|
Hội thi lần này quy tụ gần 30 đội với hơn 600 nghệ nhân cồng chiêng đến từ 10 huyện thành phố trên địa bàn tỉnh, tham gia trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống và chỉnh chiêng. Trong đó, phần thi trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống, mỗi đội xây dựng 1 chương trình nghệ thuật biểu diễn phối hợp cồng chiêng, xoang; hòa tấu các nhạc cụ kết hợp cùng cồng chiêng; các làn điệu dân ca truyền thống được đệm bằng cồng chiêng; tái hiện nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu...
Buổi thi đầu tiên của Hội thi diễn ra vào sáng 16/11, tại nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), các đội thi đến từ các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, thành phố Kon Tum đã mở màn các tiết mục một cách hoành tráng, ấn tượng. Dưới mái nhà rông Kon Klor, tiếng trống hòa cùng tiếng cồng chiêng, các giai điệu du dương, trầm bổng, hào hùng, thôi thúc đã đưa người xem như lạc vào “mê cung” của cồng, chiêng.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, xung quanh khuôn viên nhà rông Kon Klor đã đông kín du khách, người hâm mộ tới xem, cổ vũ. Trước giờ diễn ra các phần thi, các đội đã tranh thủ ôn luyện, chuẩn bị trang phục với váy áo thổ cẩm rực rỡ màu sắc. Cả khuôn viên nhà rông Kon Klor vang vọng tiếng cồng chiêng như được tăng thêm vẻ huyền ảo, diệu kỳ vốn có.
Đúng 8 giờ sáng, đội nghệ nhân cồng chiêng làng Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong) bắt đầu phần thi đầu tiên của mình. Tiếng giới thiệu của người dẫn chương trình vang lên cũng là lúc các chàng trai, cô gái Mơ Nâm lần lượt bước ra sân khấu với các đạo cụ, trang phục tuyền thống đa sắc màu. Với nụ cười rạng rỡ, vui tươi, đội cồng chiêng làng Kon Vơng Kia nhanh chóng bước vào phần thi của mình.
Bắt đầu với tiết mục “Mừng nhà rông mới”, đội thi làng Kon Vơng Kia đã tái hiện sinh động lại lễ hội truyền thống với các nghi thức mang ý nghĩa trả ơn thần linh về những giúp đỡ của thần linh cho bà con làm xong nhà rông an toàn, thuận lợi. Phần thi cũng tái hiện lại nét đẹp trong việc tiếp khách của dân tộc Mơ Nâm. Theo đó, đối với khách chung của làng, người Mơ Nâm luôn tiếp đón tại Nhà văn hóa cộng đồng. Trong buổi đón tiếp ấy, những người đứng đầu, có uy tín trong làng sẽ không đi làm rẫy mà sẽ tập trung về đó để trò chuyện, tâm sự, mang những món ăn ngon như thịt khô, rượu cần để tiếp đãi mời khách.
|
Phần cuối bài thi của đội nghệ nhân làng Kon Vơng Kia là các tiết mục biểu diễn nhạc cụ, hát dân ca. Nghệ nhân A Đruông cùng nhóm cồng chiêng làng Kon Vơng Kia biểu diễn cùng nhạc cụ truyền thống kết hợp với tiếng chiêng đầy sôi động. Đặc biệt, tiếng hát trong trẻo, đầy cảm xúc và chất núi rừng của nghệ nhân Y Lim với bài hát “Thắp sáng quê hương” đã được khán giả thực sự thích thú.
Nghệ nhân Y Lim chia sẻ: “Tôi cùng mọi người trong đội đã tích cực tập luyện thời gian dài để mang đến những tiết mục đặc sắc nhất cho khán giả. Tôi hát bài “Thắp sáng quê hương” cũng đúng với cảm xúc và qua đó muốn nhắn gửi cho những người con buôn làng đi xa hãy luôn hướng về quê hương, mong muốn quê hương ngày càng phát triển. Tôi càng vui mừng hơn khi quê hương của chúng tôi – Măng Đen giờ đây đã thay da đổi thịt, trở thành khu du lịch sinh thái và ngày càng đổi mới, phát triển”.
Các phần thi nối tiếp nhau trong không khí sôi động, hối hả đã tạo cho người xem cảm giác mới lạ, thú vị xen lẫn hồi hộp, mong chờ. Với những nét độc đáo riêng, đoàn nghệ nhân dân gian dân tộc Ba Na, Rơ Ngao (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) cũng đã mang đến cho khán giả phần thi đầy cảm xúc. Bài thi mang tên “Hãy nghe làng Hồ kể” như tái hiện một câu chuyện sinh động về đời sống hàng ngày của người dân quanh con sông, con suối ôm lấy ngồi làng. Phần thi còn giới thiệu nhiều lễ hội đặc sắc gắn với đời sống sinh hoạt của bà con như Lễ mừng lúa mới, Lễ giọt nước, Lễ bỏ mả và những bài dân ca được ông bà truyền cho con cháu, cách chơi những nhạc cụ dân tộc truyền thống...
|
Tại Hội thi, đoàn nghệ nhân huyện Đăk Glei cũng đã mang đến nhiều tiết mục sôi động. Cùng hòa tấu tiết mục “Chiêng nứa kết hợp cùng Ting Ning”, 3 nghệ nhân của đoàn nghệ nhân thôn Đăk Wăk (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) là A Khum, A Khanh, A Thu đã kết hợp tuyệt vời tạo ra một bản hòa ca độc đáo.
Không giấu được sự phấn khởi sau bài thi, nghệ nhân A Khum chia sẻ: “Dù xã hội hiện đại đã ra đời nhiều nhạc cụ mới lạ nhưng đối với dân tộc Giẻ - Triêng chúng tôi, các nhạc cụ dân tộc vẫn là hay nhất. Bài hòa tấu này chúng tôi đã kế thừa từ các giai điệu truyền thống và có chút sáng tạo, đổi mới để phù hợp hơn. Tôi cùng các nghệ nhân khác cũng đã tích cực tập luyện để mang đến nhiều tiết mục đặc sắc nhất cho Hội thi lần này, với mong muốn giao lưu, học hỏi là chính”.
Ngoài những tiết mục đặc sắc mang âm hưởng Đại ngàn để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem, Hội thi lần này còn tạo sân chơi cho các vận động viên từ các đoàn với Hội thi các môn thể thao truyền thống năm 2022. Hội thi có 230 vận động viên tham gia với 5 môn thể thao truyền thống gồm: bắn ná, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và đi cà kheo, tranh tài tất cả 30 nội dung. Hoạt động này nhằm tạo sân chơi bổ ích, tăng cường tinh thần đoàn kết, rèn luyện thể dục, thể thao và giao lưu giữa các đoàn tham gia Hội thi.
|
Theo ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, với chủ đề “Âm vang đại ngàn”, Hội thi lần này còn là sự kiện chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913- 9/2/2023). Qua một số tiết mục đã dự thi, có thể thấy mỗi tiết mục như một “Bản hòa ca giữa đại ngàn”, là những câu chuyện rất riêng, giàu cảm xúc của từng cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm, Hrê.. Điều đó góp phần khẳng định thương hiệu riêng của loại hình văn hóa “cồng chiêng, múa xoang” của tỉnh nhà.
“Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022 là dịp để các thế hệ nghệ nhân được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng; nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, xoang nói riêng. Thông qua đó, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh nhà với bạn bè trong và ngoài tỉnh” - ông Phan Văn Hoàng cho biết thêm.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu - Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Thư ký Hội đồng giám khảo Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ Nhất, năm 2022
Để công tác tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022 diễn ra chu đáo và thành công, Ban Tổ chức Hội thi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong công tác tiếp đón, hậu cần, bố trí nơi ăn ở cho các nghệ nhân, diễn viên không chuyên và vận động viên đến từ 19 đội thi thuộc 10 đoàn nghệ nhân các huyện, thành phố. Ngoài cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách, từng đoàn nghệ nhân còn huy động đội ngũ sinh viên của Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tham gia hỗ trợ. Các lực lượng gồm Công an, Điện lực, Y tế cũng được phối hợp triển khai nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, nguồn điện và sức khỏe cho các nghệ nhân, diễn viên không chuyên, vận động viên và đại biểu tham gia Hội thi.
Bà Lưu Thị Thanh Xuân - Trưởng đoàn nghệ nhân huyện Ia H’Drai
Trong Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022, đoàn nghệ nhân huyện Ia H’Drai có 61 nghệ nhân, diễn viên không chuyên và vận động viên thuộc 2 đội thi gồm, đội dân tộc Hà Lăng (Xơ Đăng) thôn Ia Dơr (xã Ia Tơi) và đội dân tộc Thái thôn 2 (xã Ia Đal) tham dự. Đoàn nghệ nhân của huyện mang đến Hội thi các tiết mục gồm: Múa xoang với chủ đề “Cộng đồng thôn Ia Dơr gắn kết tình yêu thương”, tái hiện tục Mừng lúa mới của người Hà Lăng và múa cây bông, múa giã gạo, múa xòe quạt kết hợp nhảy sạp và tái hiện nghi lễ cúng gia tiên đón dâu về nhà của người Thái… Đoàn nghệ nhân huyện Ia H’Drai cố gắng thực hiện tốt nhất các phần thi, qua đó, giới thiệu nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện và đóng góp cho thành công chung của Hội thi.
Nghệ nhân ưu tú A Lễ - Đoàn nghệ nhân huyện Kon Plông
Tôi đã có nhiều lần tham gia các hoạt động, lễ hội về văn hóa dân tộc lớn của tỉnh, nhưng Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất, năm 2022 giống như ngày hội lớn của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh. Tôi rất vui mừng vì sự kiện là dịp để tất cả mọi người DTTS từ trẻ đến già, đàn ông, phụ nữ được gặp gỡ, giao lưu, thi tài và biết đến văn hóa truyền thống của nhau. Tôi mong muốn tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện về văn hóa dân tộc có quy mô lớn như Hội thi lần này trong thời gian tới, để các thế hệ người đồng bào các DTTS trong tỉnh được giao lưu, học hỏi, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hoàng Thanh - Đức Thành