A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy: Tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 61 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022).

Chiều ngày 08/8/2022, Hội Nạn nhân chất độc da cam(NNCĐDC)/Dioxin huyện Kon Rẫy tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 61 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022). Dự buổi Tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thị Bình - Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Kon Tum; Đinh Thị Mỹ Hảo - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Đinh Thị Hồng Thu - HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện; Đinh Văn Hương - HUV, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; Đinh Thị Nga - Phó Chủ tịch UBMT TQVN huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội NNCĐDC huyện; và các NNCĐDC/Dioxin trên địa bàn huyện.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.    

 Buổi Tọa đàm đã thông qua đề cương tuyên truyền về thảm họa da cam ở Việt Nam, công cuộc khắc phục hậu quả và hoạt động của Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Kon Tum nhân dịp kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022). Theo nội dung của đề cương, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của Nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang. Thực tế chứng minh, cuộc chiến trang hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Chuyến bay đầu tiên quân đội Mỹ phun rải chất độc hóa theo quốc lộ 14, nằm ở phía Bắc thị xã Kon Tum, do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10/8/1961. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học; 61% trong đó là chất độc da cam, chứa khoảng 366 Kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản với diện tích 3,06 triệu ha, bằng ¼ tổng diện tích Miền nam Việt Nam; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Riêng tỉnh Kon Tum, quân đội Mỹ đã rải xuống 311 thùng chất độc hóa học, tương đương 346 nghìn lít, trong đó có khoảng 34 nghìn lít chất độc da cam, hơn 78 nghìn lít chất xanh, 132 nghìn lít chất trắng, hơn 25 nghìn lít chất khác đã phun rải hơn 351 ha chiếm 5% trên tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và bình quân mỗi người dân Kon Tum phải chịu khoảng 4,8 lít tương đương 6 kg chất độc hóa học, bị phun rải nhiều lần chất độc hóa học đối với đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp, đường giao thông, vùng biên giới và sông suối của tỉnh Kon Tum là 707.081 ha. Kết quả hơn 100.000 ha rừng tự nhiên bị phá hủy hoàn toàn tạo nên vùng đất “chết” các hệ sinh thái bị hủy diệt và nhiều người bị nhiễm chất độc da cam trực tiếp trong chiến tranh. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm (là người tiếp xúc và bị chất độc này xâm nhập vào cơ thể hoặc ở vùng bị tồn lưu dioxin cao trong môi trường bị lan tỏa), hơn 3 triệu người là nạn nhân (nạn nhân chất độc da cam là những người bị phơi nhiễm chất độc da cam dioxin; bị bệnh tật, suy giảm khả năng lao động hoặc vô sinh hoặc có con cháu bị dị tật…). Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, làm tổng thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, hệ nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản, các bệnh phổ biến ở con cháu nạn nhân chất độc da cam là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

 Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 1999 - 2000, tỉnh Kon Tum có 7.915 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học thuộc 3.786 gia đình, trong đó 1.046 hộ có 1 nạn nhân, 1.876 hộ có 2 nạn nhân, 494 hộ có 3 nạn nhân, 207 hộ có 4 nạn nhân và 163 hộ mỗi hộ có 5 nạn nhân trở lên. Tính đến tháng 6/2022 tỉnh Kon Tum có gần 8.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 1.125 người đã và đang được hưởng chế độ trợ cấp chất độc hóa học hàng tháng, trong đó có 202 người từ trần, 01 người tạm dừng chi chế độ và 64 người chuyển đi các tỉnh khác; đến nay, toàn tỉnh còn 858 người đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.    

 Trao tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam và Kỷ niệm Chương “Vì Nạn nhân chất độc da cam”.

Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Kon Rẫy được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-CT ngày 14/7/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; từ ngày thành lập đến nay đã qua 3 kỳ Đại hội (2013 - 2017; 2017 - 2022; 2022 - 2027). Hiện nay có 3/7 tổ chức Hội cấp xã, thị trấn. Số nạn nhân đang hưởng chế độ chính sách là 40 người; trong đó, 18 người từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam và 22 trường hợp là con đẻ của người tham gia kháng chiến.  

Nhân dịp buổi Tọa đàm, Thường trực Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Kon Tum đã trao tặng 43 xuất quà cho 40 nạn nhân chất độc da cam của huyện (trong đó: trao 5 xuất quà trị giá 1 trịệu đồng/1 xuất; 38 xuất quà trị giá 304 ngàn đồng/1 xuất). Đồng thời cũng trao Kỷ niệm Chương “Vì Nạn nhân chất độc da cam” của Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam cho đồng chí Y Đa - Chủ tịch Hội Nạn chất độc da cam/Dioxin huyện Kon Rẫy đã có công lao trong sự nghiệp chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC.


Tác giả: Quốc Vy - BTG Huyện uỷ.

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật