A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giới thiệu nét đẹp nghề gốm truyền thống của người Ba Na

Đan lát, chế tác nhạc cụ, tạc tượng, dệt thổ cẩm, làm gốm … là những nghề thủ công lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng,Gia Rai…vùng Bắc Tây Nguyên nói riêng. Nhân dịp đón Xuân mới Nhâm Dần 2022, đại diện nghệ nhân của huyện Kon Rẫy đã tham gia chương trình “Trải nghiệm, khám phá nghề thủ công truyền thống” tại Bảo tàng tỉnh.

Nghệ nhân Y Pư( phải) chế tác gốm, giới thiệu nét đẹp nghề thủ công   

   Được gắn với Hội báo Xuân chủ đề “Trải nghiệm văn hóa truyền thống” do Hội Nhà báo tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông phối hợp tổ chức, chương trình mừng Xuân đầy ý nghĩa này thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, Nhân dân trong tỉnh và du khách đến Kon Tum. Được chọn giới thiệu nét đẹp nghề gốm thủ công của người Ba Na (nhánh Jơ lâng), nghệ nhân Y Pư ( Làng Kon Xơ MLuh, xã Đăk Tờ Re) để lại ấn tượng đẹp.

 Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm, từ khi còn trẻ, chị Y Pư đã thạo nghề và hiện là một trong số ít nghệ nhân trong làng còn gắn bó với công việc này.

 Với đặc thù địa hình và kết cấu địa chất, từ xưa, làng đã có một khu vực đất sét, thuận tiện cho việc lấy nguyên liệu để làm gốm. Theo chị Y Pư : Đất này được đem phơi khô, giã nát, rồi giần sàng cẩn thận, lấy bột đất tơi mịn. Đất mịn được trộn với nước, nhào, đập  thật kỹ, thành một khối đất dẻo để nặn thành đồ dùng, vật dùng.

           Hoàn thiện sản phẩm trước khi nung

 Nét độc đáo trong chế tác gốm của người Ba Na là không dùng bàn xoay như người Kinh và các dân tộc thiểu số khác, mà phải đi vòng quanh bàn đựng vật liệu để làm ra sản phẩm thô. Cụ thể, khi cục đất nặn được đặt cố định trên tấm phên bằng tre, người thợ dùng tay để nặn, vừa nặn vừa di chuyển vòng quanh tấm phên.

Sau khi vật nặn (chủ yếu là  bát, bình, nồi…) đã được định hình, người thợ gốm lấy đá chà cho láng mặt ngoài, trước khi đem phơi. Để đồ gốm thêm độ bền, sau khi phơi, đồ gốm “sống” được đem hong bên bếp lửa. Người thợ cũng dùng nước vỏ cây rừng để bôi lên vật nung, tạo màu đen bóng, vừa đẹp vừa bền chắc. Để làm “chín” gốm, đơn giản chỉ đốt một đống củi, đặt đồ gốm lên và nung ở ngoài trời.

Cuộc sống ngày càng phát triển, ngày càng ít người quan tâm đến sản phẩm gốm thủ công và các nghề truyền thống. Vì vậy, cho dù không hề dễ dàng, song chị Y Pư vẫn cố gắng chuyên chăm giữ nghề. Tự hào được tôn vinh là Nghệ nhân ưu tú, chị càng cố gắng động viên chị em, con cháu trong làng chịu khó học hỏi, giữ gìn nghề truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị  văn hóa  dân tộc trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Thanh Như

Tác giả: Bài, ảnh: Thanh Như

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật