A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình nuôi thỏ tăng thu nhập cải thiện kinh tế gia đình

Thời gian qua, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Kon Rẫy tích cực đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi, điển hình như mô hình nuôi thỏ của chị Nông Thị Nhung ở thôn 8, xã Đăk Ruồng.

Mô hình nuôi thỏ 

Chị Nông Thị Nhung, sinh năm 1973, dân tộc Tày ở Cao Bằng vào thôn 8, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy lập nghiệp đã trên 30 năm. Cách đây hơn 15 năm sau khi chia tay với chồng, chị một mình vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Nay nhìn vào cơ ngơi do bàn tay chị xây dựng, ai cũng trầm trồ nể phục. Năm 5 về trước chị chăn nuôi đàn bò hơn 20 con. Vì làm một mình quá vất vả nên chị đã bán. Đầu năm 2022, tận dụng diện tích chuồng bò (cũ) và đất vườn nhà rộng chị Nhung đầu tư chồng trại chăn nuôi thỏ. Để đảm bảo an toàn cho đàn thỏ, ngoài việc vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, chị đặc biệt chú ý việc phối giống để thỏ sinh sản. 

Chị Nhung chia sẻ: Thông thường thỏ cái nuôi đến tháng thứ 06 sẽ bắt đầu được mang đi phối giống. Con cái được cho phối giống 02 lần, thời gian phối thích hợp nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Từ lúc thỏ cái phối giống đến lúc đẻ khoảng 32 ngày, 01 năm thỏ có thể sinh sản từ 06 - 08 lứa, mỗi lứa từ 06 - 10 con. Thỏ giống đẻ chu kỳ từ 02 - 03 năm, sẽ thay con giống mới. Sau thời kỳ sinh sản, người nuôi phải chăm sóc cho thỏ ăn nhiều hơn để chúng lấy sữa nuôi con. Sau khi được nuôi khoảng 15 - 20 ngày, thỏ con được tách ra lồng nuôi riêng.

Để có nguồn thức ăn tổng hợp hàng ngày cho thỏ, chị Nhung tận dụng diện tích đất tại vườn cây mắc ca chị trồng cỏ; bờ rào bằng thép gai chị trồng thanh long trắng. Chị tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có, chủ yếu là các loại thức ăn thô xanh như rau, thân, lá các loại cây củ quả không tốn nhiều chi phí. Với phương thức chăn nuôi khoa học, chị Nhung dần mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, khu chuồng nuôi có diện tích 80m2, chị Nhung đầu tư nuôi 50 thỏ sinh sản và 500 thỏ thịt. Trong chuồng thỏ gia đình chị lúc nào cũng có thịt thỏ nối vụ để cung cấp nguyên liệu cho thị trường, nhờ đó bình quân chị Nhung thu trên 5 triệu/ tháng.

Với giá bán như hiện nay, 80.000 đồng/kg thỏ thịt và 120.000 đồng/kg thỏ giống, thu nhập từ mô hình chăn nuôi thỏ đã giúp gia đình chị có cuộc sống khá ổn định. Thời gian tới, gia đình chị sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp chuồng trại nhằm đảm bảo nguồn cung tốt hơn cho thị trường, đồng thời sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân mình cho những ai muốn nuôi thỏ và đam mê với nghề thỏ - chị Nhung nói.

Ngoài việc nuôi thỏ, hiện nay khu vườn rộng gần 1,5 ha, chị đầu tư trồng 50 cây ăn trái, 100 gốc măng le bốn mùa; hơn 100 cây mắc ca chuẩn bị cho thu bói; còn phía đất thấp chị đào ao thả cá và lấy nước tưới cho vườn cây. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng chị Nhung vẫn tranh thủ tham gia đầy đủ các cuộc họp thôn, hay các phong trào do các cấp phát động nhằm xây dựng khu dân cư vững mạnh được bà con Nhân dân trong ở thôn tin yêu và quý trọng.

Ông A Huế - Thôn trưởng thôn 8, xã Đăk Ruồng – cho biết: Chị Nhung là hộ dân tiểu biểu của thôn, trong các phong trào phát triển kinh tế, chuyển đổi cây con giống. Đặc biệt trong những phụ nữ thôn có sự đột phá phát triển kinh tế. Hồi trước chị chăn nuôi bò, heo, giờ chị chuyển chăn nuôi thỏ. Đây là mô hình để bà con trong thôn đáng học hỏi và thay đổi cây con giống.

          Mô hình nuôi thỏ kết hợp chuyển đổi cây trồng phù hợp của chị Nhung mở ra một hướng đi mới giúp hội viên phụ nữ trên địa bàn xã Đăk Ruồng nói riêng và huyện Kon Rẫy nói riêng học tập làm theo. Đây là mô hình phù hợp với hội viên phụ nữ của địa phương vì mô hình nuôi thỏ chi phí đầu tư thấp, tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi, lao động phụ. Thỏ thuộc loại đẻ khỏe, phát triển nhanh, hiệu suất cao hơn nhiều so với các loài gia súc khác./.


Tác giả: Lâm Hiền - Thành Trung ( Trung tâm VH-TT-DL&TT huyện Kon Rẫy)

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật