A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội làng

Cùng dân làng Kon Dơ Xing, xã Đăk Tờ Re nhấm nháp món khổ qua rừng om với cá suối của anh A Tuch đem đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của làng mà tôi cảm nhận rõ yêu thương luôn đợi chờ trong từng mái nhà nơi đây.

Thấy ai cũng tấm tắc khen ngon, anh A Tuch như mở lòng, kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện. Năm nào cũng vậy, chỉ cần nghe cơn gió thổi chuyển mùa, chỉ cần nhìn hoa dã quỳ, hoa của làng khoe sắc vàng óng ả là nào đâu mỗi anh mà dân làng Kon Dơ Xing biết ngày hội làng sắp đến. Thành nếp làng rồi. Đến ngày hội làng, trong làng chẳng ai bảo ai đều có mặt đông đủ. Nhà nhà đều chuẩn bị một món ăn mang đến, nho nhỏ thôi, in ít thôi nhưng chứa chan ân tình để sau phần lễ là đến phần hội, mọi người vừa chuyện trò, vừa nhấm nháp, thưởng thức.

Mỗi nhà mỗi món, riêng nhà anh A Tuch bao giờ cũng “món ruột” khổ qua rừng um cá suối. Khổ qua rừng, người làng gọi là bă, có cạnh như kiểu trái khế nhưng nhỏ hơn, chỉ tầm ngón tay út. Loài cây này mọc dại ven suối nhỏ Đăk Păk lặng lẽ chảy qua đầu làng. Để có món ngon mời làng, từ hôm trước, vợ chồng anh tranh thủ xong việc rẫy ra suối bắt cá, hái quả khổ qua rừng đem về chế biến sạch sẽ, gọn gàng. Chút mắm muối, chút dầu ăn, chút tiêu rừng, chút ớt trái rồi bắc lên bếp củi, canh cho lửa riu riu là được.

Nghe anh kể mà thèm. Tôi liền lấy đôi đũa gắp thêm con cá suối nho nhỏ kèm theo trái khổ qua rừng nhấm nháp. Vị đậm đà xen lẫn chút đăng đắng rồi chuyển sang ngòn ngọt lan nhanh trong cổ họng.

--

Cùng kể cho nhau nghe chuyện nhà, chuyện làm ăn. Ảnh: N.P

Ngồi kế bên, chị Y Dưn vừa địu đứa con nhỏ vừa bưng dĩa cá suối chiên đặt cạnh tô cá suối um khổ qua rừng kể, trong làng ai cũng biết làm món này nhưng nhà anh A Tuch nấu là ngon nhất. Cũng như nhà chị vậy, ai ăn món cá suối chiên chấm muối hạt lá é do chị tự tay làm đều mê. Năm nào đến ngày hội làng, chồng chị cũng tranh thủ ra suối Đăk Păk kiếm cá. Tầm này nước cạn, dòng nước nhỏ, cố gắng lắm bắt được mớ cá, sáng sớm chị tranh thủ làm món cá chiên góp vui với làng.

Trên sàn nhà rông, mấy quả bắp nướng, dĩa khoai lang còn bốc khói được đặt lên những tàu lá chuối xanh xếp gọn gàng. Con gà nướng, mấy ống cơm lam, tô lá mì chua nấu thịt heo rừng được nêm nếm bằng những gia vị, những loại lá rất riêng. Người làng đon đả mời nhau và xởi lời chào đón tôi như người thân lâu ngày  gặp lại. Ăn chút cơm lam, gắp miếng lá mì nấu thịt, hương thơm những món ăn dân dã của núi rừng hòa quyện trong tiếng nói, tiếng cười rộn vang, trong tiếng cồng, tiếng chiêng như giục, như mời, như gọi.

Người Kon Dơ Xing mộc mạc, giản dị như đá núi, ấm áp và chân tình như ngọn lửa ấm ngay đầu hồi nhà rông vẫn đang âm ỉ cháy trong ngày hội làng. Ngày thường, nhà ai việc nấy. Người lớn lụi cụi cả ngày lo cho rẫy mì, chăm đàn bò, đàn heo. Còn đám nhỏ sau buổi học ở trường, hoàn thành xong công việc nhà phụ cha mẹ là í ới vui chơi đủ trò. Còn đến ngày hội làng, người lớn, trẻ nhỏ đều rộn ràng chuẩn bị. Người lớn chuẩn bị món ăn mang đến ngày hội. Đám trẻ sửa soạn quần áo, dặm chút phấn, tô chút son cho tươi tắn để đứng lên sân khấu biểu diễn điệu múa, bài chiêng cho cả làng cùng thưởng thức. Tiếng nói cười rộn ràng, cùng kể cho nhau nghe chuyện nhà, chuyện nhà nọ năm qua đã thoát nghèo, nhà kia làm ăn ngày càng khấm khá.

Nào đâu mỗi nghe bà con kể, đứng trên cầu thang lên nhà rông, phóng tầm mắt nhìn quanh làng, tôi cảm nhận rõ Kon Dơ Xing ngày càng đổi thay,  ấm no, trù phú. Những nếp nhà quần tụ bên nhau, đầm ấm nổi lên giữa thửa ruộng lúa vàng trong vụ đông xuân, giữa màu xanh của những rẫy mì sắp đến ngày thu hoạch. 

Hội làng đã tan. Những cái bắt tay nồng ấm mãi không dứt. Nếp sống, lối ứng xử văn hóa đậm nghĩa tình, sự sẻ chia trong cộng đồng làng và những tên người, tên những món ăn, tên những loại rau, loại trái mọc bên bìa rừng, ven suối mà mỗi nhà mang đến trong ngày hội làng vẫn mãi là dấu cộng mến thương. Như tấm chân tình và  món khổ qua rừng um cá suối mà anh A Tuch mang đến ngày hội vậy, đơn sơ thôi, giản dị thôi, chẳng cầu kỳ, chẳng nhiều gia vị, nhưng vẫn giữ mãi trong tôi niềm hân hoan, trìu mến.


Nguồn:NGUYÊN PHÚC( Báo Kon Tum) Sao chép liên kết

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật