Ngày Hội Văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy. Ảnh: Vũ Hưng
Đến nay, trên địa bàn toàn huyện Kon Rẫy có trên 20 thành phần dân tộc định cư. Việc hội tụ đa dân tộc là điều kiện để giao lưu, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Bởi vậy, trong 20 năm xây dựng và phát triển, huyện Kon Rẫy luôn đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; gắn việc phát triển kinh tế với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa...
Ngay sau khi chia tách huyện, ngành Văn hóa đã tham mưu tổ chức Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc trên địa bàn huyện định kỳ 2 năm/1 lần. Các Ngày hội đã giới thiệu các môn thể thao truyền thống của các dân tộc; trưng bày các dụng cụ trong lao động, sản xuất, các đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày; giới thiệu các món ăn ẩm thực, các bài hát, các điệu múa, các làn điệu dân ca; các bài cồng chiêng, điệu múa xoang của người dân tộc Xơ Đăng, Bahnar ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó, đã thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện, tỉnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
UBND huyện chỉ đạo ngành Văn hóa - Thông tin xây dựng kế hoạch cụ thể để mở các lớp cồng chiêng, múa xoang. Đến nay, ngành Văn hóa – Thông tin huyện đã mở được 12 lớp trên địa bàn 6 xã với 240 học viên; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Trung tâm phát triển nông thôn Tây Nguyên xanh mở 11 lớp tại địa bàn các xã, thị trấn và 02 lớp tại Trường PTDT nội trú huyện với 260 học viên tham dự. Qua các lớp truyền dạy này đã phát huy được tài năng, trí tuệ của những nghệ nhân ưu tú là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhất là những nghệ nhân đã được Nhà nước công nhận; đồng thời đã khơi dậy được niềm đam mê của giới trẻ đối với nhạc cụ dân tộc.
Huyện cũng đã mua sắm và cấp mới 2 bộ cồng chiêng cho 2 thôn, làng và theo thống kê, hiện nay trên địa bàn có 142 bộ cồng chiêng (chủ yếu trong cộng đồng dân cư, do các hộ gia đình gìn giữ. 100% các thôn, làng trên địa bàn huyện đã đội cồng chiêng, múa xoang để sinh hoạt cộng đồng trong các ngày lễ, ngày hội của dân tộc và đất nước.
Đáng chú ý, đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 7 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã được chủ tịch nước phong tặng: Nghệ nhân ưu tú ALik - Đăk Pờ Ne; Nghệ nhân ưu tú A Nhất, Nghệ nhân ưu tú A Liek, Nghệ nhân ưu tú A Jing Đeng - xã Tân Lập; Nghệ nhân ưu tú Y Pưh, Nghệ nhân ưu tú Y Phổih, Nghệ nhân ưu tú A Tăn - xã Đăk Tờ Re. Ngoài ra, có 13 hồ sơ đang được đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trên các lĩnh vực.
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-UBND, ngày 25/11/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc khôi phục nhà rông truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng về việc bảo tồn nhà rông của dân tộc mình. Đến nay, tất cả các thôn làng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đều có nhà rông, để sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tổ chức các nghi lễ truyền thống. Điều này cho thấy ngoài sự hỗ trợ về kinh phí, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, còn có sự đóng góp to lớn của đồng bào dân tộc bản địa, khẳng định ý thức tự lực tự cường của các dân tộc thiểu số trong việc khôi phục và xây dựng nhà rông.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác sưu tầm, tìm kiếm các hiện vật văn hóa, các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc thiểu số về trưng bày tại Nhà văn hóa trung tâm huyện. Các lễ hội của đồng bào luôn được quan tâm, phục dựng: phục dựng Lễ hội đâm trâu (X'trăng); phục dựng Lễ bỏ mã (Mớt bơ xát); phục dựng Lễ cầu an (attere); phục dựng Lễ mừng lúa mới; phục dựng Lễ cúng nhà rông mới; phục dựng Lễ hội cúng đất làng.... Đặc biệt là phục dựng Lễ hội Tết con Dúi hay còn gọi là Tết Et Đông của nhóm Dơ Lâng (dân tộc Banah) đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch Quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Khai giảng lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang tại xã Đăk Kôi; Ảnh: Hữu Huy
Bên cạnh các loại hình văn hóa phi vật thể, các loại hình văn hóa vật thể, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, huyện đã làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử cấp tỉnh như: di tích lịch sử cách mạng H16; Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng đồn Kon Brai; Di tích lịch sử phân xưởng luyện gang quân giới Khu V. Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch & Truyền thông xây dựng kế hoạch chi tiết khảo sát, đánh giá các điểm du lịch có tiềm năng của huyện nhà qua các điểm như: Thác Kôi Tó; Thác SNghé; Lòng hồ Đăk Pne; Làng du lịch cộng đồng Kon Brăp Du. Hằng năm, phối hợp với Huyện đoàn tổ chức hành trình về nguồn để giới thiệu cho lớp trẻ các danh lam thắng cảnh của quê hương và niềm tự hào của dân tộc qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống trên địa bàn huyện trong 20 năm qua, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện được phát huy. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được hưởng ứng mạnh mẽ, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.