A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và VSATTP

Sáng 22/12, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Luật Phòng, chống ma túy (PCMT); công tác phòng, chống dịch Covid-19 và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến

Dự tại điểm cầu huyện Kon Rẫy có đồng chí Đinh Thị Hồng Thu - HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan của huyện.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghiên cứu Luật PCMT số 73/2021/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, ngày 21/12/2021 Quy định chi tiết một số điều của Luật PCMT, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy (CNMT) và quản lý sau CNMT (viết tắt là Nghị định số 116), có hiệu lực kể từ ngày 01/1/2022.

Nghị định số 116 gồm 8 chương, 89 điều, quy định 6 nội dung lớn về cai nghiện và quản lý sau CNMT. Trong đó, bao gồm: Điều kiện hoạt động của cơ sở CNMT công lập, thủ tục cấp và thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở CNMT tự nguyện, thủ tục đăng ký và công bố tổ chức và cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ CNMT tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; quy trình CNMT; CNMT tự nguyện; CNMT bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; CNMT bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; quản lý sau CNMT.

Để chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai Nghị định số 116, Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cai nghiện và quản lý sau CNMT để người dân, các cơ quan quản lý nhà nước hiểu, nhận thức đúng các thay đổi về chính sách, về tổ chức thực hiện trong công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện theo Luật PCMT và Nghị định số 116. UBND các tỉnh, thành phố khảo sát, thống kê toàn bộ số người nghiện ma túy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi để chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cho công tác cai nghiện, quản lý sau CNMT. Đánh giá khả năng tiếp nhận của các cơ sở CNMT (bao gồm cả cơ sở cai nghiện công lập và cơ sở cai nghiện tư nhân), điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để thực hiện quy trình CNMT. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút người vào làm việc tại các cơ sở cai nghiện công lập; chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác CNMT tự nguyện. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm công tác cai nghiện, quản lý sau CNMT.

Đồng thời, Hội nghị đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Chính phủ yêu cầu dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo ở những địa bàn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để 5K, truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K+vắc xin, thuốc+biện pháp điều trị phù hợp+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Tổ chức Chiến dịch Bảo vệ người có nguy cơ trên toàn quốc đến ngày 31/12/2021. Các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, khẩn trương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đảm bảo bao phủ đủ mũi cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; đặc biệt lưu ý các đối tượng từ 18-50 tuổi thường xuyên di chuyển và các nhóm đối tượng có nguy cơ. Tổ chức tiêm vét tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người di chuyển khó khăn, hoàn thành trong tháng 12/2021. Chủ động đánh giá tỷ lệ triệu chứng, nặng, tử vong của tiêm 1 mũi, tiêm 2 mũi, trên cơ sở đó điều chỉnh quy định xét nghiệm và truy vết, cách ly cho phù hợp.

Hội nghị cũng đã triển khai công tác bảo đảm VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022 từ ngày 20/12/2021 đến hết ngày 12/3/2022 trong phạm vi cả nước. Mục tiêu là để hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội Xuân có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Đồng thời, huy động tối đa kênh truyền thông, phổ biến các quy định của pháp luật về VSATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần huy động cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, dịch Covid-19 và bảo đảm VSATTP trong dịp Tết. Trong đó, tăng cường phối kết hợp chặt chẽ với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Đặc biệt, coi trọng vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các công tác nói trên; đồng thời, cố gắng đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ VSATTP gắn với Chương trình OCOP ở các địa phương để đưa sản phẩm nông nghiệp của nước ta đảm bảo VSATTP, nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Tác giả: Lâm Hiền (Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện)


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật