn lên tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông). Đây là vùng đất lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ truyền, có nhiều nghệ nhân giỏi, nắm giữ nhiều tri thức văn hóa dân gian, âm nhạc truyền thống. Chính sự đa dạng đó đã cho ông có cơ hội tiếp xúc và học hỏi âm nhạc từ nhỏ.

 

 

 

Mỗi khi rảnh rỗi, nghệ nhân A Phương lại dành thời gian để chế tác và nghiên cứu đàn t’rưng. Ảnh: H.T

Nhờ tiếp xúc sớm, khi lên 10 tuổi, nghệ nhân A Phương đã có thể tự cảm âm, cảm nhịp theo các giai điệu của nhiều nhạc cụ truyền thống khác nhau của dân tộc mình. Ông thường xuyên đi theo và xem cha cùng các nghệ nhân khác biểu diễn khắp các lễ hội lớn nhỏ. Tối đến, khi bà con dân làng quây quần bên bếp lửa nhà rông sinh hoạt, trong cuộc vui hòa tấu giao lưu của nhiều nhạc cụ, ông được các nghệ nhân chỉ dạy và cho thực hành theo. Cứ thế và cùng với sự ham học hỏi, chẳng mấy chốc mà ông am hiểu và thạo gần hết các loại nhạc cụ bằng tre, nứa của dân tộc mình. Trong đó, đàn t’rưng là nhạc cụ được ông đặc biệt yêu thích và chơi thành thạo nhất.

Khi lập gia đình riêng, nghệ nhân A Phương chuyển về sinh sống và lập nghiệp tại thôn 12, xã Đăk Ruồng. Tại đây, dù bận rộn với công việc nhưng ông luôn dành thời gian với t’rưng mỗi ngày. Lúc rảnh rỗi ông vào rừng tìm tre nứa để làm t’rưng và một số nhạc cụ truyền thống khác. Cả làng bấy giờ chỉ có mình ông là biết chơi và thạo t’rưng. Mỗi sáng cũng như tối đến, tiếng đàn t’rưng của ông lại vang lên những giai điệu vui tươi. Nghe mãi thành quen, hôm nào không nghe tiếng đàn của ông, bà con trong làng lại thấy trống trải, thiếu vắng.

 

Nghệ nhân A Phương biết chơi và chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Ảnh: H.T

Tài năng âm nhạc và nhất là khả năng chơi điêu luyện đàn t’rưng của nghệ nhân A Phương nhanh chóng lan truyền khắp vùng. Ông được địa phương mời về làm phát thanh viên tiếng DTTS của đài truyền thanh xã; đồng thời tham gia dàn dựng và tập luyện cho các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Tiếng đàn t’rưng của ông cùng những nhạc cụ khác hòa tấu nên những bản nhạc độc đáo, âm vang và đạt được nhiều giải thưởng trong các hội thi.

Theo nghệ nhân A Phương, đàn t’rưng có cấu tạo đơn giản với những ống nứa nhỏ, to, ngắn, dài kết với nhau để tạo thành thang âm đặc trưng của mỗi dân tộc. Với đặc trưng về thanh âm, đàn t’rưng của mỗi dân tộc cũng sẽ khác nhau về số lượng ống nứa. Theo ông, người vùng Kon Tum thường chế tác các cây đàn từ 10 - 12 ống, tương ứng với số lượng nốt; ống ngắn phát ra âm thanh bổng, ống dài là những nốt trầm hơn.

Nghệ nhân A Phương tâm sự: “Mình yêu thích đàn t’rưng bởi âm thanh mộc mạc, tự nhiên, mỗi lần nghe có cảm giác như đang hòa mình vào núi, sông, cảm thấy mát mẻ và trong lành. Khi được cha và những nghệ nhân già trong làng truyền cảm hứng thì càng say mê”.

Cùng với những nhạc cụ khác, tiếng đàn t’rưng của nghệ nhân A Phương là thứ không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội, ngày vui của dân làng. Tiếng đàn của ông tạo ra luôn thu hút niềm đam mê của các thanh niên trong làng, nhiều người tìm đến xin học và được ông nhận làm học trò. Đến nay, đã có nhiều lớp học trò được nghệ nhân A Phương truyền dạy cách chơi t’rưng và một số nhạc cụ truyền thống khác. Dù cuộc sống bộn bề, việc tập luyện không duy trì được thường xuyên nhưng mỗi dịp lễ hội, khi nghệ nhân A Phương tập hợp thì đều đông đủ đội hình để luyện tập và đi biểu diễn.

Nghệ nhân A Phương chia sẻ: “Cứ mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại tập trung lớp trẻ trong làng đến nhà rông hoặc về nhà mình để tập luyện, tạo môi trường cho các em giao lưu. Qua các bài tập, các em nhỏ trân trọng, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống”.

 

 

Nghệ nhân A Phương (trái) cùng vợ biểu diễn tiết mục hát cùng t’rưng trong một sự kiện lớn của địa phương. Ảnh: H.T

Hiện nay, dù đã lớn tuổi và không còn nhanh nhẹn nhưng nghệ nhân A Phương vẫn thường vào rừng để lấy nứa về làm đàn. Điều đặc biệt, vợ và con cháu trong gia đình ông ai cũng đam mê nghệ thuật và thường xuyên tập luyện để tham gia các phong trào, lễ hội văn hóa tại địa phương.

Bà Y Gar (64 tuổi) là vợ nghệ nhân A Phương, thạo múa xoang, hát dân ca và thường xuyên đi biểu diễn cùng ông ở nhiều lễ hội chia sẻ: “Với sự động viên, khích lệ của ông A Phương, tôi rất thích đi biểu diễn trong các dịp lễ hội, thường kết hợp cùng ông trong các tiết mục hát dân ca, múa hát truyền thống cùng đàn t’rưng và đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi”.

Chị Y Nga – Trưởng thôn 12 cho biết: Ngoài việc giỏi chơi và chế tác các nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân A Phương còn góp phần vận động dân làng gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc, tích cực “truyền lửa” đam mê nhạc cụ truyền thống cho thế hệ trẻ trong làng.

Từ những cống hiến của mình, nghệ nhân A Phương vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn văn hóa dân gian. Giờ đây, dù không thể thường xuyên chơi và chế tác được các nhạc cụ như khi còn trẻ, nghệ nhân A Phương vẫn đau đáu một nỗi niềm đó là làm sao để giữ được âm vang của t’rưng, các giai điệu của t’rưng được thế hệ trẻ diễn tấu hay và đúng, không bị mai một bởi những nhạc cụ hiện đại.

Tiễn chúng tôi ra về, nghệ nhân A Phương hẹn chúng tôi quay lại vào một ngày không xa, khi trong làng có lễ hội để được nghe tiếng đàn t’rưng của ông biểu diễn. Qua những câu chuyện kể của ông về đàn t’rưng và các nhạc cụ truyền thống, chúng tôi thấy rõ niềm đam mê và những tâm huyết mà ông dành cho loại nhạc cụ này.

“Cuộc sống ngày càng hiện đại nên giới trẻ không còn mặn mà và chú tâm nhiều đến nhạc cụ truyền thống nữa. Nhưng tôi sẽ cố gắng khuyên nhủ và sẵn sàng  truyền lại cho lớp trẻ trong làng những gì mình hiểu để cùng gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc” - nghệ nhân A Phương bày tỏ.

Hoàng Thanh


Nguồn:baokontum.com.vn Sao chép liên kết

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật