Chị Võ Thị Bích Thủy bên mô hình trồng cây Mắc ca của mình
Là một nữ hộ sinh công tác tại xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei trên 10 năm, nhưng vì hoàn cảnh con nhỏ, bị bệnh hiểm nghèo chị Võ Thị Bích Thủy phải xin nghỉ việc về Kon Tum có điều kiện chữa bệnh cho con. Năm 2014, chị đã bén duyên với mãnh đất ở xã Đăk Ruồng. Chị đã bắt tay vào cải tạo đất đai và trồng cây Mắc ca đầu tiên ở huyện Kon Rẫy.
Chị Thủy tâm sự “Năm 2014, mình có anh bạn giới thiệu trồng cây Mắc ca, vợ chồng mình đã lên thôn 11, xã Đăk Ruồng mua đất trên 11 ha để trồng cây Mắc ca với 3 ha thấy cây trồng phát triển tốt, tiếp 2015 – 2016, gia đình trông thêm 8 ha nữa. Đến thời điểm này, cây Mắc ca cho thu bói năm thứ 2; năm ngoái cho thu bói hơn 01 tấn; năm nay ước lượng thu hơn 10 tấn”.
Hiện nay, trong vườn gia đình chị Thủy có hơn 1.000 cây mắc ca đang sinh trưởng, phát triển tốt. Mắc ca là cây thân gỗ, cao trên 15m, cây có tuổi khai thác kinh tế từ 40-60 năm. Để vườn cây xanh tốt, vợ chồng chị đã tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc và bón phân hợp lý.
“Cây mắc ca nó không phụ thuộc vào yến tố khí hậu mà nó phụ thuộc vào yếu tố chăm sóc; thời kỳ ra hoa đủ độ ấm tức là nước, nó bung hoa đậu trái như cây cà phê. Nói chung ở Kon Rẫy trồng được mắc ca mọi địa phương khác ở tỉnh Kon Tum đều trồng được mắc ca”, chị Thủy tâm sự.
Trong thời gian qua, có nhiều đoàn công tác đã đến tham quan và khảo sát đánh giá kết quả trồng cây Mắc ca tại mô hình chị Thủy. Chị rất vui vẻ trao đổi với mọi người về cách xây dựng mô hình trồng cây Mắc ca của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chuyên viên chính - Tổng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp cho hay “Sau khi tham quan mô hình của gia đình chị Võ Thị Bích Thủy, chúng tôi đánh giá mô hình có hiệu quả, trái nhiều so với các tỉnh ở Đăk Lắk, Lâm Đồng trồng. Ở cây tuổi sáu mà cho năng suất 10 kg/cây, như vậy là rất tốt; thứ hai cây Lâm nghiệp sâu bệnh tương đối ít, Chính phủ đang có chủ trương phát triển Mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Do vậy các hộ dân nên trồng cây mắc ca ở vùng này rất phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các cây trồng khác”.
Hiện bà con Nhân dân nói chung, gia đình chị Thủy nói riêng hy vọng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện và quan tâm hỗ trợ một số chính sách để phát triển cây Mắc ca góp phần mang hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hiện nay, gia đình chị Thủy đang thực hiện sản phẩm OCOP ở địa phương, chị mong muốn cấp ủy – chính quyền các cấp tiếp tục có chính sách hỗ trợ để chị thực hiện sản phẩm COOP, đồng thời đầu tư đường giao thông nông thôn vào khu sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Kỳ - Chuyên viên chính, Tổng Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp đánh giá: Cây Mắc cao gấp 3 lần so với cà phê, đầu tư thấp hơn cà phê chỉ bằng ½ cà phê; do vậy hiệu quả kinh tế cao, như mô hình gia đình chị Thủy, chúng ta đánh giá cao về hiệu quả cũng như cách chăm sóc cho cây, gia đình chị đều áp dụng khoa học kỹ thuật về trồng trọt.
Không chỉ là người tiên phong trồng cây Mắc ca tại địa phương, gia đình chị Thủy đã tạo điều kiện cho 3 lao động của thôn 11, xã Đăk Ruồng có công ăn việc làm ổn định mỗi tháng thu nhập trên 3 triệu đồng/ tháng. Ngoài diện tích hơn 10 ha cây Mắc ca, gia đình chị còn đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà vịt để cải thiện cuộc sống hàng ngày trong gia đình. Mặt khác chị là một công dân thường xuyên có nhiều đóng góp xây dựng thôn làng vững mạnh và tham gia đầy đủ các quy định ở khu dân cư; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm rộng cho mọi người dân, để Nhân dân có thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Mô hình trồng cây Mắc ca của gia đình chị Võ Thị Bích Thủy bước đầu khẳng định cây trồng có giá trị kinh tế cao, ít sâu bệnh, có tính thích nghi rộng, không khó trồng, không đòi hỏi đầu tư quá nhiều và có thể trồng xen với nhiều loại cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.