A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Kon Rẫy: Có 06 Bà mẹ được phong, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, tính đến nay toàn tỉnh Kon Tum có 125 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của cả nước”. Những người Mẹ anh hùng và những người con anh hùng là những tấm gương tiêu biểu cho hàng triệu người dân đất Việt có lòng yêu nước nồng nàn, kiên cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù. Việc trao tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong suốt thời gian qua là một trong những hành động thể hiện lòng tri ân của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với sự hy sinh vô giá của các Mẹ cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước.

 Sách chân dung các Bà mẹ VNAH và Anh hùng LLVT nhân dân tỉnh Kon Tum, tập 1 (xuất bản năm 2003); tập 2 (xuất bản năm 2021).

          Cùng với tập sách (tập 1); vừa qua tháng 7/2021, tập sách “Chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Kon Tum (tập 2)” được xuất bản; như vậy, tính từ năm 2003 đến năm 2020 đối với huyện Kon Rẫy đã được phong tặng, truy tặng cho 06 “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, gồm có:   

                   1. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Y Chở

                   Mẹ Y Chở sinh năm 1921 tại làng Nước Lò, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong. Chồng của Mẹ là ông A Hiết, là đội viên đội du kích mẫu mực, luôn đi đầu trong mọi phong trào cách mạng và bị mất trong những năm tháng khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến.

                   Mẹ sinh được một người con tên là A Ngăm. Năm 1965, A Ngăm vào bộ đội, là đội viên công tác H29 (nay là huyện Kon Plong). A Ngăm là một trong những chiến sĩ hoạt động tích cực, luôn luôn gắn bó mật thiết, cùng ăn, cùng ở với dân, tuyên truyền vận động Nhân dân thấu suốt chính sách của cách mạng, hiểu rõ được âm mưu và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, từ đó dân hiểu được cách mạng, tin tưởng vào cách mạng, vào Bác Hồ kính yêu, căn thù giặc để Nhân dân tự nguyện tham gia vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Thời kỳ này, bản thân mẹ cũng tham gia nuôi giấu cán bộ, vận động chị em phụ nữ tham gia phong trào thi đua yêu nước cõng gạo phục vụ kháng chiến cả quãng đường dài hàng trăm cây số từ nước Lò (H29) về xã Đăk Kôi (H16) - nay là huyện Kon Rẫy.

          Năm 1972 trong lần đi vào ấp chiến lược thuộc đồn Măng Đen để tuyên truyền chính sách cách mạng cho Nhân dân trong ấp, bị địch phục kích, A Ngăm đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh dũng.

         Nghe tin con mất, nỗi đau thấm sâu vào lòng Mẹ. Nhưng không vì thế làm Mẹ chùn bước, và mẹ tự nhủ hãy biến đau thương thành những việc làm có ích nhất cho cuộc kháng chiến và theo mẹ cống hiến cho cách mạng nhiều bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Mẹ tiếp tục tham gia cõng gạo phục vụ kháng chiến và luôn đi đầu trong việc tuyên truyền Nhân dân tăng gia sản xuất để bộ đội có đủ lương thực ăn no chiến đấu diệt thù.

                   Mặc dù con mẹ không còn, nhưng hàng ngày mẹ vẫn đón nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và sống trong tình thương yêu của bà con. Ngôi nhà tình nghĩa địa phương huyện Kon Rẫy xây cho mẹ (ngôi nhà được cán bộ, công nhân viên và Nhân dân xây dựng cho Mẹ năm 2015 tại thị trấn Đăk Rve) là tấm lòng biết ơn người có công với cách mạng. Gian nhà nhỏ lại còn nhỏ đi bởi các huân chương, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công, các di ảnh trong trong nhà, đầy ấp khắp các bức tường mà mẹ đang ở. Mẹ được Chủ tịch nước tặng Huân chương độc lập hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất và ngày 17/12/1994, mẹ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

          2. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Y Chai

                 Mẹ Y Chai sinh năm 1920 tại làng Kon Túc, xã Đăk PNe, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Khi còn nhỏ, chứng kiến cảnh đói nghèo của dân làng, sưu cao, thuế nặng của thực dân Pháp và tay sai, Mẹ luôn nung nấu ý chí đấu tranh, giàng độc lập, tự do, làm chủ quê hương, núi rừng. Lớn lên, Mẹ lập gia đình với ông A Chôn. Bản thân Mẹ và chồng là những người có tấm lòng nhân ái; dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng vợ chồng Mẹ Y Chai vẫn nhận nuôi hai anh em mồ côi cha mẹ là Đinh Hríp (khi ấy mới 4 tuổi) và A Hrao (khi ấy mới 3 tháng tuổi). Khi trưởng thành, cả hai anh đều tham gia chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.  

          Liệt sĩ Đinh Hríp sinh năm 1946. Khi tròn 18 tuổi, anh đã lên đường nhập ngũ, công tác tại Huyện đội H16. Trong quá trình công tác và chiến đấu, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, thăng cấp bậc Trung sĩ, giữ chức vụ Tiểu đội phó. Với tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, ý chí quyết tâm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, anh đã lập nhiều chiến công và được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Nhì. Tháng 3/1968, trong trận tiến công vào đồn Kon Blóc, tỉnh Gia Lai, anh đã anh dũng hy sinh.   

           Liệt sỹ A Hrao sinh năm 1950. Năm 1968, anh trở thành đội viên Đội du kích xã Đăk Pne. Trong quá trình chiến đấu, anh A Hrao luôn thể hiện được phẩm chất mưu trí, linh hoạt và đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Ngày 04/7/1970, anh được giao nhiệm vụ công tác phía trước, bị địch phục kích, anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh.

          Chiến tranh đã gieo bao đau thương, tang tóc cho người dân Việt Nam, trong đó có gia đình Mẹ Y Chai. Cuộc sống khó khăn, sức yếu lại không có thuốc men chữa bệnh, Mẹ mất khi mới 37 tuổi. Thế nhưng, Mẹ đã có công lao nuôi dưỡng hai người con nuôi từ lúc ấu thơ, truyền cho các con tình yêu quê hương, thôn làng của mình. Sau khi trưởng thành, mặc dù Mẹ mất đã lâu, nhưng tình yêu bao la của Mẹ vẫn luôn trong tâm trí các anh, thôi thúc các anh tham gia cách mạng, không ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến cả tuổi thanh xuân và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Do hai người con nuôi đều đã hy sinh, Mẹ và chồng của Mẹ cũng mất nên việc thờ cúng vợ chồng Mẹ được gia đình người cháu họ là A Phởih, hiện đang sinh sống tại xã Đăk PNe đảm nhiệm; hai liệt sĩ Đinh Hríp và Hrao thì do gia đình người em dâu thờ cúng.

                   Không có con đẻ, cả hai người con nuôi đều tham gia chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh đó của Mẹ, ngày 26/7/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với Mẹ Y Chai.     

         3. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Y Hêl   

               Mẹ Y Hêl sinh năm 1916, tại làng Kon Keng, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Mẹ lấy chồng là ông A Ring và sinh được năm người con: Y Ren (sinh năm 1938); A Dâm (sinh năm 1944); A Dung (sinh năm 1948); Y Denh (sinh năm 1956) và A Đêr (sinh năm 1964). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bản thân Mẹ và gia đình luôn nêu cao tinh thần cách mạng, tích cực đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

                   Chồng của Mẹ là liệt sĩ A Ring, sinh năm 1916; trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã tham gia Tổ du kích thôn. Ngày 07/10/1974, khi đang làm nhiệm vụ ở bờ sông Đăk Snghé, H16, bị địch phát hiện, ông đã anh dũng chiến đấu và hi sinh.

                   Noi gương truyền thống cách mạng của cha, con trai Mẹ đã hăng hái tham gia nhập ngũ, chiến đấu quên mình vì Tổ quốc, vì độc lập, tự do của dân tộc. Anh A Dâm tham gia nhập ngũ khi 18 tuổi (01/1962), thuộc Tiểu đoàn 304, Tỉnh đội Kon Tum. Trong quá trình chiến đấu, anh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc và được cấp trên tặng thưởng ba Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba). Năm 1968, khi tham gia chiến đấu, anh A Dâm bị thương nặng phải chuyển ra miền Bắc điều trị. Ngày 10/4/1968, trên đường di chuyển ra Bắc, anh A Dâm bị địch phục kích và hy sinh tại Đường 9, Nam Lào.

           Anh A Đêr, con trai út của Mẹ hiện đang sinh sống tại thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy là người thờ cúng Mẹ và các liệt sĩ.   

                   Ghi nhận những chiến công, hy sinh của Mẹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 23/3/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với Mẹ Y Hêl.

        4. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Y Né

             Mẹ Y Né sinh năm 1902, tại làng Ngọc Rằng, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Mẹ lấy chồng là ông A Ne sinh năm 1909. Mẹ sinh được sáu người con. Bản thân Mẹ và gia đình luôn sống lương thiện, một lòng tin tưởng và đi theo cách mạng.

          Chồng Mẹ từng bị thực dân Pháp bắt đi xâu làm đường 5 (nay là quốc lộ 24). Mẹ cũng như dân làng ngày ấy đều bị địch kìm kẹp, dụ dỗ đi theo chúng. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, gia đình Mẹ luôn một lòng đi theo cách mạng. Mẹ từng đi dân công phục vụ chiến trường. Dù nuôi con nhỏ nhưng vẫn không quản ngại khó khăn, khi cách mạng cần là Mẹ lại sẵn sàng lên đường. Mẹ mất năm 1957, hưởng dương 55 tuổi.

                   Các con của Mẹ, một người đã mất từ khi còn nhỏ, còn lại năm chị em luôn noi gương Mẹ và đều tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Người con gái đầu là Y Roan, sinh năm 1929 và cũng là người con duy nhất của Mẹ hiện còn sống tại làng Trăng Nó - Kon Blo, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, đã từng cống hiến cả tuổi thanh xuân trên những cung đường gian khổ để tải đạn, cõng lương thực phục vụ tiền tuyến.

                   Hai người con trai của Mẹ lớn lên đều nhập ngũ, cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và đều hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Con trai A Dang, sinh năm 1938, tham gia Đội du kích xã Đăk Kôi. Tháng 11/1963, anh được Xã đội phân công tham gia chống địch càn tại làng Kon Reng. Anh đã chiến đấu quả cảm và anh dung hy sinh. Ghi nhận tấm gương hy sinh anh dung của anh, ngày 12/12/1977, Thủ tướng Chính phủ đã tặng anh bằng danh dự Tổ quốc ghi công.

             Một người con trai nữa của Mẹ là A Néo cũng tòng quân nhập ngũ và là chiến sĩ thuộc Huyện đội H29 (nay là huyện Kon Plong). Sau trận giải phóng Măng Bút (tháng 8/1974), anh bị thương nặng và mất một tháng sau đó.

                   Con trai A Bruang, sinh năm 1940, nhập ngũ tháng 5/1962. Sau một thời gian chiến đấu với nhiều chiến công, anh được giao chức vụ Tiểu đội trưởng, thuộc Đại đội 32, Tỉnh đội Kon Tum. Ngày 04/7/1965, anh đã anh dung hy sinh khi đang chiến đấu phá ấp, giải phóng dân bị dồn tại ấp Kon Deng, thi hài anh bị địch thiêu hủy trong trận chiến ác liệt đó. Với những thành tích xuất sắc và sự hy sinh anh dũng, anh vinh dự được tặng hai Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Hai, Ba) và ngày 12/12/1977, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng danh dự Tổ quốc ghi công.

            Người con gái út là Y Đeng, sinh năm 1956, mất mẹ khi mới được một tuổi. Được chị gái Y Roan chăm sóc, lớn lên Y Đeng tham gia dân công hỏa tuyến, sau đó làm Bí thư Đoàn xã Đăk Kôi những năm 1973 - 1975. Chị đã mắc trọng bệnh và mất vào năm 2015.

                   Ghi nhận những cống hiến và hy sinh của Mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 26/7/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với Mẹ Y Né.  

         5. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Y Nong

              Mẹ Y Nong sinh năm 1916, tại làng Đăk Reng, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Đăk Kôi đã trở thành căn cứ vững chai của Huyện H16 nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.

        Sinh ra và lớn lên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bản thân Mẹ đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, cách mạng, cùng với gia đình và người dân nơi đây tích cực đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Hai người con của Mẹ, khi khôn lớn đều noi gương Mẹ và gia đình, hăng hái lên đường nhập ngũ, chiến đấu quên mình vì Tổ quốc, vì độc lập, tự do của dân tộc. Mẹ mất năm 1959 khi mới 43 tuổi.

                   Con trai đầu của Mẹ là A Deng, sinh năm 1940. Anh nhập ngũ tham gia chiến đấu, được giao giữ chức vụ Trung đội trưởng thuộc Thị đội Kon Tum, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6/1970, khi được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí ra phía trước thì bị địch phục kích bằng phi pháo, anh hy sinh bên bờ sông Pô Kô hung vĩ, thân thể anh đã hòa vào dòng sông quê hương mát lành. Từ ngày nhập ngũ cho đến khi hy sinh, anh luôn nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã được cấp trên tặng thưởng hai Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhì, Ba).

             Người con thứ hai của Mẹ là A Krối, sinh năm 1944, tham gia nhập ngũ tháng 5/1961, là chiến sĩ Đại hội 132, Tỉnh đội Kon Tum, trực tiếp tham gia chiến đấu. Tháng 3/1965, anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại làng Nước Chè, H29 (nay thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong). Trong quá trình chiến đấu, anh lập nhiều thành tích xuất sắc và đã được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Ba).  

                   Ghi nhận những cống hiến và hy sinh của Mẹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 23/3/2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với Mẹ Y Nong.   

        6. mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nuồi

               Mẹ Nguyễn Thị Nuồi sinh năm 1911, sinh ra và lớn lên tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ sinh được bảy người con (bốn con trai, ba con gái). Chồng Mẹ là ông Đặng Đức Diệm, sinh năm 1909. Trong những  năm kháng chiến chống thực dân Pháp, vợ chồng Mẹ tham gia hoạt động cách mạng tại Thái Lan; đến năm 1960, vợ chồng Mẹ trở về nước công tác và sinh sống tại quê nhà xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Các con của Mẹ tiếp nối truyền thống gia đình, tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.  

          Con trai cả của Mẹ là anh Đặng Đức Dung, sinh năm 1944. Năm 1967, anh nhập ngũ tại đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 95, chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên. Ngày 05/5/1968, trong trận chiến đấu tại đường 19, thuộc địa phận tỉnh Gia Lai, anh đã anh dũng hy sinh. Anh được Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huy chương Chiến chiến sĩ giải phóng năm 1975.

                   Con trai thứ tư của Mẹ là Đặng Tiến Lợi, sinh năm 1951. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh lên đường nhập ngũ, biên chế tại đơn vị Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3. Ngày 26/7/1974, anh đã anh dung hy sinh tại tỉnh Bình Định. Ghi nhận những công lao cống hiến của anh, năm 1975, Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.

            Con gái thứ hai của Mẹ là chị Đặng Thị Dùng, sinh năm 1946, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chị tham gia thanh niên xung phong tại tỉnh Lạng Sơn. 

             Con trai thứ ba của Mẹ là anh Đặng Đức Thắng, sinh năm 1947; những năm 1972 - 1973, anh tham gia quân đội, đóng quân tại chiến trường Campuchia. Con gái thứ năm của Mẹ là chị Đặng Thị Nhung (sinh năm 1954), là du kích xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Chị Đặng Thị Thơm, con gái út của Mẹ (sinh năm 1958) cũng từng tham gia kháng chiến, là y tá tại chiến trường C những năm 1974 - 1975. Hiện nay, các anh, chị: Đặng Thị Dùng, Đặng Thị Nhung, Đặng Thị Thơm, Đặng Đức Quang (con trai thứ sáu của Mẹ) đều sinh sống tại tỉnh Kon Tum. Con trai Đặng Đức Thắng hiện là người thờ cúng mẹ tại thôn 3, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy.

           Ghi nhận những cống hiến, hy sinh của Mẹ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, ngày 29/9/2016, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với Mẹ Nguyễn Thị Nuồi.

                   Những hy sinh mất mát của các Mẹ và các gia đình không gì bù đắp được và cũng là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo. Vì vậy, mỗi chúng ta hôm nay và mai sau đời đời hãy nêu cao tinh thần, trách nhiệm và tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; không bao giờ quên đức hy sinh cao cả của các Mẹ; cũng như ghi nhớ bằng hình ảnh và vẻ đẹp sáng ngời của người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ các đức tính: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; chịu thương, chịu khó, thủy chung, yêu nước nồng nàn, căn thù giặc sâu sắc và một lòng tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

          Nhắc đến Mẹ Việt Nam anh hùng, chúng ta nhớ lại giai điệu của bài hát Mẹ Việt Nam Anh Hùng của cố nhạc sĩ An Thuyên thật cảm động: “Đời dâng hiến giống, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời...”./.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật