A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ vững và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Xác định công tác xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt và có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện nhất là đời sống Nhân dân, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. UBND huyện, Ban chỉ đạo các chương trình MTQG huyện, Ban chỉ đạo chương trình MTQG nông thôn mới cấp xã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 Lễ công bố xã Tân Lập đạt chuẩn NTM nâng cao và thôn 3 xã Tân Lập đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2021; Ảnh: Thành Trung

Nhớ lại những ngày đầu huyện mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân còn hạn chế; hàng hóa nông sản khó tiêu thụ, giá cả thị trường không ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cao, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; ý thức của một bộ phận người dân tham gia trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới chưa cao. Nhu cầu nguồn lực để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là rất lớn trong khi điều kiện địa hình khu vực nông thôn của huyện không thuận lợi, toàn huyện có 04/06 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, khả năng lồng ghép từ các chương trình chưa cao; nguồn vốn ngân sách đầu tư còn thấp, nguồn lực địa phương hạn chế... 

Trước những khó khăn đó, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; phân bổ kinh phí kịp thời để các xã thực hiện chương trình; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Ban chỉ đạo các xã hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra triển khai các nội dung xây dựng nông thôn mới theo chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực quản lý. Ban chỉ đạo huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác; phân công các thành viên kiểm tra, đôn đốc các địa phương. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được huyện tổ chức cùng bàn bạc, thảo luận, tìm giải pháp vừa phù hợp với tình hình thực tế địa phương vừa mang lại hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phân công cán bộ, đảng viên bám sát từng địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân....

 Nhân dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy, tham gia làm đường giao thông nông thôn; Ảnh: Thành Trung

Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn và đặc biệt là nâng cao đời sống của nhân dân, bởi vậy, trong thời gian qua, huyện đặc biệt ưu tiên nội dung phát triển hạ tầng nông thôn như: Tập trung đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn; xây dựng cơ sở vật chất trường học, trạm y tế.... Cùng với đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương; lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho người dân giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất, ứng dụng các mô hình nông nghiệp mới nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Nhờ vậy, qua thời gian, những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới dần được tháo gỡ. Đặc biệt, qua tuyên truyền, vận động, Nhân dân trong huyện đã nắm bắt được tinh thần, ý nghĩa xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia Phong trào “Kon Rẫy chung tay xây dựng nông thôn mới, có nhiều đóng góp ngày công lao động, tiền mặt, hiến đất... xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Theo thống kê, tổng nguồn kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 là 31.895 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình 29.600 triệu đồng, vốn dân đóng góp 2.295 triệu đồng và hiến được 5.137 m2 đất; giai đoạn 2016-2019, là 56.399 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình 39.955 triệu đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án 10.922 triệu đồng, vốn dân góp 5.522 triệu đồng (bằng ngày công lao động 4.738 triệu đồng, bằng tiền mặt 784 triệu đồng) và hiến được 4.990 m2 đất.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện Kon Rẫy ngày càng khởi sắc, đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng cải thiện. Nếu như năm 2011, toàn huyện đạt chuẩn 36 tiêu chí, chiếm 31,57% (trong đó có 1 xã đạt 09 tiêu chí (Đăk Ruồng), 1 xã đạt 07 tiêu chí (Đăk Tơ Lung), 1 xã đạt 06 tiêu chí (Đăk Pne), 2 xã đạt 05 tiêu chí (Tân Lập, Đăk Pne), 01 xã đạt 04 tiêu chí (Đăk Kôi)); bình quân đạt 6 tiêu chí/xã thì đến cuối năm 2021 đã có 3 xã (Đăk Ruồng, Tân Lập, Đăk Tơ Lung) đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 (xã Đăk Tờ Re); tổng số tiêu chí đã đạt toàn huyện là 105/114 tiêu chí, đạt 92,11%, bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã.

Đặc biệt, trong những ngày cuối năm 2021, huyện Kon Rẫy nói chung và người dân xã Tân Lập nói riêng đón nhận tin vui khi xã Tân Lập là xã đầu tiên của tỉnh Kon Tum đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2021 và thôn 3, xã Tân Lập đã được Chủ tịch UBND huyện quyết định công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021. 

Có thể nói, quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã mang lại những kết quả tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc…Có được kết quả trên là nhờ sự đồng tâm hiệp lực, sự đoàn kết, nỗ lực của mỗi người dân và sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.  

Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, trong thời gian tới, huyện Kon Rẫy tiếp tục thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp để ổn định thu nhập và nâng cao đời sống người dân. Xác định các lĩnh vực trọng tâm còn tồn tại hạn chế của khu vực nông thôn để tập trung xây dựng các Chương trình đầu tư hỗ trợ như về lĩnh vực nâng cao thu nhập người dân, môi trường nông thôn và an ninh nông thôn. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Đổi mới hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường các giải pháp nhằm huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, vận động để nâng cao tinh thần tự lực, vận động Nhân dân chủ động, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới…để giữ vững và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./. 


Tác giả: Nguyễn Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật