A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ nhân nặng lòng với văn hóa dân gian

Người dân thôn Kon Sờ Lạc 2 (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) yêu quý và kính trọng nghệ nhân Y Gar (64 tuổi) bởi bà không chỉ là một người có uy tín tại địa phương mà còn rất tâm huyết trong gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na (nhánh Jơ Lâng).

Chúng tôi về thăm thôn Kon Sờ Lạc 2 vào một chiều cuối tuần. Bộ mặt nông thôn mới tại đây đã thay đổi đáng kể. Những con đường bê tông sạch đẹp chạy qua các ngôi nhà trong làng. Do đã có hẹn từ trước, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Y Gar và được bà đón tiếp trong không khí đầm ấm, vui vẻ. Bà Y Gar trông trẻ hơn so với tuổi, giọng nói trong trẻo, thánh thót, hút người nghe vào từng câu chuyện kể.

Nghệ nhân Y Gar từng là giáo viên dạy song ngữ Ba Na -Tiếng Việt nhiều năm. Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục cống hiến cho nhiều phong trào giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Với vai trò đó, hơn ai hết, bà Y Gar hiểu rõ vai trò quan trọng của việc lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nên đã ra sức sưu tầm, giữ gìn và tuyên truyền vận động bà con làm theo.

Nghệ nhân Y Gar giới thiệu hoa văn thổ cẩm truyền thống. Ảnh: H.T

Nghệ nhân Y Gar dẫn chúng tôi vào phòng khách và mời chiêm ngưỡng một số nhạc cụ, vật dụng dân gian do bà sưu tầm được. Mang ra chiếc váy áo thổ cẩm của người Ba Na, bà nhiệt tình giới thiệu tỉ mỉ cho chúng tôi từng đường nét, hoa văn đặc sắc, qua đó, làm nổi bật lên màu đen chủ đạo của bộ trang phục.

Theo bà Y Gar, bên cạnh những nét tương đồng, văn hóa truyền thống, người Ba Na nhánh Jơ Lâng vẫn có nhiều điểm khác so với người Ba Na nói chung. Nhưng qua thời gian dài, nhiều nét văn hóa đã có sự mai một và dần mất đi, không còn phổ biến. Dễ nhận thấy nhất đó là váy áo thổ cẩm của người Jơ Lâng nguyên gốc có màu trắng chủ đạo và sự khác biệt ở một số họa tiết. Hoặc về các điệu múa, ca hát, người Jơ Lâng trước đây chuộng điệu múa Tơ Tơn – Keh Koh (tương tự múa xoang, cồng chiêng như hiện nay). Theo đó, điệu Tơ Tơn – Keh Koh có sự sôi động và đòi hỏi người biểu diễn phải thực hiện nhiều động tác phức tạp hơn, và chính điều đó đã tạo ra nét đặc trưng cho văn hóa Jơ Lâng. Hiện tại, bên cạnh truyền dạy và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Ba Na, bà Y Gar đang cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để phục dựng, kế thừa một số nét đẹp văn hóa đã dần mai một.

Bà Y Gar chia sẻ: Tôi luôn có ước nguyện là khôi phục lại một số nét văn hóa độc đáo của người Jơ Lâng xưa. Điều đó sẽ tạo thêm sự đa dạng, phong phú cho kho tàng văn hóa của dân tộc mình.

Bà Y Gar đang ấp ủ nhiều dự định trong sưu tập văn hóa dân gian. Ảnh: H.T

Trong quá trình nỗ lực, tìm tòi và giữ gìn những nét văn hóa xưa, nghệ nhân Y Gar cũng gặp không ít khó khăn. Bà tâm sự: “Ban đầu tôi cũng loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu. Cứ thế, nhiều năm đi biểu diễn và công tác ở nhiều nơi, tôi tranh thủ tìm gặp thế hệ già làng, nghệ nhân để hỏi từng chút một. Sau nhiều năm, tôi đã có khá nhiều tư liệu về văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo thêm của nhiều nghệ nhân gạo cội, tôi tự sáng tạo thêm cho phong phú và phù hợp với hiện đại”.

Am hiểu nhiều nét văn hóa truyền thống nhưng có lẽ, chúng tôi vẫn ấn tượng nhất với giọng hát dân ca đầy mượt mà và trong trẻo của bà. Cách tập nhạc của bà Y Gar cũng rất độc đáo và sáng tạo. Bà thuộc khoảng 10 giai điệu phổ biến và từ đó sẽ ghép lời vào phù hợp mỗi khi cần. Cứ thế, bà có thể hát rất nhiều bài hát về các chủ đề khác nhau, trở thành đầu tàu trong những hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương.

Nghệ nhân Y Gar truyền dạy hát dân ca cho các cháu thiếu nhi. Ảnh: H.T

Là một cán bộ mặt trận, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bà Y Gar luôn gắn những hoạt động, phong trào với bảo tồn văn hóa trên địa bàn. Qua đó, khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, vận động các gia đình dạy cho con em học những điệu múa, ca hát truyền thống, tập luyện cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc.Những việc làm của nghệ nhân Y Gar đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhất là đối với thế hệ trẻ, giúp lớp trẻ hiểu rõ được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chị Y Nga – Trưởng thôn Kon Sờ Lạc 2 cho biết: “Bà Y Gar là trưởng ban công tác mặt trận thôn gương mẫu, tận tụy, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Bà còn là một nghệ nhân đa tài, am hiểu nhiều nét văn hóa của dân tộc như ẩm thực, ca hát, dệt thổ cẩm. Với sự nhiệt tình của bà, dân làng càng thêm trân trọng và cố gắng gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

Hiện tại, bà Y Gar đang ấp ủ nhiều dự định về phục dựng, truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Bà cũng mong có nhiều học trò là lớp trẻ có sự tâm huyết, đam mê để bà có thể truyền nghề. Ngoài ra, sự khích lệ và động viên của các ngành, các cấp cũng là động lực to lớn cho bà trên con đường bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian.

Với tâm huyết và những cống hiến của mình, bên cạnh những thành tích về công tác mặt trận, người có uy tín tại địa phương, nghệ nhân Y Gar đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương, các ngành vì có đóng góp trong các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Bà cũng được huyện Kon Rẫy chọn để đề nghị vinh danh và công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Hoàng Thanh


Nguồn:baokontum.com.vn Sao chép liên kết

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật