Quang cảnh cuộc họp
Dự họp tại đầu cầu tại điểm cầu huyện Kon Rẫy có đồng chí Nguyễn Quang Thạch, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Đinh Thị Mỹ Hảo, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Võ Văn Lương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Thủy, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo UBMTTQVN huyện; các ban ngành đoàn thể huyện; Công an huyện; Ban Chỉ huy Quân sự huyện; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, từ ngày 27-29/9/2022, bão số 4 có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến Kon Tum, gây mưa to đến rất to, gió mạnh, nhất là ở các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum. Trên các sông ở Kon Tum khả năng xuất hiện 1 đợt lũ lớn, mực nước lớn nhất đạt mức báo động cấp 2, 3 và trên báo động cấp 3; lưu lượng nước về các hồ chứa có thể đạt mức tần suất lũ từ 10-3%. Mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ, sạt lở đất ở nơi đất dốc.
Trước diễn biến phức tạp của của siêu bão Noru, chiều 25/9/2022, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và ban hành Công điện số 855/CĐ-TTg (ngày 25/9/2022) chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 năm 2022. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-CTUBND (ngày 25/9/2022) chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi, tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, triển khai công tác ứng phó, sẵn sàng xử lý, khắc phục các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn xảy ra.
Tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn thông tin thêm, để chủ động phòng, chống và ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh đã thống nhất cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 cho đến khi có thông báo mới. UBND tỉnh cũng thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại một số địa phương có khả năng bị ảnh hưởng lớn như huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Đăk Glei; giao trách nhiệm cho thủ trưởng các ngành tiến hành kiểm tra, rà soát và tổ chức thực hiện tốt phương án ứng phó với bão lũ đối với các lĩnh vực thuộc ngành, đơn vị phụ trách.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, ban ngành, địa phương tiến hành rà soát lại cơ sở vật chất, chủ động chằng chéo để đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước. Các địa phương cần bố trí lực lượng ngăn không cho người dân qua lại những vị trí nguy hiểm như sông suối, ngầm tràn; khởi động lại hệ thống điều hành liên hồ chứa để ngăn chặn việc xả lũ gây ảnh hưởng khu vực hạ du; chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cứu trợ cho nhân dân ở các khu vực bị chia cắt...
Đồng chí Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy A Pớt lưu ý, đây là cơn bão mạnh, do đó, các ngành, địa phương cần tổ chức rà soát, đánh lại lại những nơi nguy hiểm; kiên quyết di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét; hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa; cắm biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng của cơn bão đối với tỉnh ta. Đồng chí yêu cầu, để bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng của người dân; các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, những việc cần làm trong thời điểm trước, trong và sau bão; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong mọi tình huống.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, từ ngày 27/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực nghiêm túc để nghe báo cáo tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời tình huống phát sinh ở cơ sở; phân công thành viên Ban chỉ huy đi kiểm tra, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bão số 4 tại các huyện, các xã trọng điểm như Pờ Ê, xã Hiếu, Đăk Nên, Ngọc Tem, Đăk Ring, Măng Bút của huyện Kon Plông; Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Măng Ri, Tê Xăng của huyện Tu Mơ Rông; Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Man của huyện Đăk Glei. Các thành viên trong Ban chỉ huy; các sở, ngành có liên quan kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để ứng cứu, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục trong và sau bão.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp chặt với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh để chuẩn bị phương án cứu nạn, cứu hộ khi tình huống xấu xảy ra. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh phối hợp với chủ hồ đập có kế hoạch điều tiết hồ chứa để không xảy ra lũ quét, lũ lớn ở vùng hạ du; trực tiếp đến các thôn, làng, địa bàn có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân, nếu cần thiết thì phải khẩn trương sơ tán, di dời; tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác trước lũ, lũ quét, lũ ống ở các sông, suối.
Đối với các ấp ủy đảng, chính quyền địa phương, địa phương cơ sở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức trực 24/24 từ tối 26-29/9 để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố kiểm tra cơ sở; xuống tận thôn, làng chỉ đạo, triển khai cho xã tổ chức phương án phòng, chống bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với khả năng của mình một cách nghiêm túc, đầy đủ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân. Các địa phương cơ sở cần nhận định xem thôn, làng nào có nguy cơ sạt lở thì di dời nhân dân đến nơi an toàn nhất, chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nhân dân khi cần thiết; rà soát các công trình trường học có nguy cơ tốc mái, đổ sập để gia cố.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu trung tâm y tế các huyện; các trạm y tế xã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, sẵn sàng cứu chữa cho nhân dân. Các xã, thôn tuyên truyền để người dân biết được mức độ nguy hại của cơn bão số 4 để có ý thức tự phòng chống; hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.