A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Rẫy 20 năm xây dựng và phát triển

Trong 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Kon Rẫy chung sức, đồng lòng đẩy mạnh các phong trào thi đua và đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần xây dựng diện mạo khởi sắc trên mảnh đất Kon Rẫy hôm nay.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành linh hoạt, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể và sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, các chỉ tiêu lớn hàng năm của huyện đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế ngày càng phát triển, tổng giá trị sản xuất tăng cao qua các năm. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng hơn 10 lần so với năm 2002. Tổng thu ngân sách địa phương (năm 2021) tăng hơn 13,7 lần so với khi mới chia tách, thành lập. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2002) lên 32,1 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 70% (năm 2002) giảm xuống còn 11,07 % (năm 2021).

Đáng mừng là nhận thức của nhân dân trong việc phát triển cây công nghiệp, sản xuất hàng hoá ngày càng có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện tập trung chỉ đạo, triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện trồng lúa, mì, cây mắc ca theo quy mô cánh đồng lớn với diện tích 197,5 ha; mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao được triển khai tại 2 xã Đăk Tờ Re và Đăk Ruồng với quy mô từ 300-500 con heo thương phẩm/năm. Huyện có 4 sản phẩm OCOP (đã được đăng ký truy xuất nguồn gốc) đạt 3 sao cấp tỉnh.

Hệ thống hạ tầng ở Kon Rẫy từng bước được đầu tư đồng bộ. Ảnh: Thành Trung

 

Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư nâng cấp; các nguồn lực được chú trọng khai thác và sử dụng phát huy hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân chuyển biến tích cực. Chương trình xây dựng NTM được tập trung triển khai thực hiện, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong tham gia xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn Kon Rẫy ngày càng khởi sắc, đến nay, toàn huyện có 3/6 xã đạt chuẩn xã NTM, trong đó, xã Tân Lập đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.

Công nghiệp- xây dựng có bước phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp qua các năm đều đạt chỉ tiêu đề ra. Tiềm năng đất đai, thủy điện được khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 công trình thủy điện vừa và nhỏ hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng công suất 37,6 MW, đóng góp bình quân hàng năm cho ngân sách huyện khoảng 11,8 tỷ đồng. Công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng được huyện chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

Trong 20 năm qua, huyện đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong toàn xã hội để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của người dân, phá vỡ thế ngõ cụt về giao thông trong những năm trước đây, tạo điều kiện cho huyện Kon Rẫy giao lưu thuận lợi với khu vực trong và ngoài huyện. Các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đến nay, 100% xã, thị trấn có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% số xã, thị trấn có điện lưới quốc gia với 100% số hộ sử dụng điện. Khu trung tâm huyện tại Đăk Ruồng-Tân Lập được quan tâm đầu tư và đến nay, đã đạt 74,26 điểm của tiêu chí đô thị loại V.

Thương mại- dịch vụ tiếp tục phát triển, các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chính sách xã hội được cung ứng đầy đủ, kịp thời. Các doanh nghiệp và hợp tác xã được thành lập mới tăng hàng năm, hoạt động đa dạng và hiệu quả. Hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng, nhất là Ngân hàng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm nghèo và đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn huyện. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được chú trọng, môi trường đầu tư có bước cải thiện; các dự án đi vào hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách địa phương.

Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, nên trong 20 năm qua, cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Quy mô trường lớp trên địa bàn huyện ngày càng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Đến nay, toàn huyện có 27 trường học, trong đó có 8 trường đạt chuẩn quốc gia.

Người dân Kon Rẫy tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống. Ảnh: Thành Trung

 

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng được nâng cao. Mạng lưới y tế được bao phủ rộng khắp và ngày càng được củng cố, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 65% năm 2002 xuống còn 27,7% năm 2021. Tỷ lệ người dân được khám chữa bệnh đạt trên 95%. Số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao, đạt 98% năm 2021.

Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa được quan tâm, nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn; các lễ hội truyền thống của các dân tộc được duy trì, phát huy. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người có công, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội ngày càng được cải thiện.

Những thành quả đạt được đó chính là kết tinh của ý chí, của niềm tin, là động lực khơi dậy từ sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã không ngừng nỗ lực vì một Kon Rẫy ổn định và phát triển. Đó là nền tảng vững chắc, là tiền đề quan trọng, bài học quý báu, đã và đang tạo ra thời cơ, vận hội mới cho huyện những năm tiếp theo.

Nắm bắt, tận dụng cơ hội nhằm thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát huy tối đa nội lực, lợi thế gắn với huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ bên ngoài và tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp trên. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư du lịch, trồng cây công nghiệp. Tranh thủ, kêu gọi nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đầu tư các công trình, hệ thống giao thông có tính chất kết nối giữa huyện với các huyện trong và ngoài tỉnh.

Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, mở rộng các loại hình dịch vụ, du lịch; Tập trung thực hiện các lĩnh vực trọng tâm đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến; đầu tư phát triển đô thị và tăng cường cải cách hành chính. Tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của huyện; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để nhân rộng.

Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững. Phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa; rà soát, xác lập và phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn chế biến và thị trường tiêu thụ. Hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã liên doanh, liên kết thực hiện bao tiêu, tạo đầu ra cho sản phẩm để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giá trị cao.

Kế thừa thành quả 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kon Rẫy tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng huyện nhà ổn định và phát triển nhanh, bền vững. 


Tác giả: Võ Văn Lương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật