Huyện Kon Rẫy hiện có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó có 3 dân tộc tại chỗ là Ba Na, Xơ Đăng và Hrê. Mỗi dân tộc điều có văn hóa lễ hội riêng, nhưng các lễ hội đều chung một mục đích cầu mong sức khỏe và mùa màng bội thu.
Không biết từ khi nào lễ hội Ét Đông hay còn gọi là lễ hội ăn con Dúi đã in sâu vào tâm trí của người Jơ Lâng-một nhánh của dân tộc Ba Na. Đã trở thành thông lệ, vào ngày thứ 7 tuần đầu tiên của tháng mười hàng năm, các làng người người Jơ Lâng trên địa bàn huyện Kon Rẫy lại tổ chức lễ Ét Đông. Thông qua lễ hội để cầu sức khỏe và mùa màng bội thu trong niềm hân hoan của bà con dân làng.
Lễ hội Ét Đông
Lễ hội Ét Đông vẫn giữ nét rất riêng, lễ vật để cúng thần linh là con dúi và ghè rượu cần, đây là những vật lễ không thể thiếu để tổ chức lễ hội. Vào ngày tổ chức lễ hội mỗi người dân trong thôn mang lễ vật đã chuẩn bị sẵn, tập trung tại nhà rông để thực hiện các nghi thức cần thiết của lễ hội, cùng nhau cầu khấn mong một năm thuận lợi và mùa màng bội thu. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chỉ sau khi tổ chức lễ Ét Đông người dân mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, dòng họ như làm nhà mới, cưới hỏi và làm nhiều công việc lớn trọng đại khác. Đây là lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2021.Anh A NÓI - thôn 5 làng Kon BRắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy tâm sự: Gia đình cũng có đi lên rừng kiếm bắt con Dúi về để tham gia lễ hội phong tục Ét Đông, lễ Ét Đông thường được tổ chức vào rằm tháng 9 âm lịch, gia đình cũng chuẩn bị từ lâu, mỗi nhà 1 con Dúi và 1 ghè rượu, cầu mong cho gia đình có sức khỏe và mùa màng sau bội thu có được sức khỏe mới đi thu hoạch lúa được.
Chúng tôi thì đã chuẩn bị cả tháng cho đến hôm nay, cái ngày mà làng thống nhất, còn tinh thần của bà con nói chung đói với lớp già đã lo phong tục tập quán, còn đối với lớp thanh niên thì phải nói là phấn khởi, bởi vì ngày nay, vừa là cái phong tục, vừa là gặp mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình cũng như các anh chị em ở xa, trong tỉnh, ngoài tỉnh được mời về hết. Năm nay được nhà nước cho phép so với mọi năm, năm nay, tin chắc rằng bà con ở làng khác đến nhiều hơn, thật là phấn khởi.Già làng A Jin Đen - thôn 5, làng Kon BRắp Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy tâm sự thêm.
Lễ hội bắn trâu bằng ná
Lễ hội bắn trâu bằng ná của người Tơ Đrá-một nhánh của dân tộc Xơ Đăng cũng là lễ hội có từ lâu đời được các thế hệ cha ông gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay. Lễ hội bắn trâu bằng ná là một lễ hội độc đáo, tuy nhiên việc lễ hội không phải tổ chức thường niên, chỉ khi cộng đồng làng có sự kiện không may xảy ra thì lễ hội mới được dân làng bàn bạc và ấn định tổ chức. Được gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ, lễ hội bắn trâu bằng ná ngày nay đã dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu không còn phù hợp trong quá trình tổ chức lễ hội, từ việc thời gian tổ chức lễ hội được rút ngắn hơn, những nghi thức phản cảm không còn phù hợp cũng được cộng đồng các dân tộc dần xóa bỏ.
Già làng U ĐÊ - làng Kon Mong Tu, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy cho biết: Tổ chức lễ hội này cách đây 5 năm, 10 năm, truyền thống dân tộc đã bỏ từ lâu, hiện nay mình giữ lại phong tục tập quán của ông bà trước đây, tổ chức làm cho bà con trong thôn và các hộ gia đình có được sức khỏe làm ăn gặp được nhiều may nắm, đây là một vấn đề rất mong muốn ở khu dân cư.
Nhà rông là nơi thiêng liêng, lưu giữ những giá trị văn hóa của cộng đồng làng, là nơi hội tụ linh khí của trời đất và gởi gắm niềm tin của con người và thần linh. Nhà rông còn là nơi hội họp, bàn bạc và quyết định những công việc liên quan đến cộng đồng làng. Chính vì lẽ đó, một nhà rông mới được duy tu sửa chữa, từ khung nhà, sàn nhà hay mái tranh, sau khi hoàn thiện cộng đồng làng sẽ tổ chức lễ mừng nhà rông mới một cách trang trọng và chu đáo. Để khánh thành nhà rông, vì nhà rông có lợi ích của nhân dân, của dân tộc Tơ Đrá cần thiết phải có Nhà rông để sau này cúng bái tâm linh và hội họp, hội nghị cái gì cũng cần tập trung tại nhà rông cũng như truyền thống để lại. Vì vậy việc tổ chức mừng nhà rông được tổ chức thật sự rất trang trọng, Gìa làng A Hiang, làng Kon Bưu, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy chia sẻ: Để khánh thành nhà rông, vì nhà rông có lợi ích của nhân dân, của dân tộc Tơ Đrá cần thiết phải có Nhà rông để sau này cúng bái tâm linh và hội họp, hội nghị cái gì cũng cần tập trung tại nhà rông cũng như truyền thống để lại. Vì vậy việc tổ chức mừng nhà rông được tổ chức thật sự rất trang trọng.
Những nghi lễ mừng nhà rông mới được tổ chức trang trọng và chặt chẽ, vì lẽ đó khâu trang trí cũng được người dân trong làng chú trọng, những hình ảnh sinh động đẹp mắt được trang trí cầu kỳ tại các vị trí trong nhà rông. Đồng thời các nghi lễ thực hiện mừng nhà rông mới được các già làng, người có uy tín thực hiện việc cầu khấn trang nghiêm, các thanh niên vạm vỡ trong làng thực hiện việc đánh các hồi trống dồn dập để dâng cho giàng niềm vui bất tận của dân làng khi có nhà rông mới, mời thần linh, ông bà tổ tiên chứng giám, phù hộ cho bà con thật nhiều sức khỏe, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Anh A Tú Bí thư chi bộ thôn 3, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy chia sẻ thêm: Nhà rông là nơi tổ chức các phong tục tập quán, giao lưu văn hóa của thôn làng ví dụ như: phong tục nhà rông như: tổ chức đâm trâu heo dê ngày xưa, cúng máng nước người ta đều tổ chức hết tại nhà rông. Còn việc khánh thành nhà rông, tân gia nhà rông cũng coi như mình khánh thành nhà mới, cả làng mình xây dựng nhà văn hóa như thế mong rằng có nhà đó, mình giao lưu giải trí, cúng bái phong tục thôn làng mình cũng từ nhà rông mong rằng nhà rông đó sau này đem lại hạnh phúc.
Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã góp phần tô đậm thêm nét đặc sắc văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lễ hội truyền thu hút đông đảo du khách tới tham quan và trải nghiệm các lễ hội truyền thống tại các buông làng.
Anh Lại Văn Toàn- khách du lịch trãi nghiệm tâm sự: Tôi rất thích lễ hội truyền thống của các địa phương và đặc biệt đến đây là lễ hội Ban Na ở đây, còn giữ nguyên những nét đặc sắc của dân tộc họ từ già làng đến các gia đình và đến các trẻ nhỏ. Tôi đã háo hức đến đây từ rất sớm vào nhà Già làng A Jin Đen và được mời vào tham gia lễ cúng cùng gia đình, tôi rất mong muốn cái lễ hội này được bảo tồn gìn giữ và phát huy văn hóa bản địa. cũng có thể là trãi nghiệm cho các du khách đến tham quan và trãi nghiệm văn hóa các phong tục trong làng.
Huyện Kon Rẫy hiện còn nhiều lễ hội truyền thống được bà con ở các thôn, làng trên địa bàn huyện tổ chức mỗi khi có dịp như lễ hội mừng máng nước, lễ hội mừng lúa mới hay lễ hội mừng năm mới. Phần lớn các nghi thức trong các lễ hội đều rất đặc sắc đến nay vẫn được cồng đồng các dân tộc gìn giữ một cách thận trọng và truyền lại cho các thế hệ sau. Mỗi khi lễ hội được tổ chức là điều kiện để dân làng có cơ hội giao lưu, gặp gỡ lẫn nhau, cùng nhau hàn huyên tâm sự hay múa xoang cùng làn điệu cồng chiêng cho đến tận ngày hôm sau. Bà Đinh Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy khảng định:Công tác gìn giữ bảo tồn các lễ hội truyền thống là một thành phần nội dung quang trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc huyện Kon Rẫy. Trong năm, đối với huyện Kon Rẫy có rà soát đánh giá tất cả các lễ hội trong đó cũng ưu tiên bảo tồn gìn giữ, phát huy các lễ hội truyền thống. Nhưng đồng thời cũng tăng cường công tác tuyên truyền lãnh đạo đối với các địa phương và có rà soát đánh giá các lễ hội mang tính chất lạc hậu không còn phù hợp để tuyên truyền người dân bỏ dần những lễ hội không cần thiết. Tập trung những lễ hội hệ trọng mang tính ý nghĩa tạo sự đoàn kết trong cộng đồng người địa phương trên địa bàn, đảm bảo gìn giữ bản sắc văn hóa của người địa phương trong thời gian qua.
Có thể nói các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Rẫy được bà con dân làng gìn giữ cho đến nay, mỗi lễ hội là một sắc màu riêng, là tiếng nói tâm linh của mỗi dân tộc. Nhưng trên hết các lễ hội đều cầu mong cộng đồng dân cư có thật nhiều sức khỏe, cháu con chăm ngoan, mọi việc thuận lợi hanh thông, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu và kinh tế thôn, làng không ngừng phát triển./.