A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 14/10/2002 của chính phủ.

Sáng 29/12, Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị địn số 78/2002/NĐ-CP ngày 14/10/2002 của chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Kon Rẫy có đồng chí Nguyễn Quang Thạch – TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Đinh Thị Hồng Thu, HUV – Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành trên địa bàn.

Qua 20 năm hình thành và phát triển, với việc kết nối và hội tụ cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào công tác thực thi tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phát huy sáng tạo vai trò là công cụ mang tính đòn bẩy kinh tế của Chính phủ, nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận tín dụng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo.

NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập, tổ chức giao dịch tại 10.435 Điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước. Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển; tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.090 tỷ đồng.

20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

NHCSXH đã xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù. Theo đó, đã phối hợp với chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 tổ tiết kiệm & vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố. Ngoài ra, chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, doanh số cho vay 17.960 tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.

Tại huyện Kon Rẫy, trong 20 năm qua, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho địa phương. Việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Toàn huyện có 112 Tổ TK&VV, hoạt động đều khắp ở 49 thôn trên địa bàn huyện. Vốn các chương trình tín dụng được đầu tư đều trên địa bàn 7 xã, thị trấn; các nguồn vốn tập trung cho hộ vay sử dụng chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp dài ngày, phát triển kinh tế vườn, kinh doanh, buôn bán... với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 302.359 triệu đồng, 5.092 khách hàng còn dư nợQua 20 năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh; thời điểm năm 2005 là 36,38%, đến nay còn 24,86%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 13,91%; giải quyết việc làm cho 2.918 lao động; xây dựng gần 12.124 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ vốn vay giúp gia đình nghèo, cận nghèo và khó khăn về tài chính có tiền trang trãi chi phí học tập cho 825 em học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; 381 căn nhà ở cho hộ nghèo được sửa chữa và xây mới 23 căn nhà nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tính hiệu quả của chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai chương trình tín dụng; đề xuất các giải pháp quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của tín dụng chính sách trong 20 năm qua, qua đó, tạo sinh kế hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, hướng tới mục tiêu không để ai bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát nguồn vốn vay, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích; tiếp tục củng cố, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.


Tác giả: Lâm Hiền - Hữu Huy (Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật