Trong những ngày đầu chia tách, huyện Kon Rẫy đối mặt với hàng loạt những khó khăn, tồn tại như điểm xuất phát của nền kinh tế thấp; mặt bằng dân trí thấp, không đồng đều. Cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội, nhất là giao thông nông thôn còn hạn chế. Thương mại dịch vụ chưa phát triển. Tỷ lệ đói nghèo còn cao, chiếm tỷ lệ 70% tổng số dân, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Chất lượng dạy học, khám chữa bệnh còn nhiều hạn chế, khu vực vui chơi giải trí hầu như chưa được đầu tư xây dựng. An ninh- trật tự an toàn xã hội có lúc xảy ra phức tạp, vẫn còn xảy ra hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số TCCS Đảng, đảng viên còn nhiều hạn chế. Năng lực quản lý điều hành của chính quyền còn yếu, nhất là cơ sở và trên lĩnh vực kinh tế.
Trước hàng loạt khó khăn của một huyện mới chia tách, Đảng bộ và chính quyền huyện Kon Rẫy đã nhận định rõ tình hình, bàn bạc đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho từng giai đoạn 2006-2010, 2010- 2015, 2015- 2020, 2020- 2025. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời tỉnh, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo đúng định hướng và mục tiêu của các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Đổi thay ở trung tâm huyện Kon Rẫy. Ảnh: Thành Trung
Nhờ vậy, kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, diện mạo của huyện ngày càng khởi sắc. Tổng thu ngân sách địa phương không ngừng tăng qua các năm, từ 20 tỷ đồng (năm 2002) lên 274 tỷ đồng (năm 2021). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2002) lên 32,1 triệu đồng (năm 2021); Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới bình quân hàng năm giảm 6,6% (năm 2002, toàn huyện có trên 70% hộ nghèo, đến năm 2021 giảm còn 11,07%).
Công tác xây dựng NTM mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Đến nay, toàn huyện đã có 3/6 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã được công nhận NTM nâng cao, 1 xã (Đăk Tờ Re) đang hoàn chỉnh các hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM và 2 xã còn lại cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (từ 14 đến 15 tiêu chí).
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; công tác giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách an sinh xã hội được quan tâm kịp thời. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được quan tâm, nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường và giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Công tác tuyên giáo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được tăng cường; kỷ luật, kỷ cương của Đảng được giữ vững; công tác dân vận của Đảng, hệ thống chính trị được phát huy hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia vào tổ chức đoàn, hội. Hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp được tăng cường.
Đổi thay vùng nông thôn. Ảnh: Thành Trung
Đặc biệt, công tác củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và công tác đảng viên được thực hiện đồng bộ, từ 31 TCCSĐ với 523 đảng viên (năm 2002) đến nay đã tăng lên 51 TCCSĐ với 1.659 đảng viên (năm 2021). Nếu như năm 2002, toàn huyện có 24 đơn vị trực thuộc cơ sở chưa có tổ chức đảng và 14 đơn vị chưa có đảng viên thì đến nay, 100% đơn vị đã có tổ chức đảng và đảng viên. Đến nay 100% chi bộ thôn đều có tổ chức Đảng và kiện toàn cấp ủy đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác cán bộ từng bước đổi mới, mang lại hiệu quả tích cực; việc đánh giá, xây dựng quy hoạch và tạo nguồn cán bộ kế cận được rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện đồng bộ đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần vào tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Những thành quả mà huyện Kon Rẫy đạt được trong 20 năm qua là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của các sở ngành đã tạo điều kiện cho huyện từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng cũng như phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, của các cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của HĐND các cấp; sự đoàn kết thống nhất, đồng hành, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tích cực trong lao động, sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện. Một yếu tố quan trọng nữa phải kể đến chính là tinh thần đoàn kết. Đó là cội nguồn sức mạnh, là nền tảng để Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Kon Rẫy cùng đồng tâm nhất trí vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển huyện nhà 20 năm qua.
Phát huy kết quả đạt được trong 20 năm qua và từng bước khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục đoàn kết, phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ huyện, xây dựng huyện Kon Rẫy ổn định, phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và các tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế của huyện; đẩy mạnh phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự trong mọi tình huống…