A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rượu cần Y Thơi

Gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP thoáng đãng, đông vui. Say sưa trao đổi với mọi người,Y Thơi còn nhanh nhẹn minh họa thêm bằng một số thao tác đơn giản, làm cho câu chuyện về những ghè rượu của nữ chủ nhân thêm lôi cuốn, hấp dẫn.

Giới thiệu sản phẩm OCOP “Rượu cần Y Thơi”.

          Ở làng Kon Lung ( xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy), làm rượu cần lâu giờ đã thành “nghề” của các bà, các mẹ, các chị; nhưng ngon nhất, “có tiếng” nhất,vẫn là những chiếc ghè của Y Thơi.  “Nhờ cái tay Y Thơi đó. Cùng một loại nếp, loại men, mà chỉ có nó mới làm ra cái ghè được nhiều người ưng nhất thôi. ”- Bà Y Nía ở làng Kon Bỉ khen ngợi.

           Y Thơi kể: Theo nếp cũ của người Tơ Đrá ( Dân tộc Xơ đăng) vùng suối Đăk Côi, chưa đến dậy thì, Y Thơi cũng như các bạn gái cùng trang lứa đã tập  tành làm quen với rượu ghè từ chính mẹ và bà của họ. Vốn siêng năng lại thêm phần nhanh nhẹn, khéo léo, nên mới vào  tuổi 16-17, Y Thơi cũng đã thành thạo từ cách nấu nếp, trộn men, ủ rượu ...Riêng cách tạo ra men rượu thì phải trải qua nhiều năm vững “ tay nghề” với những ghè rượu ngon, em mới được mẹ chỉ dạy và thực sự làm chủ “bí kíp” gia truyền tưởng chừng đơn giản.

        Cũng như các dân tộc thiểu số anh em Bắc Tây Nguyên, rượu cần của người Tơ Đrá bình thường, dân dã thường được làm bằng củ mì. Lưu ý là loại mì goòn- để giống từ lâu đời, chứ không phải các giống sắn lai chuyên làm thức ăn chăn nuôi hay nguyên liệu chế biến thực phẩm. Tuy vậy, nói đến rượu cần độc đáo đã thành “thương hiệu”, thành sản phẩm đổi trao, thì lại được làm bằng nếp cẩm, nếp than. “ Nếp cẩm hay nếp than cũng là chị em với nhau cả , bởi đều là giống nếp đậm màu và có hương vị thơm ngon.”- Y Thơi bộc bạch. Thực tế, nếp cẩm thường được tỉa ngoài rẫy, hạt hơi tròn, màu đỏ tía pha chút vàng ngà. Nếp than được cấy ở  ruộng, hạt nhỏ và thuôn dài hơn với màu tím sậm ngả đen.

        Trước đây, rượu cần không chỉ giành cho lễ hội, hay mỗi dịp cúng tế mang tính tâm linh trong cộng đồng, mà thường được chị em trong làng làm để dùng trong sinh hoạt hàng ngày.Tuy vậy, công việc của Y Thơi thực sự  được “ lên tay” kể từ khi may mắn được tiếp cận với Chương trình Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Phụ nữ tỉnh. Đó là vào tháng 8/2017, nhờ nguồn vốn từ chương trình, tổ hợp tác Phụ nữ khởi nghiệp làng Kon Lung được thành lập.Không chỉ có điều kiện tạo  nền tảng cơ sở vật chất ban đầu phục vụ chế biến rượu cần truyền thống với các hạng mục (nhà trưng bày, hệ thống giá đỡ sản phẩm…), mà 10 thành viên của tổ hợp tác còn được vay mỗi chị em 2 triệu đồng để chuẩn bị nguyên, vật liệu làm rượu cần nếp than nếp cẩm.

Giữ vai trò “đầu tàu” trong tổ, bằng kinh nghiệm thực tế của bản thân, Y Thơi vừa cố gắng tập hợp, hướng dẫn chị em cách thức làm rượu theo cách truyền thống, vừa chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động theo chu kỳ khép kín từ lúc trồng, tỉa lúa nếp, chuẩn bị nguyên liệu đến khi tiêu thụ sản phẩm.  

                Y Thơi có bí quyết làm men rượu từ cây rừng.

Rượu cần Y Thơi không chỉ phục vụ bà con trong làng, trong xã, mà còn đáp ứng yêu cầu tiêu thụ tại các địa phương lân cận. Thông qua hệ thống vận tải của tỉnh, sản phẩm bình dân quen thuộc  từ  vùng quê Kon Rẫy xa xôi cũng đến với người tiêu dùng tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh bạn láng giềng. Rượu cần góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên tổ hợp tác làng Kon Lung.Cao điểm mùa Tết, chị em đã làm và tiêu thụ được 70-80 ghè rượu mang thương hiệu từ làng.  

          Theo Y Thơi, cùng với nguyên liệu chính là nếp than (nếp cẩm), chủ động men rượu là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng ghè rượu.Vì vậy, bằng thực tế phong phú của mình, chị luôn đảm nhận công việc mang tính đặc thù này, thay chị em trong tổ. Khác xa với các loại men công nghiệp được bán trên thị trường, men rượu truyền thống được làm từ nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, mà vẫn đảm bảo chất lượng với hương vị riêng. Không đơn giản là lấy gạo vo sạch, giã nát trước khi trộn với nước từ vỏ cây “loong hiem” và rễ của cây “rẽ blo”; sự độc đáo của men rượu truyền thống nằm ở “ bí quyết” sử dụng hợp lý các loại cây rừng này.Trong đó, vỏ loong hiem phải được giã nát, vắt lấy nước.Riêng rẽ blo thì chỉ cạo lấy phần vỏ của rễ này, được một thứ bột mịn như mạt xốp. Vì cạo vỏ công phu và mỗi phần rễ cây lại nhỏ, ít nên quá trình này rất kỳ công, vừa mất nhiều thời gian, công sức, lại cần sự tỉ mỉ.

Sau khi có đủ lượng cần thiết, mạt vỏ rễ rẽ blo được trộn với gạo đã giã nát và nước loong hiem rồi đem ủ.Nét độc đáo từ men rượu cần của người Tơ Đrá là chỉ dùng nước vỏ loong hiem chứ không dùng bất cứ loại nước nào khác để tạo độ kết dính cho bột gạo và chính vỏ của rẽ blo mang lại hương thơm,vị đượm cho ghè rượu.

Men rượu được nắm thành từng cục tròn dẹp, phơi nắng hoặc hong trên giàn bếp cho thật khô. Để bảo quản được lâu, nhất là trong mùa mưa, thường thì các chị em lại giã nát cục men khô ra trước khi cho vào ống lồ ô, nút kín rồi để trên giàn bếp, tránh mối mọt hoặc các loại côn trùng khác xâm nhập.Bình thường,10 kg gạo có thể làm được 15 cục men. Mỗi cục men dùng ủ 15 kg nếp làm rượu cần.

Sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, từ cuối tháng 4 năm nay, Y Thơi cùng các thành viên trong tổ hợp tác làng Kon Lung đang dần trở lại hoạt động. Sản xuất theo “đặt hàng” là hướng đi được chị em xác định, nhằm chủ động đầu ra cho sản phẩm.Thương hiệu đã nỗ lực tạo ra từ sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh được công nhận càng khiến họ luôn toàn sức toàn tâm với công việc của mình.

Bài, ảnh: Thanh Như

Tác giả: Bài, ảnh: Thanh Như

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin nổi bật Tin nổi bật