A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ Kon Rẫy thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nhằm giúp các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Rẫy đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo mang lại hiệu quả trong thực tế.

Mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Một trong những mô hình được HLHPN huyện Kon Rẫy triển khai đó là mô hình giỏ nhựa đi chợ. Tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, mô hình được chị em phụ nữ tích cực hưởng ứng. Từ nay, mỗi khi đi chợ, các chị mang theo giỏ nhựa để hạn chế việc sử dụng túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bà Y Dim - Thôn 9, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy vui mừng nói “Giỏ nhựa đi chợ tạo cho chị em có thói quen đi chợ là xách giỏ. Ngày xưa đi chợ chị em cứ đi tay không thôi, đi chợ về vứt bì bóng cả đống rất là nhiều. Từ nay, sẽ tuyên truyền cho bà con đi chợ có thói quen xách giỏ theo để hạn chế sử dụng bì nilon nhằm bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Rẫy xác định là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện đạt các chỉ tiêu mà Đại đội Phụ nữ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra. Trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo nhằm từng bước thay đổi tư duy, cách làm kinh tế của hội viên phụ nữ DTTS. Từ chỗ sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, đến nay, chị em đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Tham gia mô hình Tổ liên kết sản xuất lúa sạch do Hội HLPN huyện Kon Rẫy triển khai, chị Y Thanh ở thôn 4, xã Đăk Kôi đã cấy hơn 1 sào lúa giống Hương Châu, thay cho giống lúa địa phương năng suất thấp mà chị dùng lâu nay. Hiện nay, lúa của gia đình chị đã cho thu hoạch và sản lượng tăng 40% so với giống cũ.

Chị Y Thanh - Thôn 4, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy chia sẻ “Trong quá trình thực hiện trồng lúa sạch, bản thân tôi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc trồng lúa sạch của gia đình mình. Để giúp cho gia đình cải thiện được lương thực và kinh tế gia đình”.

Không chỉ có chị Y Thanh, tại thôn 4, xã Đăk Kôi, nhiều chị em phụ nữ cũng tham gia mô hình Tổ liên kết sản xuất lúa sạch. Tham gia mô hình, các chị được học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa để áp dụng vào sản xuất của gia đình.

Chị Y Khuyên - Thôn 4, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy nói “Tham gia vào tổ liên kết em học hỏi được kỹ thuật chăm sóc trồng lúa sạch đạt năng suất, hiệu quả cao như việc chọn giống, phân bón và cải tạo đất để làm cho lúa đạt năng suất. Trong thời gian tới em sẽ áp dụng theo khoa học kỹ thuật đó để trồng và chăm sóc lúa cho gia đình đạt năng xuất cao hơn”.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Rẫy cho biết thêm Thực hiện Kế hoạch 26, ngày 22/2/2021 của Ban thường vụ Huyện ủy, Hội LHPN huyện đã thành lập được 3 mô hình; thứ nhất như mô hình giỏ nhựa đi chợ; thứ 2 mô hình rau sạch; thứ 3 mô hình lúa sạch. Tại thôn 4 xã Đăk Kôi, hội viên đã biết áp dụng giống lúa mới, phù hợp với thổ nhưỡng đất đai, đem lại kết quả cao so với những loại giống lúa trước đây bà con đã trồng”

Việc triển khai các mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kon Rẫy đã giúp cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số đổi mới cách thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế, góp phần vươn lên thoát nghèo bền vững./.


Tác giả: Y Nhàn - Hữu Huy ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật