Nghệ nhân ưu tú A Hliek có tình yêu mãnh liệt với cồng chiêng
Nghệ nhân A Hliek sinh ra và lớn lên ở làng Kon Brăp Ju, ngôi làng yên bình ở xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy). Gắn bó và trải qua nhiều thăng trầm với làng Kon Brăp Ju, nghệ nhân A Hliek hiểu rất rõ sự thay đổi trong đời sống văn hóa của người Jơ Lâng (Ba Na) nơi đây.
Khi nghệ nhân A Hliek lên 10 tuổi, bên trong nhà rông của làng Kon Brăp Ju luôn cất 2 bộ cồng chiêng, mỗi bộ gồm 3 chiếc cồng và 8 chiếc chiêng. Ngoài những dịp làng Kon Brăp Ju có lễ hội được dân làng đem ra sử dụng, thì những ngày bình thường, 2 bộ cồng chiêng này là công cụ để những người lớn tuổi truyền dạy cách đánh và biểu diễn cồng chiêng cho trẻ em trong làng.
Dù là nơi cất giữ 2 bộ cồng chiêng quý, nhưng cửa của nhà rông làng Kon Brăp Ju không bao giờ khóa, ai cũng có thể ra vào nhà rông tự do và trong bất kể thời gian nào. Từ nhỏ nghệ nhân A Hliek thường xuyên lui tới nhà rông của làng để học và luyện cách đánh cồng chiêng cùng những người lớn tuổi trong làng.
Thích đánh cồng chiêng và có năng khiếu nên A Hliek học rất nhanh. Đến năm 15 tuổi, ông đã biết đánh hầu hết các bài chiêng hay biểu diễn trong các lễ hội quan trọng hàng năm của làng, như tết đầu năm, xuống giống thời vụ, ăn lúa mới, mừng nhà mới…Ông cũng đánh được nhiều chiếc cồng và chiếc chiêng khác nhau trong bộ cồng chiêng khi biểu diễn các bài chiêng này. Do vậy, dù còn trẻ tuổi và đang là học sinh nhưng ông đã là thành viên chính thức của đội cồng chiêng làng Kon Brăp Ju.
Đến khi trưởng thành, hàng ngày phải lên rẫy lao động sản xuất như bao người dân khác trong làng, nhưng nghệ nhân A Hliek vẫn dành thời gian và giữ ngọn lửa đam mê cồng chiêng cháy trong người. Sau khi trở thành đội trưởng đội cồng chiêng của làng, nghệ nhân A Hliek cùng nhiều người lớn tuổi khác trong làng Kon Brăp Ju tích cực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Các em từ 11-17 tuổi trong làng Kon Brăp Ju đều được tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng 2 buổi/tuần do nghệ nhân A Hliek, nghệ nhân, già làng A Jring Đeng và những thành viên cốt cán trong đội cồng chiêng của làng đứng lớp thông qua mô hình CLB liên kết hỗ trợ tự giúp nhau truyền dạy cồng chiêng, chương trình hỗ trợ của ngành văn hóa tỉnh và của huyện Kon Rẫy. Ngoài ra, nghệ nhân A Hliek, nghệ nhân, già làng A Jring Đeng và những thành viên khác trong đội cồng chiêng của làng Kon Brăp Ju còn tham gia truyền dạy cồng chiêng hàng năm cho các em học sinh ở trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh tại thành phố Kon Tum.
Trong những buổi học đánh cồng chiêng, nghệ nhân A Hliek đều truyền đạt lại cho các em học sinh rằng, muốn học và đánh được cồng chiêng, đầu tiên phải chú ý quan sát cách cầm và gõ dùi của người đánh chiếc chiêng nhỏ nhất, sau đó cố gắng học thuộc nhịp và âm của chiếc chiêng này trong cả bài chiêng bằng cách ngân nga giai điệu hoặc hát theo. Khi thuộc cách đánh và nhịp, âm của chiếc chiêng nhỏ nhất xong, tiếp tục học cách đánh chiếc chiêng này ở các bài chiêng khác. Có như vậy, khi đánh thuần thục chiếc chiêng nhỏ nhất rồi, sẽ có nền tảng để học cách đánh những chiếc chiêng, chiếc công khác trong bộ chiêng.
Là người đánh cồng chiêng kinh nghiệm nên trong quá trình đứng lớp, nghệ nhân A Hliek luôn truyền dạy 2-3 em cùng đánh 1 chiếc chiêng hoặc 1 chiếc cồng để có phương án thay thế khi 1 trong các em đánh chính của đội cồng chiêng vì lí do gia đình hoặc đi học, đi làm việc ở xa, không còn thường xuyên tham gia đội chiêng. Truyền dạy 1 em đánh cồng chiêng tốt và nhuần nhuyễn đã khó, truyền dạy cho nhiều em đánh cồng chiêng tốt rồi tạo nên 1 đội cồng chiêng mang tính ổn định, lâu dài còn khó hơn và mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh truyền dạy cách đánh và biểu diễn cồng chiêng, nghệ nhân A Hliek còn giới thiệu về di sản văn hóa cồng chiêng cho các em học sinh, thiếu nhi. Đồng thời dặn dò các em phải biết trân quý, gìn giữ và bảo quản cồng chiêng thật cẩn thận. Không để cồng chiêng ở những nơi dễ bị lấy trộm hay không được sử dụng cây có thân gỗ cứng để làm dùi đánh chiêng. Nghệ nhân A Hliek còn lấy ví dụ về làng Kon Brăp Ju thực hiện tốt việc gìn giữ và bảo quản cồng chiêng nên hiện nay làng có tất cả 16 bộ cồng chiêng, mỗi bộ từ 4-8 chiếc và đều có tuổi đời khá lâu. Nhắc đến nghệ nhân A Hliek, nghệ nhân, già làng A Jring Đeng chia sẻ, nghệ nhân A Hliek là người có niềm đam mê và đánh cồng chiêng rất giỏi. Nghệ nhân A Hliek tham gia tích cực trong việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ và có trách nhiệm với việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng của người Jơ Lâng ở làng Kon Brăp Ju nói riêng và người Ba Na trên địa bàn tỉnh nói chung. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, làng Kon Brăp Ju ít tổ chức hoạt động tập trung đông người cũng như không tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho trẻ em trong làng. Nghệ nhân A Hliek tâm sự, ông chỉ mong dịch bệnh không còn xảy ra, để đời sống văn hóa tinh thần, lao động, sản xuất của dân làng trở lại bình thường; để ông tiếp tục được truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ và đánh cồng chiêng dưới mái nhà rông của làng, cho tiếng cồng chiêng mãi ngân vang. |