A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Rẫy giai đoạn 2021 - 2025

Du khách đến với huyện Kon Rẫy (Kon Tum) là đến với Không gian Làng truyền thống với những nhà Rông, nhà sàn, lễ hội truyền thống, Không gian văn hóa cồng chiêng…của bà con đồng bào các dân tộc Ba Na, Tơ Đra, Xê Đăng…anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng, hăng say trong lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mớ

Một ngôi làng ven sông thơ mộng của bà con Tơ Đra, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy

Thực trạng công tác bảo tồn, phát huy nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 – 2021

Trên cơ sở các quy định hiện hành (đặc biệt là Công văn số 3358/UBND-KGVX ngày 12 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản lý, sử dụng nhà Rông trên địa bàn tỉnh), Ủy ban nhân dân huyện đã thường xuyên chỉ đạo các địa phương trong huyện triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, huy động sức dân vào việc khôi phục nhà Rông truyền thống; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ bảo lưu, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; đồng thời đưa các nội dung sinh hoạt văn hóa mới vào nhà Rông để nhà Rông thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo đúng tình thần Chỉ thị số 21/CT-UB ngày 25 tháng 11 năm 1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc duy trì và khôi phục nhà Rông truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; các chương trình hoạt động chuyên đề thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thường xuyên chỉ đạo và gắn việc vận động xây dựng, quản lý hoạt động nhà Rông truyền thống với công tác vận động Khu dân cư văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện.
Cùng với những kết quả đạt được thời gian qua trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, công tác bảo tồn, khôi phục, quản lý và sử dụng nhà Rông truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời và đạt hiệu quả tích cực. Đa số làng đồng bào dân tộc thiểu số đã sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có và nguồn lực của cộng đồng, địa phương để xây dựng nhà Rông đảm bảo kiến trúc truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh đó, với vai trò là một thiết chế văn hóa theo các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và theo hương ước, quy ước của làng, việc sử dụng nhà Rông luôn đảm bảo phù hợp với yếu tố truyền thống và các quy định của chính quyền các cấp về thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, làng. Nhà Rông là nơi tổ chức lễ hội cổ truyền, các hoạt động tín ngưỡng dân gian, các hoạt động hội họp, sinh hoạt, tiếp khách đến làm việc...; nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị - xã hội theo quy định.

Đến nay, theo thống kê huyện đã có 06 xã, 01 thị trấn với 36 nhà Rông được xây dựng và khôi phục; nguyên liệu sử dụng để xây dựng, khôi phục chủ yếu từ nguyên liệu tại chỗ (tranh, tre, nứa, gỗ, song mây...). Trong đó, xã Đăk Pne có 04 thôn làng của đồng bào Ba Na với 04 nhà Rông (có nhà Rông được xây dựng sớm nhất từ năm 1985 và muộn nhất là năm 1994). Xã Đăk Tờ Re có 09 thôn (với 10 làng) của đồng bào Tơ Đra và Ba Na với 10 nhà Rông (được xây dựng từ những năm 1994 đến năm 2010). Thị trấn Đăk Rve có 02 thôn làng của đồng bào Ba Na (nhánh Giơ Lâng) và Tơ Đra với 02 nhà Rông (được xây dựng những năm 1992-1993). Xã Đăk Ruồng có 06 thôn (với 08 làng) của đồng bào Ba Na (nhánh Giơ Lâng) và Tơ Đra với 08 nhà Rông (nhà Rông được xây dựng sớm nhất từ năm 1981, muộn nhất là năm 2007). Xã Tân Lập có 02 thôn làng của đồng bào Tơ Đra và Ba Na (nhánh Giơ Lâng) với 02 nhà Rông (được xây dựng năm 2011 và năm 2016). Xã Đăk Kôi có 09 thôn làng của đồng bào Xê Đăng với 09 nhà Rông (được từ những năm 1990 đến năm 1998). Xã Đăk Tơ Lung 08 thôn làng của đồng bào Tơ Đra với 08 nhà Rông (được xây dựng sớm nhất từ năm 1942 (Thôn 3, Làng Kon Bỉ), muộn nhất đến năm 2004 (thôn 2, Làng Kon Lông).

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Kon Rẫy vẫn còn một số ít nhà Rông trong quá trình xây dựng có sử dụng vật liệu bê tông cốt thép hoặc có sự pha trộn giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại mà nguyên nhân chủ yếu là nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có ngày càng hạn chế. Công tác xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực khác để xây dựng nhà Rông còn khó khăn; một số nhà Rông đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng thiếu kinh phí để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa.

Giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025.

Để thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy nhà Rông truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Kon Rẫy xác định một vài giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, huy động sức dân vào việc khôi phục nhà Rông truyền thống; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ bảo lưu, tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Hai là, xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện dự án nông thôn mới; xây dựng khu dân cư và đảm bảo các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới (trong đó có nội dung xây dựng, sửa chữa, tôn tạo nhà Rông truyền thống)

Ba là, triển khai công tác xã hội hóa, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng, sửa chữa nhà Rông. Gắn việc vận động xây dựng, quản lý hoạt động nhà Rông truyền thống với công tác vận động Khu dân cư văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện.

Bốn là, phát huy vai trò, uy tín của già làng, người đứng đầu tại các thôn, làng, nhất là trong nghi lễ tổ chức các hoạt động truyền thống tại nhà Rông nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc của thiết chế văn hóa này. 

Năm là, có cơ chế cụ thể, phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho Nhân dân các thôn, làng khai thác nguồn nguyên liệu, vật liệu tại chỗ để xây dựng, sửa chữa nhà

Rông nhằm đảm bảo kiến trúc truyền thống.

Đến với huyện Kon Rẫy, yêu mến gắn bó với vùng đất Tây nguyên đầy nắng, gió và cũng nhiều mưa này, cũng chính là yêu mến nét đẹp truyền thống của những bản làng đơn sơ, mộc mạc, giản dị của bà con Ba Na, Xê Đăng, Tơ Đra với nhà Rông, nhà sàn, những Lễ hội truyền thống, điệu múa xoang nhịp nhàng của những cô gái, chàng trai hòa chung với âm vang của cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng khi bản làng vào Hội...Mong rằng, những nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc ấy tiếp tục được trân trọng, giữ gìn và phát huy hơn nữa trong thời gian tới.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật