A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Niềm vui Kon Bder- Kon Tuh

Một năm rưỡi kể từ ngày cầu treo  thôn 11 bị lũ cuốn trôi, đồng bào Ba Na ở hai làng Kon Bder-KonTuh (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) vui mừng sắp có cây cầu mới được khởi công xây dựng.

Nơi cầu mới sắp được xây dựng thay cầu treo cũ.

Trời về chiều song vẫn còn vàng nắng.Sau cả buổi miệt mài giúp chị gái dọn rẫy mì chuẩn bị thu hoạch ở làng Kon Bdeh, Y Nét và các em nhanh chóng xuôi dốc để trở về làng Kon Tuh bên kia sông Đăk Bla.Dừng chân nơi mố chiếc cầu treo đã bị lũ cuốn trôi chỉ còn trơ lại gốc cột pê tông và một đoạn trụ sắt cũ, chờ một lúc lâu chưa thấy chiếc “sõng” (thuyền) nào từ bên kia cập bờ bên này, nên họ vội rảo bước sang bến nước cách đó không xa và lên một chiếc xuồng nhỏ đậu sẵn, nhanh tay chèo về nơi ngược hướng mặt trời lặn.   

  “ Ngày còn cầu treo Kon Tuh, đi bộ thôi cũng thấy gần xịt à! Từ ngày cầu trôi mất rồi, đi lại khó khăn,vất vả, lại mất nhiều thời gian nữa!... Chỉ mong sớm có cầu mới để được gần như trước thôi!”- Y Nét giọng nhè nhẹ, vẫy tay tạm biệt người khách mới quen.

  Cầu treo Kon Tuh bắc qua sông Đăk Bla, đoạn qua thôn 11 (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) có chiều dài 120m, rộng hơn 1m, nối liền hai làng Kon BDeh- Kon Tuh được đầu tư xây dựng sau cơn bão số 9 năm 2009; tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào Ba Na trong khu vực.

Phát huy hiệu quả thiết thực trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội địa phương, cầu treo Kon Tuh còn trở thành biểu tượng đẹp về sự gắn kết giữa hai khu dân cư vốn có gốc gác họ hàng anh em từ lâu đời bên dòng sông chảy ngược.Tuy vậy, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (bão Molave) gây mưa to, lũ lớn tại địa bàn tỉnh năm 2020, cầu treo Kon Tuh đã bất ngờ bị lũ cuốn trôi, để lại khoảng trống buồn lo trong lòng bà con hai bên bờ.

       

 Bến thuyền  tại làng Kon Bdeh   

Chị Y GLưm, người làng Kon Bdeh không thể nào quên thời điểm chiều  28/10/2020, chứng kiến cây cầu treo thân thương, gần gụi không còn nữa và cảnh hoang tàn bên bờ Đăk Bla sau cơn lũ dữ. Nhà ở bên này sông, song hầu hết diện tích đất sản xuất đều tập trung ở làng Kon Tuh bên kia sông, nên thời gian qua, hàng ngày,vợ chồng Y GLưm khi thì chèo sõng vượt sông, lúc phải đi vòng theo chặng đường gần 8 cây số qua thôn 6, xã Tân Lập để làm rẫy. Đi lại không dễ dàng, nên cũng đã lâu, gia đình chị và anh em bà con bên Kon Tuh không có dịp thăm hỏi, gặp gỡ.Mất cầu, lại thêm ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nên hai năm nay, từ lễ hội thường niên của làng đến mọi sinh hoạt tập thể đều tạm dừng khiến mọi người, mọi nhà càng thêm mong nhớ.    

Cầu treo Kon Tuh bị lũ cuốn trôi chẳng những ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của đồng bào địa phương, mà còn để lại hệ lụy không nhỏ đối với công tác chỉ đạo,điều hành của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trên địa bàn xã và  tình hình kinh tế- xã hội địa phương.

 Theo ông Đinh Ngọc Hải- Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng: Làng Kon Tuh là nơi tập trung hơn 2.000 hecta đất sản xuất. Làng Kon Bdeh cũng không kém khi có cả ngàn hecta nương rẫy lâu nay vẫn được bà con ổn định canh tác.Với đặc thù hầu hết gia đình người dân Kon Bdeh đều sản xuất tại địa bàn làng Kon Tuh và mối quan hệ gắn kết lâu đời, thường xuyên vần công, đổi công, giúp đỡ lẫn nhau nên khi cầu treo Kon Tuh bị lũ cuốn trôi, bà con hai làng đều cùng rơi vào cảnh khó khăn, hụt hẫng. Từ Kon Tuh, trước đây, qua  cầu treo, sang  làng Kon Bdeh và đến trung tâm xã chỉ hơn cây số, nay đi đường vòng 7-8 cây số qua  thôn 6 xã Tân Lập hay thôn 12 xã Đăk Tờ Re nên không chỉ khó khăn đi lại bình thường, mà đáng kể hơn là gây trở ngại đối với việc vận chuyển nông sản (mà chủ yếu là lúa, bắp, mì…) của các hộ.

    

 Bà con chèo xuồng qua sông.    

  Một năm rưỡi kể từ ngày cầu treo Kon Tuh bị lũ cuốn trôi, đồng bào Ba Na hai làng Kon Bder-Kon Tuh đã bền bỉ khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại để duy trì sản xuất, ổn định đời sống. Ngay khi cơn bão đi qua, bà con đã may mắn được sự hỗ trợ, giúp đỡ để chủ động phương tiện qua sông. Công tác bám nắm cơ sở, tuyên truyền vận động Nhân dân, kiểm tra địa bàn luôn được Đảng ủy, chính quyền xã Đăk Ruồng quan tâm đúng mức và hiệu quả, đảm bảo vừa gắn phòng chống dịch bệnh Covid-19 với duy trì phát triển kinh tế và giữ vững trật tự an toàn xã hội trong vùng.

Từ ngày cơn bão số 9 gây thiệt hại nặng tại địa phương, mong ước về một cây cầu mới đang trở thành hiện thực khi công trình vô cùng có ý nghĩa này chuẩn bị được khởi công xây dựng. “ Cầu pê tông kiên cố sắp được đầu tư xây dựng thay cho cầu treo thôn 11 có tổng kinh phí 50 tỷ đồng bằng chủ yếu nguồn vốn ngân sách tỉnh, do huyện làm chủ đầu tư.Trên cơ sở hoàn tất thủ tục hồ sơ, công trình sẽ được khởi công theo kế hoạch.”- Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy phấn khởi cho biết.


Tác giả: Bài, ảnh: Thanh Như

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật